Thủ tục xin giấy phép kinh doanh hàng xách tay

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngoại có chất lượng cùng với giá cả phải chăng đang ngày càng gia tăng như hiện nay, ngành nghề kinh doanh hàng xách tay ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ.

Bạn cũng đang có nhu cầu muốn tìm hiểu về kinh doanh hàng xách tay nhưng lại chưa nắm rõ kinh doanh loại hình này có cần phải xin giấy phép kinh doanh không? Bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng sẽ hướng dẫn cho bạn đọc các hiểu biết cần thiết để có thể tiến hành xin giấy phép kinh doanh hàng xách tay.

1. Hàng xách tay có phải hàng nhập lậu?

Hàng xách tay được hiểu là các loại mặt hàng hóa được mang từ nước ngoài về Việt Nam qua đường xách tay như: người thân ở nước ngoài, đi du lịch nước ngoài xách tay như một loại hành lý và mang về, nhân viên hàng không mua hàng ở nước sở tại mang về, vài cá nhân hoặc công ty đứng ra làm dịch vụ mua hàng và chuyển về Việt Nam

Hàng xách tay sẽ là loại mặt hàng kinh doanh hợp pháp khi nó có thể đáp ứng đầy đủ những điều kiện mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, trong trường hợp không đủ điều kiện, hình thức kinh doanh này sẽ vi phạm pháp luật và có thể được coi là hàng nhập lậu. Vậy nên hàng xách tay sẽ không bị coi là nhập lậu khi đáp ứng đầy đủ những điều kiện mà pháp luật hiện hành quy định.

2. Khi nào bán hàng xách tay không bị phạt?

Việc bán hàng xách tay được coi là đúng luật và không bị phạt nếu hàng xách tay đó đáp ứng được các điều kiện như sau:

  • Hàng hóa đó đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lý của người xuất, nhập cảnh, được quy định tại điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP;
  • Đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
  • Hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
  • Hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn.

Theo đó, nếu bạn bán “hàng xách tay” và đảm bảo có đủ các điều kiện về nhập khẩu, tem mác, giấy tờ và đóng đủ các loại thuế, phí theo quy định như trên sẽ không phải bán hàng nhập lậu và không bị xử phạt.

3. Kinh doanh hàng xách tay có phải xin giấy phép kinh doanh không?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định các trường hợp kinh doanh mà không cần đăng ký kinh doanh, các trường hợp này chỉ bao gồm buôn bán hàng hàng rong, lề đường.

Đối với những trường hợp không thuộc điều khoản trên, pháp luật buộc chủ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh. Như vậy, cũng như mọi loại hình kinh doanh khác kinh doanh xách tay buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Hồ sơ, thủ tục mở cửa hàng kinh doanh hàng xách tay theo loại hình hộ kinh doanh

Để có thể mở cửa hàng thì hộ kinh doanh cá thể thì bạn cần đăng ký kinh doanh hàng xách tay cho cửa hàng. Cụ thể, hồ sơ, thủ tục mở cửa hàng kinh doanh hàng xách tay theo hình thức hộ kinh doanh sẽ như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đăng ký gồm 01 bộ, bao gồm:

  • Giấy đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép đăng ký hộ kinh doanh cá thể để mở cửa hàng theo quy định. Có nội dung như sau:
    • Thông tin chủ cửa hàng: Bạn cần chuẩn bị thông tin đầy đủ như họ, tên, số và ngày cấp CMND/CCCD, địa chỉ nơi cư trú kèm theo chữ ký của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập hoặc của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập.
    • Tên cửa hàng: Cửa hàng kinh doanh hàng xách tay cần có tên riêng khi đăng ký kinh doanh. Tên cửa hàng phải tuân thủ những quy định chung như: Có đủ cấu trúc gồm cả loại hình và tên riêng. Tên không giống hay trùng lặp với các cửa hàng đã đăng ký kinh doanh khác trong phạm vi cấp quận/huyện. Tên có thể viết bằng tiếng anh hay viết tắt nhưng không được sử dụng các từ ngữ, ký hiệu thiếu văn hóa, trái thuần phong mỹ tục. Hơn nữa, cấm sử dụng chữ công ty hay doanh nghiệp để làm tên cửa hàng.
    • Ngành nghề kinh doanh: Bạn cần chuẩn bị ngành nghề để đăng ký kinh doanh là mặt hàng xách tay.
    • Số vốn kinh doanh: Bạn chuẩn bị bao nhiêu vốn để mở cửa hàng thì phải ghi cụ thể vào hồ sơ đăng ký kinh doanh.
    • Địa chỉ cửa hàng: Cần ghi rõ địa chỉ cửa hàng của bạn, không nên sử dụng địa chỉ giả, địa chỉ không tồn tại khi đăng ký kinh doanh.
  • Bản sao có chứng thực CMND/CCCD của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.
  • Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Bạn nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh (thông thường là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc UBND huyện).

Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

  • Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
  • Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định;
  • Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người chủ kinh doanh.

Bước 3: Nhận kết quả

Sau thời gian được ghi trên giấy biên nhận, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký cửa hàng kinh doanh hàng xách tay cho bạn.

5. Hồ sơ, thủ tục mở cửa hàng kinh doanh hàng xách tay theo loại hình doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, hồ sơ, thủ tục mở cửa hàng kinh doanh hàng xách tay sẽ bao gồm:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Số lượng hồ sơ: 01 bộ, bao gồm những loại giấy tờ sau:

  • Giấy đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy phép đăng ký công ty kinh doanh xách tay.
  • Bản sao có công chứng của các giấy tờ còn hiệu lực pháp luật như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân. Trường hợp nếu là một tổ chức mở công ty thì cung cấp thêm theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định mở công ty hợp pháp.
  • Bản điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh xách tay (không yêu cầu đối với doanh nghiệp tư nhân).
  • Nội dung về thông tin và tất cả các thành viên cũng như cổ đông cùng mở công ty.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Bạn nộp Hồ sơ đăng ký kinh doanh đến Sở kế hoạch và Đầu tư nơi bạn muốn mở cửa hàng.

Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký cửa hàng kinh doanh hàng xách tay cho doanh nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh

  • Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định
  • Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho bạn.

Bước 3: Nhận kết quả

Sau thời gian được ghi trên giấy biên nhận, Cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký cửa hàng kinh doanh hàng xách tay cho bạn.

6. Bán hàng xách tay không có giấy tờ bị phạt bao nhiêu?

Trong trường hợp “bán hàng xách tay” mà không có hóa đơn, chứng từ kèm theo quy định của pháp luật hiện hành, không làm thủ tục hải quan thì sẽ thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu và bất hợp pháp

Căn cứ tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP có quy định về mức phạt đối với việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo đó, đối với cá nhân kinh doanh  cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt từ 500.000 đồng cho đến 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng cho đến 100 triệu đồng.

Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi, tối đa là 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc… có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Các lưu ý khác khi kinh doanh hàng xách tay

Ngoài việc xin giấy phép kinh doanh hàng xách tay, bạn cần phải lưu ý bổ sung các thủ tục pháp lý sau để có thể hợp pháp hóa kinh doanh mặt hàng xách tay.

7.1. Bổ sung các chứng từ nhập khẩu sản phẩm

Sản phẩm từ nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam một cách hợp pháp sẽ cần thông qua hải quan. Theo đó, bạn sẽ cần tiến hành khai báo hải quan tại cửa khẩu khi hàng hóa cập bến.

7.2. Nộp đủ các khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam

Cửa hàng xách tay sẽ cần đóng đầy đủ những loại thuế theo quy định sau khi đi vào hoạt động kinh doanh. Cụ thể, Những khoản thuế cần phải đóng như sau:

  • Thuế môn bài:
    • Doanh thu từ 100 triệu dưới 300 triệu/ năm thì nộp thuế môn bài 300.000 đồng/năm.
    • Doanh thu từ 300 triệu đến dưới 500 triệu/ năm thì nộp thuế môn bài 500.000 đồng/năm.
    • Doanh thu từ 500 triệu/ năm thì nộp thuế môn bài 1.000.000 đồng/năm.
  • Thuế giá trị gia tăng
  • Thuế thu nhập cá nhân
  • Thuế nhập khẩu
  • Lệ phí hải quan

Lưu ý: Trường hợp kinh doanh hàng xách tay được miễn thu thuế, lệ phí bao gồm:

  • Hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh hoặc số tiền thuế phải nộp dưới 100 nghìn đồng.
  • Hàng hóa xuất/nhập khẩu dưới 500 nghìn đồng gửi thông thường hoặc số tiền thuế cần đóng dưới 50 nghìn đồng.
  • Là hàng viện trợ nhân đạo không hoàn lại; quà tặng cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân,…; quà tặng vì mục đích từ thiện, nhân đạo đựng trong hành lý mang theo người; hàng bưu phẩm, bưu kiện được miễn thuế theo quy định.
  • Hàng hóa trao đổi, mua bán của cư dân biên giới giữa 2 nước theo quy định.

Như vậy, đối với việc nhập khẩu hàng hóa thuộc số lượng lớn, giá trị cao thì bạn chắc chắn phải đóng thuế, nếu thuộc trường hợp miễn giảm thuế mà số lượng vượt quá quy định thì bạn cũng vẫn sẽ phải đóng các khoản thuế, lệ phí đối với lượng hàng vượt quá mức quy định.

7.3. Bổ sung giấy công bố sản phẩm nhập khẩu

Để chuyển từ kinh doanh hàng xách tay không hợp pháp sang kinh doanh hợp pháp bạn cần bổ sung thêm thủ tục công bố sản phẩm.

Đây là khâu quan trọng chứng minh sự khác biệt giữa một sản phẩm rõ nguồn gốc, hợp pháp, chất lượng tốt với một sản phẩm kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường.

Theo đó tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP có quy định mọi sản phẩm nhập khẩu trước khi tiến hành lưu thông trên thị trường sẽ cần đăng ký công bố sản phẩm, công bố tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm hoặc đăng ký lưu hành mỹ phẩm nhập khẩu với cơ quan chức năng.

Nếu không thực hiện, chủ kinh doanh sẽ chịu phạt theo quy định của pháp luật khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG