Cơ sở pháp lý
Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Pháp lệnh Ngoại hối do Văn phòng Quốc hội ban hành
- Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi
- Thông tư 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- Thông tư 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Thông tư 13/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 45/2011/TT-NHNN quy định về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Nội dung
Theo quy định tại Điều 4.4 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Pháp lệnh Ngoại hối do văn phòng Quốc hội ban hành:
“Giao dịch vốn là giao dịch chuyển vốn giữa người cư trú với người không cư trú trong các trường hợp sau đây:
(i) Đầu tư trực tiếp;
(ii) Đầu tư gián tiếp;
(iii) Vay và trả nợ nước ngoài;
(iv) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật Việt Nam”
Các khái niệm về các hình thức giao dịch vốn cũng được quy định cụ thể ở văn bản này, tại các khoản 12, 13, 14, 15, 16 Điều 4 như sau:
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
- Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác, góp vốn, mua cổ phần và thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác theo quy định của pháp luật mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
- Đầu tư ra nước ngoài là việc người cư trú chuyển vốn ra nước ngoài để đầu tư dưới các hình thức theo quy định của pháp luật.
- Vay và trả nợ nước ngoài là việc người cư trú vay và trả nợ đối với người không cư trú dưới các hình thức theo quy định của pháp luật.
- Cho vay và thu hồi nợ nước ngoài là việc người cư trú cho vay và thu hồi nợ đối với người không cư trú dưới các hình thức theo quy định của pháp luật.
Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép. Việc thực hiện góp vốn đầu tư, việc chuyển vốn đầu tư gốc, lợi nhuận và các khoản thu hợp pháp khác phải thực hiện thông qua tài khoản này.
- Các nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam được sử dụng để tái đầu tư, chuyển ra nước ngoài.
- Các nguồn thu nói trên là đồng Việt Nam muốn chuyển ra nước ngoài thì được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép.
Đối với hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam
- Nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú phải mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Vốn đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ phải được chuyển sang đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư thông qua tài khoản này.
- Các nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú từ hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam được sử dụng để tái đầu tư hoặc mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài.
Đối với hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài
- Khi thực hiện đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, người cư trú được sử dụng các nguồn vốn ngoại hối như sau:
- Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép;
- Ngoại tệ mua tại tổ chức tín dụng được phép;
- Ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Việc chuyển vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và Việc chuyển vốn, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài về Việt Nam phải được thực hiện thông qua tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép.
- Việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài:
- Tổ chức tín dụng được phép thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
- Người cư trú không phải là tổ chức tín dụng thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, chuyển vốn, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác từ hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú
- Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cá nhân thực hiện việc vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ theo quy định của pháp luật, chính phủ.
- Người cư trú là cá nhân thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ theo quy định của Chính phủ.
- Ngân hàng nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký khoản vay trong hạn mức thương mại nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.
- Khi thực hiện vay, trả nợ nước ngoài, người cư trú cần:
- Tuân thủ các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài;
- Thực hiện đăng ký các khoản vay;
- Mở và sử dụng tài khoản;
- Rút vốn và chuyển tiền trả nợ;
- Báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của ngân hàng nhà nước
Đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng
- Tổ chức tín dụng được phép thực hiện cho vay, thu hồi nợ nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Tổ chức kinh tế thực hiện cho vay ra nước ngoài, trừ việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ trả chậm; bảo lãnh cho người không cư trú khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn ra và thu hồi nợ nước ngoài, đăng ký cho vay, thu hồi nợ nước ngoài và các giao dịch chuyển vốn khác có liên quan đến hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của các tổ chức kinh tế.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!