Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của Luật Căn cước công dân

1. Quá nhiều giấy tờ tùy thân

Hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe… Việc có quá nhiều loại giấy tờ khác nhau được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta.

Trong khi đó, Luật Căn cước công dân không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ Căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào thẻ Căn cước công dân qua chíp điện tử và mã QR code) nên việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ Căn cước công dân vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều đơn vị chưa tham gia triển khai vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật.

2. Chưa quy định đầy đủ về khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát, chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật; trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác, nên cần được luật hóa.

3. Chưa quy định về định danh công dân trên môi trường điện tử

Trong thực hiện chuyển đổi số, việc xác định, định danh công dân trên môi trường điện tử (công dân số) là rất cần thiết; trong khi đó, Luật Căn cước công dân là văn bản quan trọng quy định về quản lý, định danh một công dân cụ thể nhưng hiện nay mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ Căn cước công dân mà chưa có quy định về việc xác định, quản lý, định danh công dân trên môi trường điện tử nên gây khó khăn trong phát triển các tiện ích, triển khai dịch vụ công, quản lý các giao dịch điện tử quan trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… chưa bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của công dân trên môi trường điện tử.

4. Còn nhiều thủ tục chưa đồng nhất

Luật Căn cước công dân là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng Chứng minh nhân dân sang cấp, sử dụng bằng thẻ Căn cước công dân; tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây cho công dân (có thông tin về Chứng minh nhân dân) bằng thông tin về thẻ Căn cước công dân (như trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng…) gây khó khăn, phiền hà cho công dân. Do vậy, cần bổ sung vào Luật Căn cước công dân quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân của công dân được thuận lợi hơn; hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân.

5. Cần mở rộng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo quy định tại Điều 9, Điều 15 Luật Căn cước công dân (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú năm 2020) thì thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chỉ bao gồm một số nhóm thông tin; tuy nhiên, qua triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022, việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây viết gọn là người gốc Việt Nam) trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là rất cần thiết; trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ Căn cước công dân, định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Do vậy, việc giới hạn các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định tại Điều 9, Điều 15 Luật Căn cước công dân nêu trên sẽ gây khó khăn khi triển khai Đề án, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

6. Cần bỏ bớt thông tin trong căn cước công dân

Theo quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân thì thông tin trong thẻ Căn cước công dân bao gồm nhiều thông tin khác nhau về công dân; trong đó, có thông tin về ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; tuy nhiên, trong thực tế khi triển khai cấp thẻ Căn cước công dân có nhiều trường hợp công dân không có thông tin về ngày, tháng sinh; không có nơi thường trú; không có địa chỉ quê quán rõ ràng (theo 03 cấp hành chính); có trường hợp công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân nhưng lại xác định lại giới tính… nên dẫn đến nhiều trường hợp công dân phải thực hiện đăng ký lại, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch đầy đủ mới được cấp thẻ Căn cước công dân. Quy định này gây khó khăn cho công dân, nhất là với trường hợp người cao tuổi khi không có hoặc không còn giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân do yếu tố lịch sử, chiến tranh dẫn đến không được cấp thẻ Căn cước công dân hoặc phải làm thêm rất nhiều thủ tục hộ tịch khác mới đủ điều kiện cấp thẻ Căn cước công dân.

7. Cần mở rộng đối tượng được cấp căn cước công dân

Luật Căn cước công dân không quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho toàn bộ công dân Việt Nam (loại trừ đối tượng là người dưới 14 tuổi, người không có nơi thường trú…) và cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho trường hợp người gốc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của cá nhân như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 05 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước. Đối với việc thu nhận thông tin sinh trắc học về ảnh khuôn mặt thì có thể thu nhận được đối với tất cả cá nhân (bao gồm cả người dưới 14 tuổi). Thực tế việc thu nhận ảnh khuôn mặt đã được áp dụng và quy định trong việc cấp thị thực cho cả trẻ em dưới 14 tuổi tại khoản 2 Điều 7 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 57/2020/TT-BCA ngày 10/6/2020).

Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho công dân Việt Nam liên quan đến cấp, sử dụng thẻ Căn cước công dân và giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến yếu tố lịch sử, chiến tranh, cần phải có chính sách, quy định pháp luật để quản lý, giải quyết bất cập trong công tác quản lý dân cư; nhất là quy định về quản lý trường hợp người gốc Việt Nam là người không quốc tịch nhưng đang sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống.

8. Luật Căn cước công dân chưa có quy định về việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân đối với trường hợp công dân có quyết định thôi quốc tịch, công được nhập trở lại quốc tịch Việt Nam…

9. Luật Căn cước công dân chưa có quy định về cấp lại thẻ Căn cước công dân theo hồ sơ đề nghị cấp thẻ gần nhất trên hệ thống cấp Căn cước công dân nên có trường hợp công dân vừa được cấp thẻ Căn cước công dân nhưng bị thất lạc, hư hỏng… đều phải trực tiếp đến cơ quan Công an để thực hiện cấp lại thẻ Căn cước công dân khác.

10. Hiện nay, các quy định về việc bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin của công dân đã được pháp luật chuyên ngành quy định chặt chẽ hơn, đòi hỏi phải thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định tương ứng tại Luật Căn cước công dân cho phù hợp như quy định về phòng chống các hành vi tấn công, xâm nhập, đánh cắp thông tin, phá hoại hoặc làm hư hỏng dữ liệu về dân cư.

11. Còn thiếu nhiều quy định quan trọng

Luật Căn cước công dân là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng Chứng minh nhân dân sang cấp, sử dụng bằng thẻ Căn cước công dân; tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây cho công dân (có thông tin về Chứng minh nhân dân) bằng thông tin về thẻ Căn cước công dân (như trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bảo hiểm, tài chính, ngân hàng…) gây khó khăn, phiền hà cho công dân. Do vậy, cần bổ sung vào Luật Căn cước công dân quy định chuyển tiếp để bảo đảm việc sử dụng, thay thế từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân của công dân được thuận lợi hơn; hạn chế phát sinh các thủ tục khác đối với công dân.

Các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát. Luật Căn cước công dân mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ Căn cước công dân mà chưa có quy định về định danh điện tử (căn cước điện tử) đối với cá nhân trên môi trường điện tử. Quy định pháp luật quy định về các vấn đề trên chủ yếu được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, văn bản dưới luật (như Nghị định số 137/2015/ND-CP ngày 31/12/2015, Nghi định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh…); trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thức luật (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp), bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân.

 

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG