Thủ tục xin cấp giấy phép bưu chính

Giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính (Giấy phép bưu chính) chỉ được cấp cho doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về kinh kinh doanh dịch vụ bưu chính bao gồm: điều kiện về vốn, điều kiện cụ thể khác.

Khi được cấp Giấy phép bưu chính thì doanh nghiệp mới có thể hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính một cách hợp pháp. Thủ tục cấp Giấy phép bưu chính được thực hiện như sau:

Căn cứ pháp lý

  • Luật Bưu chính số 49/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;
  • Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/06/2011 của Chính Phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  • Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC ngày 17 tháng 07 năm 2015 hướng dẫn xử lý bưu gửi không có người nhận ;
  • Thông tư 22/2012/TT-BTTTT quy định về phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng.

Điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính

  • Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính;
  • Có khả năng tài chính theo quy định;
    • Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam;
    • Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.
  • Có nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép;
  • Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính;
  • Có biện pháp đảm bảo an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính.

Hồ sơ cấp giấy phép bưu chính

  • Giấy đề nghị giấy phép bưu chính.
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam do doanh nghiệp tự đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao;
  • Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (nếu có);
  • Phương án kinh doanh;
  • Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
  • Mẫu biểu trưng, nhãn hiệu, ký hiệu đặc thù hoặc các yếu tố thuộc hệ thống nhận diện của doanh nghiệp được thể hiện trên bưu gửi (nếu có);
  • Bảng giá cước dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
  • Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bưu chính công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
  • Quy định về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp phát sinh thiệt hại, quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng, thời hạn giải quyết khiếu nại phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
  • Thỏa thuận với doanh nghiệp khác, đối tác nước ngoài bằng tiếng Việt, đối với trường hợp hợp tác cung ứng một, một số hoặc tất cả các công đoạn của dịch vụ bưu chính đề nghị cấp phép;
  • Tài liệu đã được hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài;

Lưu ý về hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính

  • Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép bưu chinh theo khả năng thực tế thực hiện;
  • Phương án kinh doanh, gồm các nội dung chính sau:
    • Thông tin về doanh nghiệp gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (e-mail) của trụ sở giao dịch, văn phòng đại diện, chi nhánh, trang tin điện tử (website) của doanh nghiệp (nếu có) và các thông tin liên quan khác;
    • Địa bàn dự kiến cung ứng dịch vụ;
    • Hệ thống và phương thức quản lý, điều hành dịch vụ;
    • Quy trình cung ứng dịch vụ gồm quy trình chấp nhận, vận chuyển và phát;
    • Phương thức cung ứng dịch vụ do doanh nghiệp tự tổ chức hoặc hợp tác cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp khác (trường hợp hợp tác với doanh nghiệp khác, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép bưu chính phải trình bày chi tiết về phạm vi hợp tác, công tác phối hợp trong việc bảo đảm an toàn, an ninh, giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ);
    • Các biện pháp bảo đảm an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính;
    • Phân tích tính khả thi và lợi ích kinh tế – xã hội của phương án thông qua các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, chi phí, số lượng lao động, thuế nộp ngân sách nhà nước, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư trong 03 năm tới kể từ năm đề nghị cấp phép.

Thủ tục cấp giấy phép bưu chính

Số lượng hồ sơ

  • Doanh nghiệp nộp 03 bộ hồ sơ cho cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính theo thẩm quyền.
  • 01 bộ hồ sơ để lưu tại doanh nghiệp.

Hình thức nộp hồ sơ

Doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp hồ sơ qua một trong các hình thức sau:

  • Trực tiếp tại cơ quan nhà nước;
  • Qua dịch vụ bưu chính;
  • Cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép (nếu có);

Quy trình thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính gồm các bước sau:

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ

Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ theo phạm vi mong muốn kinh doanh nhằm đảm bảo hồ sơ đáp ứng theo loại giấy phép tương ứng theo quy định như hướng dẫn nêu trên để nộp hồ sơ.

Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

  • Sở Thông tin Truyền thông của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp xin cấp giấy phép để hoạt động: thẩm định cấp phép đối với hồ sơ xin cấp phép cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh:
  • Bộ Thông tin Truyền thông: thẩm định, cấp phép đối với hồ sơ xin cấp phép cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi liên tỉnh, quốc tế: Quy trình giải quyết hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính

Bước 3: Cơ quan nhà nước thẩm định hồ sơ cấp phép

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính gửi giấy biên nhận hồ sơ đến địa chỉ thư điện tử (e-mail) của doanh nghiệp, tổ chức đề nghị cấp giấy phép bưu chính.
  • Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính chưa đáp ứng quy định, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính gửi thông báo lần 1 về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong hồ sơ. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, doanh nghiệp, tổ chức có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.
  • Trường hợp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo quy định hoặc có sửa đổi, bổ sung nhưng chưa đạt yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính gửi thông báo lần 2 trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo lần 1. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, doanh nghiệp có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.
  • Trường hợp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính ra thông báo từ chối cấp giấy phép bưu chính trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo lần 2.

Bước 4: Cấp giấy phép bưu chính cho doanh nghiệp hoặc từ chối cấp phép

  • Kể từ ngày nhận được hồ sơ đáp ứng quy định tại việc cấp giấy phép bưu chính được thực hiện trong thời hạn là: 30 ngày, cả việc thẩm tra và cấp giấy phép bưu chính cho doanh nghiệp.
  • Trường hợp từ chối cấp giấy phép bưu chính thì trong thời hạn quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Quy định về sử dụng giấy phép bưu chính

Doanh nghiệp, tổ chức được cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính có trách nhiệm:

  • Hoạt động bưu chính theo đúng nội dung quy định trong giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
  • Không sửa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
  • Không mua bán, chuyển nhượng giấy phép bưu chính trừ trường hợp gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ doanh nghiệp do mua bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
  • Không cho mượn, cho thuê, cầm cố giấy phép bưu chính.
  • Nộp trả giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính cho cơ quan có thẩm quyền về bưu chính khi có quyết định thu hồi.

Một số câu hỏi liên quan

Có các loại giấy phép bưu chính nào?

  • Giấy phép dịch vụ bưu chính nội tỉnh;
  • Giấy phép dịch vụ bưu chính phạm vi liên tỉnh;
  • Giấy phép dịch vụ bưu chính phạm vi quốc tế bao gồm 03 phạm vi: Giấy phép bưu chính uốc tế chiều đến; Giấy phép bưu chính quốc tế chiều đi: 34.500.000 đồng, Giấy phép bưu chính quốc tế hai chiều.
  • Thông báo hoạt động bưu chính.

Vốn công ty kinh doanh dịch vụ bưu chính cần bao nhiêu?

Để có thể xin giấy phép bưu chính doanh nghiệp cần đăng ký vốn như sau:

  • Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam;
  • Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.

Lệ phí cấp giấy phép bưu chính là bao nhiêu?

Lệ phí cấp phép bưu chính cụ thể như sau

  • Giấy phép dịch vụ bưu chính nội tỉnh: 10.750.000 đồng
  • Giấy phép dịch vụ bưu chính phạm vi liên tỉnh: 21.500.000 đồng
  • Giấy phép dịch vụ bưu chính phạm vi quốc tế:
    • Quốc tế chiều đến 29.500.000 đồng
    • Quốc tế chiều đi: 34.500.000 đồng
    • Quốc tế hai chiều: 39.500.000 đồng.

Giấy phép bưu chính có thời hạn bao lâu?

Giấy phép bưu chính được cấp với thời hạn không quá 10 năm.


Trên đây là hướng dẫn của chúng tôi về Thủ tục xin cấp giấy phép bưu chính

Nếu có bất cứ thắc mắc về thủ tục xin cấp giấy phép bưu chính hoặc cần tham vấn về các vấn đề khác thì hãy liên hệ ngay với công ty Luật Hồng Bàng để được tư vấn kịp thời.

Luật Hồng Bàng – Khởi tạo thành công luôn làm việc tận tâm và chu đáo, là đơn vị uy tín được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để đồng hành.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!