Công đoàn cơ sở là một tổ chức đại diện cho quyền lợi và lợi ích của người lao động trong một doanh nghiệp. Việc thành lập công đoàn cơ sở có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động và nâng cao tinh thần đoàn kết trong nội bộ công ty. Công ty Luật Hồng Bàng sẽ cung cấp thông tin cho quý khách hàng về Thủ tục thành lập công đoàn cơ sở trong bài viết dưới đây!
Căn cứ pháp lý
– Luật Công đoàn 2012;
– Quyết định số 174/QĐ-TLĐ ngày 3/2/2020 về việc ban hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Khóa XII)
– Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ngày 20/022020 về việc thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam
Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở
Theo quy định tại Điều 13 Quyết định 174, để thành lập công đoàn cơ sở, đơn vị cần có tổ chức công đoàn đáp ứng được 2 điều kiện sau:
– Công đoàn cơ sở phải được thành lập ở đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Công đoàn phải có tối thiểu 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên. Các thành viên phải có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn
Trình tự, thủ tục thành lập công đoàn cơ sở
Bước 1: Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở
– Những nơi chưa có công đoàn cơ sở, người lao động tự nguyện lập ban vận động thành lập công đoàn cơ sở (gọi tắt là ban vận động).
– Ban vận động thực hiện tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn xin gia nhập công đoàn của người lao động.
– Trong quá trình ban vận động tiến hành vận động người lao động gia nhập công đoàn, liên kết thành lập công đoàn cơ sở các thành viên ban vận động cử trưởng ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ.
Khi có đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở theo quy định, thì ban vận động tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở và đăng ký với công đoàn cấp trên xem xét, công nhận công đoàn cơ sở.
Bước 2: Tổ chức đại hội thành lập công đoàn cơ sở
Sau khi đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở, đơn vị tổ chức đại hội thành lập. Việc thành lập đại hội do ban vận động thực hiện. Thành phần tham gia sẽ bao gồm:
– Ban vận động
– Người lao động đang làm việc tại đơn vị, có đơn xin gia nhập công đoàn.
– Đại diện công đoàn cấp trên, đơn vị sử dụng lao động và các thành phần có liên quan.
*Nội dung đại hội thành lập công đoàn cơ sở gồm:
– Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
– Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập công đoàn cơ sở.
– Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.
– Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở.
– Đại diện công đoàn cấp trên phát biểu (nếu có).
– Người sử dụng lao động phát biểu (nếu có).
– Bầu cử ban chấp hành công đoàn cơ sở.
– Bầu cử chủ tịch công đoàn cơ sở.
– Thông qua kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở.
Đại hội sẽ bầu ra công đoàn cơ sở thông qua hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi tổ chức thành công đại hội, ban vận động sẽ chấm dứt nhiệm vụ của mình và bàn giao hồ sơ cho ban chấp hành mới được bầu.
Bước 3: Lập hồ sơ đề nghị công nhận công đoàn cơ sở
– Sau 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội thành lập công đoàn cơ sở, đơn vị phải tổ chức họp ban chấp hành công đoàn mới được thành lập. Cuộc họp sẽ bầu ra ban thường vụ và các chức danh khác trong công đoàn.
– Sau 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội, ban chấp hành mới thành lập hồ sơ phải đề nghị công đoàn cấp trên xem xét việc công nhận. Hồ sơ gồm có:
+ Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và kết quả bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và các chức danh của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn.
+ Danh sách đoàn viên và đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.
+ Danh sách trích ngang lý lịch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở.
+ Biên bản đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
+ Biên bản kiểm phiếu bầu cử tại đại hội thành lập công đoàn cơ sở và biên bản bầu cử tại hội nghị ban chấp hành (nếu có).
Bước 4: Quyết định công nhận thành lập công đoàn cơ sở
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị công nhận thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên có 15 ngày làm việc để:
– Thẩm định quá trình thành lập công đoàn cơ sở của đơn vị, đảm bảo tính khách quan, tự nguyện
– Trường hợp thành lập công đoàn cơ sở đúng theo quy định của pháp luật thì công đoàn cấp trên ban hành quyết định công nhận.
– Trường hợp thành lập công đoàn cơ sở không đủ điều kiện thông nhận, công đoàn cấp trên cần thông báo bằng văn bản cho công đoàn cơ sở. Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để công đoàn cơ sở thực hiện, tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện thành lập công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về Thủ tục thành lập công đoàn cơ sở. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:
Liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75;
Gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6575;
Gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!