Thủ tục xin giấy phép nhập khẩu phế liệu

Theo quy định của pháp luật, nếu muốn nhập khẩu phế liệu phải xin giấy phép. Bên cạnh đó thủ tục xin giấy phép nhập khẩu phế liệu, điều kiện xin giấy phép nhập khẩu phế liệu cũng rất phức tạp theo quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, xin mời quý khách theo dõi bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn hiểu những vấn đề quan trọng cần phải hiểu về giấy phép nhập khẩu phế liệu.

1. Giấy phép nhập khẩu phế liệu là gì?

Hiện nay phế liệu được quy định là sản phẩm hàng hóa hạn chế nhập khẩu, vì vậy khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu phế  liệu phải xin giấy phép từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hiểu theo một cách chung nhất, giấy phép nhập khẩu phế liệu là một loại giấy tờ pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho các đối tượng được phép nhập khẩu phế liệu đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện qua đó xác nhận quyền được nhập khẩu của các chủ thể này.

2. Đối tượng được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu

Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối tượng được phép cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về Việt Nam là:

  • Tổ chức hoặc cá nhân sử dụng trực tiếp phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
  • Tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

3. Điều kiện xin giấy phép nhập khẩu phế liệu

Để được xin giấy phép nhập khẩu phế liệu, các cá nhân, tổ chức cần phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản sau theo quy định tại Nghị định số 38/2015/CP-NĐ về quản lý chất thải và phế liệu ngày 24/4/2015 của Chính phủ:

  • Kho lưu giữ phế liệu nhập khẩu
  • Có hệ thống thu gom nước mưa; hệ thống thu gom và biện pháp xử lý các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
  • Có cao độ nền đảm bảo không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ phế liệu được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán.
  • Có tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ phế liệu bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong.
  • Có thiết bị phòng cháy chữa cháy (ít nhất gồm có bình bọt chữa cháy, cát để dập lửa), sơ đồ thoát hiểm, ký hiệu hướng dẫn thoát hiểm đúng hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
  • Bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu
  • Có hệ thống thu gom và biện pháp xử lý nước mưa đợt đầu chảy tràn qua bãi phế liệu nhập khẩu và các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
  • Có cao độ nền đảm bảo không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán.
  • Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ phế liệu.
  • Có thiết bị phòng cháy chữa cháy (ít nhất gồm có bình bọt chữa cháy, cát để dập lửa) đúng hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
  • Công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định;
  • Có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý;
  • Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này;
  • Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý điều kiện mà Tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu phải đáp ứng như sau:

  • Có hợp đồng ủy thác nhập khẩu ký với tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã đáp ứng đúng các quy định tại Khoản 1 Điều này;
  • Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này;
  • Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
  • Không được phép lưu giữ phế liệu nhập khẩu trong trường hợp không có kho bãi đảm bảo các điều kiện đã quy định.

4. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu

Thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu được xác định như sau:

Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi đối với các trường hợp sau:

  • Tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất có khối lượng phế liệu nhập khẩu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.
  • Tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép nhập khẩu đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu để sử dụng nguyên liệu sản xuất không thuộc các trường hợp mà Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp.

5. Hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu phế liệu

Để xin giấy phép nhập khẩu phế liệu, bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ sau đây:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu.
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp chịu trách nhiệm nhập khẩu phế liệu.
  • Bản báo cáo các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
  • Một trong các văn bản về:
  • Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt;
  • Giấy xác nhận đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường;
  • Giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường;
  • Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết;
  • Giấy chứng nhận Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường;
  • Giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản;
  • Quyết định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường;
  • Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường;
  • Văn bản thông báo về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường;
  • Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung (nếu có).
  • Một trong các văn bản:
  • Giấy xác nhận hoàn thành việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc các hồ sơ hoặc giấy tờ tương đương (nếu có);
  • Giấy xác nhận đã hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở và dự án.
  • Hợp đồng chuyển giao, xử lý tạp chất và chất thải với đơn vị có chức năng phù hợp (trong trường hợp không có công nghệ hay thiết bị xử lý tạp chất đi kèm, chất thải phát sinh);
  • Báo cáo kết quả giám sát môi trường định kỳ của cơ sở.
  • Bản cam kết về tái xuất hoặc xử lý phế liệu nhập khẩu theo mẫu mà pháp luật quy định.

6. Thủ tục xin giấy phép nhập khẩu phế liệu

Để xin giấy phép nhập khẩu phế liệu nhanh chóng và ít tốn nhiều thời gian, bạn thực hiện theo các bước mà chúng tôi nêu dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Bạn chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ mà chúng tôi đã liệt kê phía trên và nộp hồ sơ tại Cơ quan có thẩm quyền mà chúng tôi đã xác định phía trên. Thương nhân có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.

Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Như đã phân tích phía trên, tùy trường trường hợp cụ thể mà Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường tại các địa phương sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu của bạn.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, các cơ quan này sẽ xem xét hồ sơ của bạn để ra quyết định có cấp giấy phép nhập khẩu hay không.

Bước 3: Trả kết quả

Nếu hồ sơ của bạn hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ ra quyết định cấp giấy phép nhập khẩu trong thời hạn 15 ngày làm việc. Bạn cần lưu ý rằng, hiệu lực của giấy phép nhập khẩu phế liệu là 03 năm kể từ ngày được cấp phép.

Nếu hồ sơ của bạn không hợp lệ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành trả hồ sơ hoặc yêu cầu bạn bổ sung thêm các giấy tờ cần thiết để hồ sơ hợp lệ.

Trên đây là bài viết chi tiết hướng dẫn Thủ tục xin giấy phép nhập khẩu phế liệu của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!  

Công ty Luật Hồng Bàng./.