1. Mục đích của việc tra cứu nhãn hiệu
– Đảm bảo nhãn hiệu không bị trùng hoặc gây nhầm lẫn, tránh xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng Sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ của chủ thể khác.
– Đánh giá khả năng bảo hộ của các đối tượng Sở hữu công nghiệp, từ đó tránh mất thời gian và chi phí. Thời gian để đăng ký và chờ đợt xét duyệt hồ sơ bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu thường rất dài (1 năm hoặc hơn). Vì vậy, việc tra cứu kĩ lưỡng trước khi tiến hành thủ tục sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian lẫn chi phí. Nếu khả năng nộp hồ sơ không thành công cao, bạn nên tiến hành nghiên cứu, sáng tạo ra một nhãn hiệu mới. Tránh mất thời gian và chi phí cho việc nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu với khả năng thấp.
– Kiểm tra tính chính xác: Nếu bạn đã đăng ký nhãn hiệu thành công, thì việc tra cứu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu giúp bạn kiểm tra xem thông tin bạn đăng ký đã đúng chính xác với thông tin được ghi trong hệ thống của Cục sở hữu Trí tuệ hay chưa. Nếu thấy có sai sót, thì kịp thời chỉnh sửa lại.
– Phản đối việc cấp văn bằng cho các đối tượng không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, kể cả sau khi đã được cấp bằng.
2. Phương pháp tra cứu nhãn hiệu
2.1. Công cụ tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp
– Các cơ sở dữ liệu tra cứu trên Internet;
– Các Bảng phân loại (Ni-xơ, Vienna, Locarno, IPC)
– Bảng tra theo từ khóa;
– Công báo SHCN;
– Sổ Đăng bạ quốc gia;
2.2. Các cách tra cứu nhãn hiệu
(1) Tra cứu dựa trên cơ sở dữ liệu trực tuyến
Bước 1: Truy cập địa chỉ tra cứu thương hiệu, nhãn hiệu. Dưới đây là các địa chỉ có thể tra cứu:
- http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/wopublish-search/public/patents;jsessionid=14CD1F1BC563233D46C4044C8824C945?0&query=*:*: Đây là Thư viện số về sở hữu công nghiệp trên nền tảng WIPO Publish dược Cục Sở hữu trí tuệ đưa vào hoạt động từ năm 2019. Tại trang web này người dùng có thể tìm kiếm thông tin về các đơn đăng ký nhãn hiệu đã công bố/được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam.
- http://www.wipo.int/madrid/monitor/en/index.jsp: Đây là trang web tra cứu thông tin nhãn hiệu của WIPO, tại trang web này, người dùng tin có thể tra cứu thông tin các nhãn hiệu của các quốc gia thành viên nộp theo hệ thống Madrid, trong đó bao gồm các nhãn hiệu quốc tế có chỉ định Việt Nam.
- https://ipplatform.gov.vn/database/nhan-hieu: Tại trang web này người dùng có thể thực hiện tra cứu thông tin về các đối tượng SHCN đăng ký bảo hộ tại Việt Nam bằng cách sử dụng các Công cụ tra cứu nêu trên và tra cứu thông tin về các đối tượng SHCN đăng ký bảo hộ ở nước ngoài bằng cách sử dụng các công cụ tra cứu trong Cơ sở dữ liệu liên kết phù hợp trong Danh mục các Cơ sở dữ liệu liên kết.
Bước 2: Nhập thông tin và tìm kiếm
Nhập những thông tin cần tra cứu vào ô tìm kiếm, bao gồm:
- Tên nhãn hiệu: Nhập thông tin nhãn hiệu cần tra cứu vào ô nhãn hiệu tìm kiếm: Ví dụ nhập chữ PEPSI (đối với nhãn hiệu chữ).
- Nhóm dịch vụ/ sản phẩm: Nhập thông tin nhóm sản phẩm/ dịch vụ vào ô nhóm sản phẩm/ dịch vụ. Ví dụ: nhóm 14
- Phân loại hình: Nhập thông tin phân loại hình vào ô phân loại hình (nếu là nhãn hình). Ví dụ: Phân loại hình:06.01
- Tên sản phẩm/ dịch vụ: nhập thông tin về tên sản phẩm/ dịch vụ (Ví dụ: nước giải khát).
Sau khi đã nhập đầy đủ các thông tin trên thì click vào nút Tra cứu.
Kết quả sẽ được trả về để khách hàng tham khảo và đánh giá xem nhãn hiệu mình tra cứu có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác hay không.
Tuy nhiên, việc tra cứu nhãn hiệu theo hình thức này chỉ mang tính chất tham khảo. Thời gian đăng ký thương hiệu khá dài nên thông tin trên hệ thống thường không đầy đủ, nên kết quả tra cứu trực tuyến chỉ chính xác được từ 70% do dữ liệu trực tuyến chưa được cập nhật.
(2) Tra cứu nhãn hiệu nâng cao
Tra cứu nhãn hiệu, thương hiệu nâng cao là hình thức tra cứu mất phí, được thực hiện với sự trợ giúp của chuyên viên tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Để tiến hành tra cứu nhãn hiệu nâng cao, khách hàng sẽ ủy quyền cho một tổ chức đại diện quyền sở hữu trí tuệ làm việc với một chuyên viên để tiến hành gửi hồ sơ tra cứu nhãn hiệu cho chuyên viên, chuyên viên sẽ trực tiếp tra cứu trên cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Cách tra cứu nhãn hiệu nâng cao cho kết quả có thể đánh giá được trên 90% khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu.