Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân trong tố tụng dân sự

Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015
  • Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành.

Nội dung

Về nguyên tắc, tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo thủ tục sơ thẩm đối với hầu hết các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án, trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp tỉnh. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp đòi hỏi những điều kiện đặc biệt về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ toà án cũng như những điều kiện về phương tiện kỹ thuật, về uỷ thác tư pháp với nước ngoài hoặc những vụ việc mà việc giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện không đảm bảo được sự vô tư, khách quán sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp tỉnh. Hiện nay, các quy định tại Điều 35 và Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về phân định thẩm quyền của toà án nhân dân các cấp cũng tuân theo nguyên tắc này. 

Tập tin:Tòa án Nhân dân Thành phố Đà Nẵng.jpeg – Wikipedia tiếng Việt

Thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện

Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện bao gồm:

“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;

c) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;

d) Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.

Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam”.

Như vậy, toà án nhân dân cấp huyện được có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp và yêu cầu sau đây:

  • Thứ nhất, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp:

(i) dân sự, hôn nhân và gia đình (trừ Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính – theo Điều 26.7 Bộ luật tố tụng dân sự)

(ii) kinh doanh, thương mại

(iii) lao động

  • Thứ hai, giải quyết những yêu cầu 

(i)  Yêu cầu về dân sự (trừ yêu cầu về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam)

(ii) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình (trừ Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam)

(iii) Yêu cầu về kinh doanh, thương mại theo khoản 1 và khoản 6 Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự, bao gồm:

  • Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, và 
  • Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

(iv) Yêu cầu về lao động theo khoản 1 và khoản 5 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự, bao gồm:

  • Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
  • Các yêu cầu khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
  • Thứ ba, đối với những tranh chấp, yêu cầu trên mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác  tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho toà án nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án nhân dân cấp huyện. 
  • Thứ tư, đối với trường hợp hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam vẫn thuộc thẩm quyền của toán án nhân dân cấp huyện. 

Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh bao gồm:

“1. Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

a) Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật này;

b) Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.

Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

a) Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật này;

b) Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định hôn nhân và gia đình chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.

Tòa kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

a) Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật này;

b) Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh doanh, thương mại chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.

Tòa lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

a) Giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp, yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 37 của Bộ luật này;

b) Giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này”.

Như vậy, toà án nhân dân cấp tỉnh được có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp và yêu cầu sau đây:

  • Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.
  • Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
  • Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
  • Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
  • Những tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
  • Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của toà án nước ngoài; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài; yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại, phán quyết lao động của trọng tài nước ngoài.
  • Ngoải ra, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53  hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email:  lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!