Thủ tục xin giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế

Để đủ điều kiện đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần xin giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế theo quy định về điều kiện kinh doanh do Pháp luật Việt Nam ban hành. Vậy, hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp là gì? Điều kiện xin giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế?

Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế? Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế? Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế? Thời hạn xin giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế là bao lâu? Lệ phí xin cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế là bao nhiêu?

Bài viết dưới đây, Luật Hồng Bàng hy vọng sẽ cung cấp đến bạn đầy đủ và chính xác thông tin về vấn đề này để bạn có thể tham khảo.

1. Hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp là gì?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật Hóa chất, hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp là hóa chất nguy hiểm, được kiểm soát đặc biệt về kỹ thuật an toàn, phạm vi, loại hình, quy mô, thời hạn sản xuất, kinh doanh để bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe con người, tài sản và môi trường.

Các hóa chất này bao gồm các chất được liệt kê trong Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (ban hành tại Phụ lục II Nghị định 113/2017/NĐ-CP) và hỗn hợp chất có chứa chất trong Danh mục trên đồng thời thuộc 1 trong các nhóm phân loại sau:

  • Độc cấp tính (theo các đường phơi nhiễm khác nhau) cấp 1;
  • Tác nhân gây ung thư cấp 1A, 1B;
  • Độc tính sinh sản cấp 1A, 1B;
  • Đột biến tế bào mầm cấp 1A, 1B.

Xuất phát từ đặc tính nguy hiểm nên cá nhân, tổ chức khi muốn buôn bán, xuất, nhập khẩu loại hóa chất này thì phải xin Giấy phép kinh doanh từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Điều kiện xin giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 9 Nghị định 17/2020/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

2.1. Thứ nhất, điều kiện về tư cách pháp lý

  • Được thành lập theo quy định pháp luật;
  • Đã đăng ký ngành nghề kinh doanh hóa chất.

2.2. Thứ hai, điều kiện về cơ sở, vật chất

Về nhà xưởng và kho chứa:

  • Nhà xưởng phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với tính chất, quy mô và công nghệ sản xuất, lưu trữ hóa chất;
  • Sàn nhà xưởng, kho chứa hóa chất phải chịu được hóa chất, tải trọng, không gây trơn trượt, có rãnh thu gom và thoát nước tốt;
  • Có lối, cửa thoát hiểm. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp;
  • Có hệ thống thông gió đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống thông gió;
  • Có hệ thống chiếu sáng đảm bảo theo quy định để đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu trữ hóa chất. Thiết bị điện trong nhà xưởng, kho chứa có hóa chất dễ cháy, nổ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về phòng, chống cháy, nổ;
  • Có bảng nội quy về an toàn hóa chất, có biển báo nguy hiểm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất, treo ở nơi dễ thấy. Các biển báo thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất phải có các thông tin: Mã nhận dạng hóa chất; Hình đồ cảnh báo; Từ cảnh báo; Cảnh báo nguy cơ. Trường hợp hóa chất có nhiều đặc tính nguy hiểm khác nhau thì hình đồ cảnh báo phải thể hiện đầy đủ các đặc tính nguy hiểm đó. Tại khu vực sản xuất có hóa chất nguy hiểm phải có bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác an toàn ở vị trí dễ đọc, dễ thấy;
  • Có hệ thống thu lôi chống sét hoặc nằm trong khu vực được chống sét an toàn và được định kỳ kiểm tra theo các quy định pháp luật hiện hành;
  • Đối với bồn chứa ngoài trời phải xây đê bao hoặc các biện pháp kỹ thuật khác để đảm bảo hóa chất không thoát ra môi trường khi xảy ra sự cố hóa chất và có biện pháp phòng chống cháy nổ, chống sét;
  • Nhà xưởng, kho chứa phải đáp ứng đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.

Về thiết bị kỹ thuật:

Thiết bị kỹ thuật được sử dụng trong hoạt động kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh phải đạt các  yêu cầu sau:

  • Yêu cầu về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
  • Phù hợp với chủng loại hóa chất và quy trình công nghệ;
  • Đáp ứng được công suất sản xuất, quy mô kinh doanh;
  • Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và thiết bị đo lường thử nghiệm phải được kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, bảo dưỡng theo quy định hiện hành về kiểm định máy móc, thiết bị.

2.3. Thứ ba, về bảo quản, vận chuyển

  • Các hóa chất nguy hiểm phải được phân khu, sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất;
  • Không được bảo quản chung các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có yêu cầu về an toàn hóa chất, phòng, chống cháy nổ khác nhau trong cùng một khu vực;
  • Hóa chất trong kho phải được bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, đảm bảo yêu cầu an toàn, thuận lợi cho công tác ứng phó sự cố hóa chất.

2.4. Thứ tư, về hệ thống kinh doanh

Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán hóa chất. Các địa điểm này phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

2.5. Thứ năm, về kho chứa

Có kho chứa hoặc hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất. Kho chứa phải đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ.

2.6. Thứ sáu, về đội ngũ nhân sự

Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất;

Cá nhân đảm nhiệm các vị trí sau phải được huấn luyện về an toàn hóa chất:

  • Người đứng đầu cơ sở kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc hoặc cấp phó được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn hóa chất;
  • Người phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật hoặc cấp phó được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn hóa chất;
  • Quản đốc phân xưởng hoặc tương đương hoặc cấp phó được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn hóa chất;
  • Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn hóa chất của cơ sở;
  • Người trực tiếp giám sát về an toàn hóa chất tại nơi làm việc;
  • Người lao động liên quan trực tiếp đến hóa chất.

2.7. Thứ bảy, về hóa chất

Hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp phải được tồn trữ, bảo quản ở một khu vực riêng trong kho hoặc kho riêng.

3. Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh (theo mẫu tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP);
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
  • Bản kê khai về từng địa điểm kinh doanh;
  • Bản sao Quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành;
  • Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền đối với từng kho chứa hóa chất thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
  • Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với từng kho chứa hóa chất không thuộc đối tượng bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy;
  • Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng của từng địa điểm kinh doanh. Bản vẽ phải thể hiện được các thông tin về vị trí kho chứa, khu vực chứa hóa chất, diện tích và đường vào khu vực kho hóa chất;
  • Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng kho chứa hoặc Hợp đồng thuê kho đối với trường hợp thuê kho lưu trữ hoặc Hợp đồng hay thỏa thuận mua bán hóa chất trong trường hợp sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất;
  • Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của từng địa điểm kinh doanh hóa chất;
  • Bản sao bằng trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất của người phụ trách về an toàn hóa chất;
  • Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất của các đối tượng phải được huấn luyện an toàn hóa chất;
  • Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở kinh doanh theo quy định;
  • Bản giải trình kế hoạch kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh.

4. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế

Theo quy định của pháp luật hiện nay, Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.

5. Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế

Bước 1. Nộp hồ sơ

  • Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm đầy đủ các loại giấy tờ nêu ở mục trên, sau đó nộp 01 bộ hồ sơ tới Cục Hóa chất;
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp phép thông báo để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không được tính vào thời gian cấp Giấy phép kinh doanh.

Bước 2. Giải quyết hồ sơ

Cục Hóa chất có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện thực tế của cá nhân, tổ chức có yêu cầu và cấp Giấy phép kinh doanh cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

Bước 3. Nhận kết quả

Căn cứ vào lịch hẹn trả kết quả, cá nhân, tổ chức nhận Giấy phép kinh doanh trực tiếp tại Cục Hóa chất hoặc qua đường bưu điện.

6. Thời hạn xin giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 16 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, thời hạn giải quyết hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh là 16 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

7. Lệ phí xin cấp giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế

Theo quy định tại Thông tư số 08/2018/TT-BTC, lệ phí cấp mới Giấy phép kinh doanh là 1.200.000 VNĐ (Một triệu hai trăm đồng).

8. Cơ sở pháp lý

  • Luật hóa chất 2007;
  • Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hóa chất;
  • Thông tư 32/2017/TT-BCT Quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP;
  • Thông tư 08/2018/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động hóa chất.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG