Thỏa thuận cổ đông – Thực tiễn áp dụng

Thỏa thuận cổ đông (hay thỏa thuận thành viên) không phải là tài liệu bắt buộc mà mỗi công ty phải có. Pháp luật không yêu cầu cũng như không quy định nội dung của thỏa thuận cổ đông. Trên thực tế, nhiều công ty Việt Nam hoạt động mà không có thỏa thuận cổ đông và thỏa thuận này vẫn chưa có vai trò quan trọng trong các giao dịch mua bán, sáp nhập giữa các nhà đầu tư trong nước. Tại các công ty đã có thỏa thuận cổ đông, thông thường cá nhân hoặc tổ chức chỉ có thể trở thành cổ đông của công ty nếu họ đồng ý với các điều kiện được quy định tại tài liệu này. Các thỏa thuận cổ đông sẽ quy định các chuẩn mực hành vi của các cổ đông và các chuẩn mực này được ghi nhận phù hợp với lợi ích khác nhau của từng loại cổ đông trong công ty. Nói đơn giản, thỏa thuận cổ đông tạo ra một hành lang để các cổ đông làm việc cùng nhau vì lợi ích của cổ đông và hướng đến lợi ích chung của công ty.

Thỏa thuận cổ đông là gì?

Một thỏa thuận cổ đông có thể được ký bởi các cổ đông của công ty cổ phần hoặc các chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn (khi đó được gọi là thỏa thuận thành viên). Để dễ hiểu nhất, thỏa thuận cổ đông là một hợp đồng thương mại được ký giữa các cổ đông nhằm quy định các quy tắc điều chỉnh giữa các cổ đông với nhau và với công ty mà những người này là cổ đông. Như bất kỳ hợp đồng thương mại nào khác, một thỏa thuận cổ đông sẽ quy định các điều kiện mà các bên liên quan phải tuân thủ cũng như hậu quả pháp lý nếu có bất kỳ hành vi vi phạm hợp đồng nào.

Khi công ty đã có điều lệ rồi thì liệu một thỏa thuận cổ đông có cần thiết hay không? Thông thường, nội dung của điều lệ thường cứng nhắc và không thuận tiện để các cổ đông đưa vào đó các thỏa thuận riêng của mình. Điều lệ thường được xem là “luật” của công ty, được soạn thảo căn cứ vào Luật Doanh nghiệp và được ký ban hành bởi các cổ đông sáng lập khi họ đăng ký thành lập công ty. Công ty sẽ hoạt động trong phạm vi các quy định của điều lệ. Các điều khoản của điều lệ vốn đã có phạm vi điều chỉnh cụ thể và thường không linh hoạt.

Trong khi các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các cổ đông được quy định bởi Luật Doanh nghiệp và được ghi nhận lại tại điều lệ công ty, hầu hết các thỏa thuận có tính chất thương mại giữa các cổ đông không được điều chỉnh bởi điều lệ cũng như không phù hợp để được ghi nhận tại điều lệ (như quyền đề cử nhân sự chủ chốt, các vấn đề bảo lưu, cam kết hạn chế, cách thức giải quyết bế tắc, v.v.). Hơn nữa, nếu các điều khoản thương mại được ghi nhận tại điều lệ, các cơ quan cấp phép có thể không đồng ý với các nội dung này trên cơ sở pháp luật không quy định. Tuy nhiên, với thỏa thuận cổ đông, các cổ đông có thể tự do thỏa thuận và ghi nhận các nội dung mà họ mong muốn nhằm điều chỉnh các vấn đề thương mại cụ thể không được quy định bởi điều lệ công ty. Các quyền và nghĩa vụ đặc biệt của các cổ đông cũng có thể được ghi nhận tại thỏa thuận cổ đông. Ví dụ, thỏa thuận cổ đông có thể trao cho một cổ đông một số quyền đặc biệt (như quyền mua kèm, quyền bán kèm, quyền ưu tiên mua, quyền ưu tiên chuyển nhượng, v.v.) ngoài những quyền khác đã được pháp luật quy định và ghi nhận tại điều lệ.

