Thẩm quyền bổ nhiệm, tiêu chuẩn và điều kiện của Chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước

Mô hình tổ chức doanh nghiệp nhà nước theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tiên có chủ tịch công ty. Vậy Chủ tịch công ty là ai? Được bổ nhiệm như thế nào? Nhiệm kỳ kéo dài bao lâu? Cần đáp ứng những tiêu chuẩn và điều kiện ra sao? Luật Hồng Bàng xin được giải đáp thông qua bài viết này.

Khoản 1 Điều 99 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các vấn đề liên quan đến Chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước như sau:

1. THẨM QUYỀN BỔ NHIỆM, NHIỆM KỲ CỦA CHỦ TỊCH CÔNG TY

Cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền bổ nhiệm Chủ tịch công ty.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu là cơ quan, tổ chức được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. (Khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014). Theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ (sau đây gọi là Bộ quản lý ngành)-ví dụ Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật. (Điều 4 Nghị định 10/2019/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 30 tháng 01 năm 2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước).

Nhiệm kỳ của Chủ tịch công ty kéo dài không quá 05 năm. Chủ tịch công ty có thể được bổ nhiệm lại, tuy nhiên không quá hai nhiệm kỳ trừ trường hợp người được bổ nhiệm đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lại lần đầu.

2. TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA CHỦ TỊCH CÔNG TY

Pháp luật quy định tiêu chuẩn và điều kiện của Chủ tịch công ty tương tự với thành viên Hội đồng thành viên tại Điều 93 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, để trở thành Chủ tịch công ty trong doanh nghiệp nhà nước phải đáp ứng các điều kiện cơ bản sau:

Thứ nhất, không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, Chủ tịch công ty không được là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước; không được đồng thời là Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều kệ khác;…

Thứ hai, đáp ứng yêu cầu về năng lực: phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực, ngành, nghề hoạt động kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định cụ thể định lượng tiêu chuẩn này nên tùy theo từng doanh nghiệp nhà nước mà Điều lệ công ty có thể đặt ra các tiêu chuẩn về chuyên môn, kinh nghiệm thực tế phù hợp với từng doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ: Chủ tịch công ty phải có trình độ đại học trở lên, có năng lực quản lý và kinh doanh, có kinh nghiệm ít nhất ba năm quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành dệt may.

Thứ ba, vấn đề gia đình: không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên; Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty. Pháp luật quy định như vậy để hạn chế việc lạm dụng vị trí để thực hiện những hợp đồng, giao dịch đem lại lợi ích cá nhân và ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ tư, không được là người quản lý doanh nghiệp thành viên.

Theo Khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020:

“24. Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.”

Như vậy, Chủ tịch công ty không được là thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty của doanh nghiệp thành viên.

Thứ năm, chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ sáu, bên cạnh những tiêu chuẩn và điều kiện cơ bản trên, Chủ tịch công ty có thể phải đáp ứng những điều kiện khác của theo quy định của Điều lệ công ty.

Ví dụ: Điều lệ công ty có thể quy định các tiêu chuẩn và điều kiện như sau:

– Chủ tịch công ty phải là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam

–  Chủ tịch công ty chưa từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước khác mà bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hoặc làm công ty bị thua lỗ hai năm liên tiếp.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG