Vai trò của Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ngày càng được coi trọng và dần đi vào đời sống của nhân dân, có những tác động quan trọng, cần thiết trong việc tạo lập và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Công ty Luật Hồng Bàng sẽ làm rõ hơn những đặc điểm về Thuế tiêu thụ đặc biệt trong bài viết dưới đây!
Thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?
Thuế TTĐB thường có ở hầu hết các quốc gia vì đây là một loại thuế rất có hiệu quả bởi số thu rất cao, rất dễ thu, việc đánh thuế thường nhận được sự đồng thuận rất cao của công chúng. Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể về kinh tế xã hội, phong tục tập quán, chính sách tiêu dùng, yêu cầu động viên ngân sách, khả năng quản lý, giám sát mà mỗi nước có những quy định riêng về danh mục mặt hàng chịu thuế, mức thuế suất, phương thức tổ chức quản lý thu. Thuế TTĐB thường được đánh vào các nhóm hàng hoá, dịch vụ sau đây:
– Nhóm hàng hoá, dịch vụ có hại cho sức khoẻ cộng đồng (rượu, thuốc hút).
– Nhóm hàng hoá, dịch vụ mà người sử dụng chúng thuộc lớp người có thu nhập cao, Nhà nước cần điều tiết (ô tô, tàu bay cá nhân, du thuyền, mỹ phẩm cao cấp, dịch vụ làm đẹp…).
– Nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục độc quyền Nhà nước hoặc Nhà nước cần kiểm soát đặc biệt.
– Hàng hoá thuộc danh mục cần định hướng để thực hiện chính sách quốc gia về năng lượng, tài nguyên thiên nhiên (xăng dầu, sản phẩm khai khoáng…).
– Hàng hoá, dịch vụ mà việc tiêu dùng chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục, trật tự xã hội (bài lá, cá độ, mát xa…).
Tuy ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới chỉ liệt kê những danh mục hàng hóa, dịch vụ nằm trong đối tượng chịu thế tiêu thụ đặc biệt mà chưa có một định nghĩa cụ thể. Nhưng có thể hiểu rằng Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh lên một số hàng hóa, dịch vụ đặc biệt nhằm hướng dẫn tiêu dùng xã hội và điều tiết một phần thu nhập của người nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.
Đặc trưng của thuế tiêu thụ đặc biệt
Thứ nhất, thuế TTĐB là một loại thuế gián thu
Thuế TTĐB đánh vào thu nhập của người tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ chịu thuế TTĐB một cách gián tiếp thông qua giá cả của hàng hoá, dịch vụ mà người đó tiêu dùng và người sản xuất và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB là người nộp thuế cho nhà nước thay cho người tiêu dùng. Như vậy, người sản xuất, nhập khẩu hàng hoá, kinh doanh dịch vụ sẽ nộp thuế TTĐB và khoản thuế này được chuyển vào giá bán sản phẩm và chuyển sang cho người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu.
Thứ hai, thuế TTĐB có diện đánh thuế hẹp
Khác với các loại thuế gián thu khác như thuế bán hàng, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng là những là thuế có đối tượng chịu thuế rộng rãi, bao quát hầu hết các mặt hàng và dịch vụ được tiêu thụ trong nền kinh tế, nhìn chung các quốc gia thường đánh thuế TTĐB vào một số mặt hàng và dịch vụ nhất định, được coi là cao cấp và không thiết yếu, Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng như thuốc hút, rượu bia, xăng dầu.
Thứ ba, thuế TTĐB có mức thuế suất cao
Thuế TTĐB có phạm vi điều chỉnh hẹp nhưng lại thường có mức thuế suất cao. Thuế suất TTĐB có thể là thuế suất cố định hoặc thuế suất tỉ lệ. Đối với thuế suất tỉ lệ, việc điều chỉnh mức thu thường được đặt ra khi Nhà nước chủ trương thay đổi chính sách hướng dẫn phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng xã hội, hoặc khi cần thay đổi tỉ lệ động viên vào ngân sách nhà nước. Thuế TTĐB có thể chịu mức thuế suất lên tới 150% (đối với ô tô dưới 24 chỗ có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3). Sở dĩ có việc đặt ra mức thuế suất cao như vậy là vì đối tượng của thuế TTĐB chỉ áp dụng với một số hàng hóa dịch vụ nhất định. Dưới góc độ điều tiết thu nhập của người có thu nhập cao khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, thuế TTĐB còn góp phần khắc phục hạn chế về công bằng theo chiều dọc của thuế giá trị gia tăng.
Thứ tư, thuế TTĐB chỉ thu ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu, cung ứng hàng hóa dịch vụ
Cùng một mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi luân chuyển qua khâu lưu thông sẽ không bị đánh thuế TTĐB. Đặc trưng này của thuế TTĐB cho thấy một sự khác biệt lớn giữa thuế TTĐB và thuế giá trị gia tăng. Nếu như thuế TTĐB chỉ đánh một lần thì thuế giá trị gia tăng đánh vào phần giá trị tăng thêm của tất cả các khâu, các bước của quá trình kinh doanh, bao gồm cả sản xuất, lưu thông và tiêu dùng.
Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về vấn đề Thuế Tiêu thụ đặc biệt là gì? Đặc trưng của Thuế tiêu thụ đặc biệt? . Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:
Liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75;
Gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6575;
Gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!