Về nguyên tắc, một thỏa thuận cổ đông được ký bởi các cổ đông nhằm bảo vệ công ty và các cổ đông của công ty. Thỏa thuận cổ đông mang tính chất đặc thù và không cần phải đăng ký với cơ quan cấp phép. Nói đơn giản hơn, đây là một hợp đồng thương mại và chịu sự điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về hợp đồng.

Công ty cần phải có thỏa thuận cổ đông không?

Công ty không buộc phải có thỏa thuận cổ đông. Tuy nhiên, các cổ đông sáng lập hoặc chủ sở hữu của công ty có thể ký thỏa thuận này trước khi công ty được thành lập để tạo cơ sở nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa các cổ đông và giữa họ với công ty. Một thỏa thuận như vậy khi được ký sẽ giúp các cổ đông biết được các quyền và và nghĩa vụ của mình liên quan đến việc thành lập công ty cũng như các hoạt động của công ty sau này. Như vậy, thỏa thuận cổ đông sẽ đảm bảo được tính minh bạch trong mối quan hệ giữa các cổ đông.

Như bất kỳ hợp đồng này, các bên có thể đàm phán các nội dung của thỏa thuận cổ đông, và sau khi được ký kết, thỏa thuận cổ đông có tính ràng buộc đối với các bên ký kết cũng như những người sẽ trở thành cổ đông của công ty sau này (khi những người này ký một thỏa thuận ràng buộc). Trên thực tế, nội dung của các thỏa thuận cổ đông có thể khác nhau, tùy thuộc loại hình công ty, loại cổ phần, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông và nhiều yếu tố khác. Trong các giao dịch mua bán và sáp nhập có tính chất quốc tế, các bên mua nước ngoài thường yêu cầu ký kết một thỏa thuận cổ đông với các bên liên quan (như với bên mua, bên bán, các cổ đông hiện hữu, công ty mục tiêu, v.v.) như là một phần của các tài liệu giao dịch.

Nội dung cơ bản của thỏa thuận cổ đông là gì?

Một số nội dung cơ bản thường được ghi nhận tại thỏa thuận cổ đông, có thể kể đến như các thỏa thuận về thành lập công ty, vốn điều lệ, góp vốn và tỷ lệ sở hữu của từng cổ đông, cơ cấu tổ chức và quản lý, v.v. Các điều khoản đặc biệt được các cổ đông thỏa thuận cũng có thể được điều chỉnh bởi thỏa thuận cổ đông như các vấn đề liên quan đến phát hành cổ phần mới, các hạn chế về chuyển nhượng cổ phần, các quyền đặc biệt của cổ đông, phân chia cổ tức, bế tắc và cách thức giải quyết tranh chấp, v.v. Thỏa thuận cổ đông cũng có thể được điều chỉnh bởi pháp luật nước ngoài nếu một trong các cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài.

Thỏa thuận cổ đông có thể quy định chi tiết về các thức phân chia cổ tức, thời điểm cũng như các điều kiện để công ty tiến hành chia cổ tức cho các cổ đông. Trong quá trình hoạt động của công ty, các vấn đề “xung đột” giữa các cổ đông có thể phát sinh. Do đó, phương thức giải quyết “xung đột” cần được quy định chi tiết tại thỏa thuận cổ đông.

Thỏa thuận cổ đông cũng có thể có các quy định nhằm bảo vệ cổ đông thiểu số bằng cách xác định một số “vấn đề bảo lưu” cần phải được sự đồng thuận bởi tất cả cổ đông hoặc phải được sự chấp thuận bởi một tỷ lệ đa số cụ thể của cổ phần có quyền biểu quyết. Hiển nhiên, việc quy định một tỷ lệ đặc biệt để thông qua một nghị quyết cũng cần hướng đến đảm bảo sự cân bằng trong việc điều hành công ty để đảm bảo tỷ lệ này không làm ảnh hưởng đến quá trình thông qua các quyết định kinh doanh thông thường cũng như không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Sự thỏa hiệp giữa các cổ đông luôn cần thiết trong quá trình đàm phán các nội dung nói trên.

