“Phá sản cá nhân” là một thuật ngữ pháp lý khá mới mẻ. Hiện nay một số nước trên thế giới đã quy định về phá sản cá nhân, khoanh vùng đối tượng là cá nhân mất khả năng thanh toán. Vậy pháp luật Việt Nam có quy định nào điều chỉnh vấn đề phá sản của cá nhân chưa và nếu có thì quy định như thế nào?
1. Phá sản cá nhân là gì?
Phá sản cá nhân chỉ tình trạng mà một cá nhân mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn của mình.
Thứ nhất, phá sản cá nhân là một thủ tục đòi nợ tập thể. Bởi lẽ, khi một cá nhân quyết định nộp đơn khai phá sản thì số lượng chủ nợ của họ thường trên hai. Khi đó các chủ nợ sẽ ngưng mọi hành động đòi nợ từ con nợ, họ sẽ được tòa án triệu tập, cùng nhau xem xét hoặc là thanh lý các tài sản của con nợ, hoặc đề ra một kế hoạch để cá nhân đó làm lại tài chính và lấy lợi tức thu được trả nợ, góp phần đảm bảo quyền lợi của các chủ nợ là bằng nhau.
Thứ hai, phá sản cá nhân không những giúp cá nhân giải quyết nợ mà còn tạo cho họ một khởi đầu tài chính mới. Thông qua phá sản, một cá nhân có thể giải quyết được số nợ của mình, kết thúc thời gian bị gây áp lực từ các chủ nợ và bắt đầu lại cuộc sống mới.
Thứ ba, phá sản cá nhân là một thủ tục pháp lý tổng hợp và phức tạp. Khi bắt đầu nhận đơn khai phá sản của một cá nhân, Tòa án phải tiến hành các biện pháp bảo vệ cá nhân khỏi các chủ nợ, tịch thu tài sản của cá nhân, triệu tập các chủ nợ, đưa ra một kế hoạch khởi đầu lại tài chính cho cá nhân, giám sát việc trả nợ theo kế hoạch của cá nhân cho các chủ nợ.
2. Mục đích của phá sản cá nhân
Thứ nhất, tối đa hóa việc thu hồi nợ cho chủ nợ. Xuất phát từ việc bảo vệ tốt nhất chủ nợ, nếu con nợ lâm vào tình trạng phá sản và tài sản hiện tại không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các chủ nợ thì dù Tòa án có tuyên bố con nợ phải thực hiện nghĩa vụ thì chủ nợ cũng sẽ không thể thu hồi được tài sản của mình.
Vì thế, nếu được pháp luật bảo vệ khỏi những quấy rầy, đe dọa của chủ nợ, giúp họ giải phóng nợ để tạo lập cho mình một sự nghiệp mới. Lúc đó chủ nợ sẽ dễ dàng thu hồi nợ.
Thứ hai, cho con nợ cơ hội phục hồi. Thủ tục phá sản (trong đó giải pháp quan trọng nhất đó là phục hồi) sẽ tạo cho cá nhân nợ nần có cơ hội thương lượng với các chủ nợ về các khoản nợ và tránh được các biện pháp đòi nợ bất hợp pháp, ví dụ như xiết nợ đảm bảo việc giải quyết nợ theo một trật tự nhất định,
Thứ ba, Thủ tục phá sản còn tránh được tình trạng cá nhân bị phân biệt đối xử thông qua các cơ chế bảo mật thông tin cho con nợ, bảo vệ các con nợ qua cơ chế bảo vệ tự động ngay khi con nợ nộp đơn khai phá sản.
3. Pháp luật ở Việt Nam đã có quy định về phá sản cá nhân chưa?
Ở một số quốc gia như Anh, Pháp, Hoa Kỳ đã xây dựng những quy định điều chỉnh vấn đề phá sản cá nhân, điển hình là pháp luật phá sản của Hoa Kỳ.
Pháp luật của Việt Nam hiện nay chỉ quy định về việc phá sản của doanh nghiệp và hợp tác xã với quy trình, thủ tục tuân theo Luật Phá sản 2014. Còn đối với cá nhân thì chưa hề có bất kỳ quy định nào về phá sản của một cá nhân kinh doanh.
Một số ý kiến cho rằng phá sản cá nhân chính là phá sản của doanh nghiệp tư nhân vì về bản chất, doanh nghiệp tư nhân cho một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm vô hạn với các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó không được gọi là phá sản cá nhân, khi doanh nghiệp tư nhân phá sản đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó không còn tồn tại.
Thêm vào đó, cũng cần phân biệt phá sản cá nhân và thủ tục kiện dân sự: thủ tục kiện dân sự chỉ cho phép chủ nợ thực hiện quyền đòi nợ của mình khi khoản nợ đã đến hạn. Đặt trong trường hợp các khoản nợ chưa đến hạn cùng một lúc sẽ dẫn đến tình trạng các chủ nợ không thể thực hiện được quyền đòi nợ các khoản nợ chưa đến hạn khi họ nhìn thấy sản nghiệp của con nợ đã không còn hoặc còn rất ít và chắc chắn sẽ không đủ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với mình. Ngay cả khi các khoản nợ đáo hạn cùng một lúc thì theo thủ tục dân sự, cơ quan tài phán cũng chỉ có thể ra phán quyết buộc con nợ có nghĩa vụ phải thanh toán chứ không thể giải quyết thỏa đáng vấn đề con nợ không có khả năng thực hiện đồng thời tất cả các nghĩa vụ tài sản của mình.
Với sự điều hòa lợi ích giữa chủ nợ và con nợ của thủ tục phá sản cá nhân, hy vọng pháp luật Việt Nam có thể nhanh chóng có những quy định cụ thể về vấn đề này.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG