Với chức năng ban đầu chỉ là một cái tên dễ nhớ và dễ nhận biết giúp người sử dụng định danh một địa chỉ trên Internet một cách dễ dàng, ngày nay, tên miền đã trở thành một công cụ quan trọng góp phần nhận biết về nguồn gốc thương mại của một doanh nghiệp hoặc một sản phẩm. Cũng chính vì sự phát triển lớn mạnh chức năng nhận diện nguồn gốc thương mại mà tên miền đã xung đột với các quyền sở hữu trí tuệ đã tồn tại trước khi có môi trường Internet. Bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng sẽ giúp Quý Khách hàng có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề vi phạm bản quyền tên miền tại Việt Nam.
1. Vi phạm bản quyền tên miền
Do nguyên tắc đăng ký tên miền là “duy nhất” và “first come, first served”, ngày càng nhiều chủ thể đăng ký tên miền bằng cách đăng ký trước hàng loạt tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của người khác. Các chủ thể này, bằng việc sở hữu các tên miền đó, thường chào bán tên miền cho các chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích trục lợi kiếm lời, hoặc trực tiếp sử dụng tên miền đó gây cho công chúng lầm tưởng rằng chủ thể đó với các chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn đại lý có mối liên hệ kinh doanh với nhau. Đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn dến thực trạng tranh chấp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý với chủ thể sở hữu tên miền.
Tại Việt Nam, tên miền quốc gia “.vn” thuộc quyền quản lý của Trung tâm Internet Việt Nam trực thuộc Bộ Thong tin và Truyền thông trên cơ sở các quy định của Luật Công nghệ thông tin ngày 19/9/2006, Nghị định số 97/2008/NĐ-CP, Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008. Theo cơ sở pháp lý này, việc giải quyết tranh chấp tên miền sẽ được thực hiện theo một trong các phương thức sau: (i) Hòa giải, thương lượng, (ii) Giải quyết bằng con đường trọng tài, hoặc (iii) Khởi kiện ra tòa án.
Theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tene miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn đại lý tương ứng” bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp, do vậy, ngoài ba biện pháp thương lượng hòa giải, trọng tài và khởi kiện tại tòa án, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến tên miền còn được xử lý theo thủ tục hành chính được quy định tại Nghị định 97/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 14.10.a Nghị định 97/2010/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp sẽ bị phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “thu hồi tên miền chứa yếu tố vi phạm”, theo đó, cơ quan Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ và cơ quan thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm này. Mặc dù vậy, việc áp dụng các quy định của luật liên quan đến xử phạt hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cụ thể là cơ quan quản lý tên miền quốc gia “.vn” và cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền.
2. Quy định của pháp luật công nghệ thông tin về giải quyết tranh chấp liên quan đến tên miền
Theo quy định tại Điều 76 Luật Công nghệ thông tin (2006), Điểm 4.2 Thông tư 09/2008/TT- BTTTT ngày 24/12/2008, Điểm III, IV Thông tư 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được giải quyết theo các hình thức sau đây: Thông qua thương lượng, hòa giải; Thông qua trọng tài; Khởi kiện tại Tòa án.
Theo quy định, khi giải quyết tranh chấp tên miền thông qua thương lượng, hòa giải, các bên phải lập Biên bản hòa giải thành và Biên bản này phải được gửi đến Nhà đăng ký tên miền “.vn” liên quan hoặc VNNIC để làm cơ sở xử lý tên miền tranh chấp. Nếu tranh chấp tên miền được giải quyết thông qua trọng tài, các bên phải đạt được thỏa thuận trọng tài bằng văn bản trong đó có chỉ định rõ Trung tâm trọng tài sẽ giải quyết vụ việc tranh chấp trước khi hồ sơ vụ việc được xử lý theo thủ tục trọng tài. Trên thực tế, việc giải quyết tranh chấp tên miền gần như không được thực hiện và không thể thực hiện được bằng con đường trọng tài do chủ thể quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý không thể và chưa bao giờ đạt được thỏa thuận trọng tài với bên đã đăng ký tên miền xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của mình để có thể đưa vụ việc ra xử lý tại các trung tâm trọng tài. Đối với hình thức khởi kiện tại Tòa án, thủ tục giải quyết các tranh chấp tên miền trong quan hệ dân sự hay hoạt động thương mại tại tòa án nhân dân sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự liên quan.
Sau khi vụ việc tranh chấp về tên miền đã được xử lý bằng một trong ba hình thức nêu trên theo quy định của Luật Công nghệ thông tin, Nhà đăng ký tên miền “.vn” và VNNIC căn cứ vào Biên bản hòa giải thành của các bên; Quyết định đã có hiệu lực của trọng tài; Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án để thực hiện: Thu hồi tên miền để ưu tiên Người khiếu kiện đăng ký sử dụng, hoặc giữ nguyên hiện trạng của tên miền; Thực hiện các quyết định khác liên quan tới việc thu hồi, treo, giữ có thời hạn tên miền có tranh chấp. Do Luật Công nghệ Thông tin chỉ thừa nhận ba thủ tục giải quyết tranh chấp tên miền là thương lượng hòa giải, thủ tục trọng tài và thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án, kết quả giải quyết tranh chấp tên miền theo thủ tục hành chính được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 97/2010/NĐ-CP hiện chưa được thừa nhận bởi Cơ quan quản lý hành chính về tài nguyên Internet và tên miền là Trung tâm Internet Việt Nam mặc dù Luật Sở hữu Trí tuệ quy định việc giải quyết các tranh chấp về tên miền theo thủ tục hành chính thông qua việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nói cách khác, nếu trong quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, các cơ quan thực thi có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tên miền thì chưa nhận được sự hỗ trợ và phối hợp từ phía Trung tâm Internet Việt Nam do thiếu căn cứ pháp lý để thực hiện việc phối hợp này. Một điểm đáng lưu ý khi tiến hành giải quyết các tranh chấp tên miền, bất kể là căn cứ vào quy định của Luật Công nghệ thông tin hay Luật Sở hữu trí tuệ (như sẽ được trình bày trong Mục 3 của bài viết này), là các bên liên quan phải cung cấp đầy đủ thông tin và chứng cứ làm căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền, trong đó để khởi kiện tranh chấp tên miền, nguyên đơn phải chứng mình ba điều kiện sau:
Tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của Người khiếu kiện; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ mà Người khiếu kiện là người có quyền hoặc lợi ích hợp pháp.
Người bị khiếu kiện không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó.
Tên miền đã được Người bị khiếu kiện sử dụng với ý đồ xấu đối với Người khiếu kiện.
Để hỗ trợ cho việc chứng minh điều kiện ba, luật cũng có hướng dẫn tên miền được coi là sử dụng với ý đồ xấu nếu nhằm thực hiện một trong các hành vi sau:
– Cho thuê hay chuyển giao tên miền cho Người khiếu kiện là người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ trùng hoặc giống đến mức gây nhầm lẫn với tên miền đó; Cho thuê hay chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh của Người khiếu kiện vì lợi ích riêng hoặc để kiếm lời bất chính; hoặc Chiếm dụng, ngăn không cho người chủ của tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ đăng ký tên miền tương ứng với tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ đó; hoặc Hủy hoại danh tiếng của Người khiếu kiện, cản trở hoạt động kinh doanh của Người khiếu kiện hoặc gây sự nhầm lẫn, gây mất lòng tin cho công chúng đối với tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của Người khiếu kiện; hoặc Các trường hợp khác chứng minh được việc sử dụng tên miền với ý đồ xấu.Luật cũng quy định các trường hợp người bị khiếu kiện được coi là có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền khi đáp ứng một trong những điều kiện sau: Đã sử dụng hoặc có bằng chứng rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng tên miền hoặc tên tương ứng với tên miền đó liên quan đến việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ một cách thực sự trước khi có tranh chấp; hoặc Được công chúng biết đến bởi tên miền đó cho dù không có quyền nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ; hoặc Đang sử dụng tên miền một cách hợp pháp không liên quan tới thương mại hoặc sử dụng tên miền một cách chính đáng, không vì mục đích thương mại hoặc làm cho công chúng hiểu sai hoặc nhầm lẫn, ảnh hưởng tới tên, nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu dịch vụ của Người khiếu kiện.
– Các bằng chứng khác chứng minh được tính hợp pháp.
3. Quy định luật sở hữu trí tuệ liên quan đến tên miền
Theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, người nào thực hiện hành vi “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng” thì bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và Điều 14 Nghị định 97/2010/NĐ-CP là căn cứ pháp lý để các bên liên quan có thể đưa các vụ việc tranh chấp đến tên miền xử lý theo thủ tục hành chính dưới hình thức “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Trên đây là bài viết chi tiết về vấn đề Xử lý vi phạm tên miền tại Việt Nam của Luật Hồng Bàng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.