Các cổ đông mới có bị ràng buộc bởi thỏa thuận cổ đông?

Về nguyên tắc, thỏa thuận cổ đông điều chỉnh mối quan hệ giữa các cổ đông, bao gồm những người kế thừa và/hoặc nhận chuyển nhượng của cổ đông trong công ty. Thỏa thuận cổ đông có thể mang lại lợi ích và ràng buộc đối với bất kỳ người nhận chuyển nhượng nào của cổ đông. Để đảm bảo tính ràng buộc này, một bên của thỏa thuận cổ đông phải cam kết sẽ yêu cầu bất kỳ người nhận chuyển nhượng hoặc người kế thừa của mình đồng ý bằng văn bản để chịu sự ràng buộc bởi thỏa thuận cổ đông trước khi trở thành cổ đông của công ty. Theo đó, việc ký kết thỏa thuận ràng buộc có thể là một điều kiện để được đăng ký là cổ đông mới.

Ngoài ra, các biện pháp nhằm bảo vệ công ty và các cổ đông cũng có thể được ghi nhận tại thỏa thuận cổ đông. Một cổ đông có thể bị ràng buộc bởi các điều khoản của thỏa thuận cổ đông thậm chí sau khi người này không còn là cổ đông của công ty. Ví dụ, trong trường hợp thỏa thuận cổ đông có các điều khoản hạn chế việc một người sử dụng các bí mật kinh doanh của công ty cho việc kinh doanh riêng khi người này đang là cổ đông và sau khi đã rời khỏi công ty. Các cam kết hạn chế có thể giúp ngăn ngừa cổ đông tiến hành các hoạt động cạnh tranh với công ty qua việc sử dụng các thông tin đặc biệt mà người này đã tiếp cận khi còn là cổ đông.

Điều lệ và thỏa thuận cổ đông

Quay lại với điều lệ công ty, thỏa thuận cổ đông có thể cùng tồn tại song song với điều lệ. Trong trường hợp có xung đột, thỏa thuận cổ đông sẽ không đương nhiên được ưu tiên hơn so với điều lệ. Tuy nhiên, các cổ đông vẫn có thể đồng ý rằng thỏa thuận cổ đông sẽ được ưu tiên áp dụng. Cách thức thường được áp dụng là ghi nhận tại thỏa thuận này rằng trong trường hợp có mâu thuẫn hoặc xung đột, thỏa thuận cổ đông sẽ được ưu tiên và khi đó các bên sẽ tiến hành sửa đổi điều lệ nhằm đảm bảo các quy định tại điều lệ phù hợp với thỏa thuận cổ đông. Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng khi đã có tranh chấp phát sinh sẽ rất khó khăn để các bên cùng đồng ý với các nội dung điều chỉnh cần thiết đối với điều lệ. Do đó, việc đảm bảo tính đồng bộ giữa các điều khoản của điều lệ và của thỏa thuận cổ đông là rất cần thiết trong giai đoạn soạn thảo các tài liệu này.

Trong quá trình hoạt động của công ty, các cổ đông có thể sửa đổi thỏa thuận cổ đông nhằm đảm bảo các nội dung của tài liệu này phù hợp với mục tiêu của cổ đông và công ty vào từng thời điểm.

Tóm lại, thỏa thuận cổ đông cần thiết và có vai trò rất quan trọng trên thực tiễn. Việc ký kết thỏa thuận này giúp các cổ đông biết rõ các quyền và nghĩa vụ ràng buộc giữa các bên ngay từ ban đầu. Thậm chí, trong quá trình đàm phán các điều khoản của thỏa thuận cổ đông cũng sẽ giúp cho mỗi bên nhận biết và hiểu hơn bên còn lại trong các vấn đề liên quan. Thỏa thuận cổ đông có giá trị rất quan trọng trong hoạt động của bất kỳ công ty cho dù với quy mô nào.

 

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Trọng qua hotline: 0912.35.65.750912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật  1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua emaillienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!