Thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả

1. THỜI HẠN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

Theo Điều 27, Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 8 Điều 1 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 (sau đây gọi tắt là Luật sở hữu trí tuệ năm 2005) quy định về thời hạn bảo hộ như sau:

Quyền nhân thân bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền này không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả. Các quyền này được bảo hộ vô thời hạn.

Quyền nhân thân: Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và các quyền tài sản của tác giả (bao gồm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; quyền sao chép tác phẩm; quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, hoặc vô tuyến; quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính) có thời hạn bảo hộ như sau:

+ Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định dưới đây;

+ Tác phẩm không thuộc loại hình quy định ở trên có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

+ Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Thời hạn bảo hộ quyền nhân thân (quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm) và các quyền tài sản của tác giả theo Luật sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm di cảo là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

2. THỜI HẠN BẢO HỘ QUYỀN LIÊN QUAN

Theo Điều 34, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về thời hạn bảo hộ như sau:

Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình;

Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố;

Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện;

Thời hạn bảo hộ quyền liên quan chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.

Tóm lại, hiểu rõ về thời hạn bảo hộ tác phầm, bảo hộ quyền liên quan giúp các tổ chức, cá nhân khai thác một cách triệt để quyền và lợi ích từ việc khai thác sản phẩm. Khi hết hạn thời hạn bảo hộ quyền tác giả thì tác phẩm sẽ thuộc về công chúng, khi đó mọi tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng tác phẩm nhưng phải tôn trong các quyền nhân thân của tác giả.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG