Thủ tục xin giấy phép nhập khẩu thực phẩm chức năng

Để có thể nhập khẩu thực phẩm chức năng cần phải xin giấy phép nhập khẩu. Vậy giấy phép nhập khẩu thực phẩm chức năng là gì? Điều kiện, thủ tục hay hồ sơ đăng ký giấy phép này như thế nào? Hãy cùng Luật Hồng Bàng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

1. Giấy phép nhập khẩu thực phẩm là gì?

Giấy phép nhập khẩu thực phẩm là loại giấy tờ chứng minh thực phẩm được nhập khẩu từ bên ngoài đảm bảo đầy đủ chất lượng, điều kiện theo quy định của pháp luật và cho phép việc thực phẩm được đưa vào, tiêu thụ, phân phối tại lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

2. Nhập khẩu thực phẩm nào cần xin giấy phép?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các loại thực phẩm nhập khẩu cần đăng ký giấy phép bao gồm:

  • Các nguyên liệu thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp và không cần qua tinh chế lại để nhằm mục đích phục vụ quy trình sản xuất trực tiếp hoặc sang bao đóng gói lại;
  • Các chất hỗ trợ chế biến, phụ gia thực phẩm sử dụng trong chế biến thực phẩm;
  • Các loại thực phẩm bao gói sẵn để sử dụng trực tiếp;
  • Các sản phẩm được quy định theo pháp luật khi có các thông tin rủi ro về an toàn và dịch bệnh hoặc được Bộ Y tế yêu cầu bằng văn bản;
  • Các sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm thực phẩm phải công bố tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành theo từng thời kỳ;
  • Các thực phẩm phẩm mà tổ chức, cá nhân nhập khẩu đã nhận được Thông báo lô hàng không đạt yêu cầu nhập khẩu và phải thực hiện các biện pháp xử lý quy định của pháp luật.

3. Nhập khẩu thực phẩm nào không cần xin giấy phép?

Căn cứ theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật an toàn thực phẩm, những loại thực phẩm nhập khẩu không cần xin giấy phép bao gồm:

  • Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm;
  • Sản phẩm mang theo người nhập cảnh, gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi của người nhập cảnh để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi; quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế;
  • Sản phẩm nhập khẩu dùng cho cá nhân của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao;
  • Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan;
  • Sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân;
  • Sản phẩm sử dụng để trưng bày hội chợ, triển lãm;
  • Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước;
  • Sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế;
  • Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Điều kiện xin giấy phép nhập khẩu thực phẩm, thực phẩm chức năng bao gồm những gì?

Căn cứ theo Luật An toàn thực phẩm 2018, để đăng ký giấy phép thực phẩm cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các điều kiện tương ứng quy định tại Chương III của Luật An toàn thực phẩm và các điều kiện sau đây: Phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi nhập khẩu; Phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng của cơ quan kiểm tra được chỉ định theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
  • Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ phải có giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc giấy chứng nhận y tế theo quy định của Chính phủ;
  • Trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu thì áp dụng theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Cần chuẩn bị những gì trước khi đặt hàng nhập khẩu thực phẩm, thực phẩm chức năng?

Doanh nghiệp cần chuẩn bị những giấy tờ pháp lý sau trước khi đặt hàng nhập khẩu thực phẩm, thực phẩm chức năng, bao gồm:

  • Giấy chứng nhận lưu hành tự do sản phẩm CFS: Đối với thực phẩm, thực phẩm chức năng nhập khẩu, để làm công bố doanh nghiệp cần xin CFS của Phòng thương mại của nước nhập khẩu cấp phép.  CFS cần được hợp thức hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. Trên CFS cần thể hiện các thông tin chính: Nhà sản xuất, nước người mua, tên thương nhân bán sản phẩm, tên thương nhân nhập khẩu của Việt Nam;
  • Giấy đăng ký kinh doanh: Là điều kiện để tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm có điều kiện nhất định được phép hoạt động kinh doanh hợp pháp. Đây là chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở kinh doanh đó đồng thời là cơ sở giúp cơ quan quản lý dễ dàng quản lý trật tự xã hội và điều kiện kinh doanh;
  • Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất: Là giấy chứng nhận sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, đảm bảo chất lượng đồng đều, ổn định, đạt tiêu chuẩn, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất;
  • Giấy kiểm nghiệm sản phẩm: Giấy kiểm nghiệm chứng minh sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ y tế, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

6. Hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu thực phẩm, thực phẩm chức năng gồm những giấy tờ gì?

Tổ chức, cá nhân khi đăng ký xin cấp Giấy phép nhập khẩu thực phẩm, cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm:

  • Bản công công bố sản phẩm (theo mẫu số 2 Phụ lục I quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP);
  • Giấy chứng nhận lưu hành tự do của sản phẩm (Certificate of Free Sale) hoặc Giấy chứng nhận xuất khẩu sản phẩm (Certificate of Exportation);
  • Phiếu kiểm nghiệm thực phẩm (trong thời hạn là 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ) do phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm đáp ứng phù hợp ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành;
  • Bằng chứng khoa học chứng minh về công dụng của sản phẩm, hoặc thành phần tạo nên công dụng của sản phẩm (bản chính, bản sao thì cần có xác nhận của doanh nghiệp nhập khẩu). Lưu ý: Thành phần tối thiểu của chất, nguyên liệu là nên công dụng của sản phẩm phải ít nhất bằng 15% lượng sử dụng thành phần đó đã được nêu trong tài liệu;
  • Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc đạt yêu cầu về thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc tương đương nếu sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

7. Thủ tục xin giấy phép nhập khẩu thực phẩm, thực phẩm chức năng bao gồm những bước nào?

Thủ tục xin giấy phép nhập khẩu được thực hiện tùy thuộc vào từng thủ tục bao gồm: thủ tục kiểm tra chặt, thủ tục kiểm tra thông thường và thủ tục kiểm tra giảm.

7.1. Đối với thủ tục thực hiện kiểm tra chặt

  • Bước 1: Đăng ký kiểm tra đến cơ quan kiểm tra nhà nước hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia trước hoặc ngay sau khi hàng về đến cửa khẩu.
  • Bước 2: Trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận hồ sơ, cơ quan đó có trách nhiệm: Kiểm tra hồ sơ; Tiến hành lấy mẫu và kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo yêu cầu; Ra thông báo thực phẩm đạt yêu cầu hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu; Trường hợp hồ sơ cần bổ sung thì phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.
  • Bước 3: Cá nhân, tổ chức nộp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” cho cơ quan hải quan. Nếu hồ sơ hợp lệ để thông quan hàng hóa. Nếu hồ sơ “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm” không đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định của pháp luật thì cơ quan kiểm tra nhà nước quyết định các biện pháp xử lý theo các hình thức theo quy định Luật an toàn thực phẩm và phải báo cáo kết quả xử lý thực phẩm không đạt yêu cầu nhập khẩu với Bộ quản lý chuyên ngành.

7.2. Đối với thủ tục thực hiện kiểm tra giảm

Bước 1: Khi làm thủ tục hải quan, chủ hàng có trách nhiệm trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra tại cơ quan Hải quan cửa khẩu.

Bước 2: Cơ quan hải quan có thể chọn ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong 01 năm để kiểm tra hồ sơ theo quy định.

Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thông quan hàng hóa. Nếu thuộc trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ thì phải nêu lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.

7.3. Đối với thủ tục kiểm tra thông thường

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra theo quy định tại khoản đến cơ quan kiểm tra nhà nước hoặc Cổng thông tin một cửa quốc gia của Bộ Y tế trước hoặc ngay khi hàng về đến cửa khẩu.

Bước 2: Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan kiểm tra nhà nước có trách nhiệm: Kiểm tra hồ sơ và ra thông báo thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu theo mẫu; Trường hợp yêu cầu bổ sung hồ sơ thì phải nêu lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.

Bước 3: Nộp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu cho cơ quan hải quan. Hồ sơ hợp lệ để thông quan hàng hóa.

Hồ sơ không đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định của pháp luật thì cơ quan kiểm tra nhà nước quyết định các biện pháp xử lý theo các hình thức theo quy định và báo cáo kết quả xử lý thực phẩm nếu không đạt yêu cầu nhập khẩu với Bộ quản lý chuyên ngành.

8. Xin giấy phép nhập khẩu thực phẩm ở đâu?

Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cần đăng ký giấy phép nhập khẩu thực phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể:

  • Đăng ký giấy phép tại Bộ Y tế đối với: Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng và các thực phẩm khác theo quy định;
  • Đăng ký giấy phép tại Bộ Công thương đối với: Rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định;
  • Đăng ký giấy phép tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với: Thịt, ngũ cốc và rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản trứng, các sản phẩm từ trứng, sữa tươi làm nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định.

Bên cạnh đó, trong trường hợp một lô hàng nhập khẩu có nhiều loại thực phẩm mà thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều bộ thì cơ quan có thẩm quyền kiểm tra là cơ quan được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao hoặc chỉ định.

Trên đây là bài viết chi tiết hướng dẫn Thủ tục giấy phép nhập khẩu thực phẩm chức năng của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!  

Công ty Luật Hồng Bàng./.