Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Khi vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính là văn bản thể hiện lỗi vi phạm và thông tin xử phạt. Vậy quyết định xử phạt vi phạm hành chính là gì? Thủ tục thi hành quyết định này được quy định như thế nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng.


1. Vi phạm hành chính là gì?

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Để biết một hành vi xảy ra trong thực tế có phải là vi phạm hành chính hay không, cần phải xác định dựa trên các yếu tố:

  • Có quy định xử phạt hành vi vi phạm bằng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.
  • Một vi phạm hành chính bắt buộc phải có lỗi. Lỗi ở đây là trạng thái tâm lý đối với hành vi vi phạm. Trong đó, có 02 hình thức lỗi là lỗi cố ý và lỗi vô ý.
  • Về chủ thể vi phạm hành chính: Có thể là tổ chức hoặc cá nhân có năng lực chịu trách nhiệm hành chính theo quy định của pháp luật.
  • Về khách thể: xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước.

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”.

Theo đó, quyết định xử phạt vi phạm hành chính là Quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền để áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong tiếng Anh là Decision to sanction administrative violations.

Ví dụ: Quyết định xử phạt hành chính được ban hành trong những trường hợp sau:

  • Đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe oto có những hành vi như: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của đèn báo, vạch kẻ đường; không chuyển hướng, nhường đường trong một số trường hợp được quy định cụ thể; không chấp hành các quy định về tín hiệu báo cho người điều  khiển phương tiện khác biết; vi phạm các quy định về dừng xe, đỗ xe; vi phạm các quy định về biển báo của xe; vi phạm các quy định về còi xe trong khu dân cư và khu đô thị.
  • Vi phạm các quy định về chuyển làn xe hoặc các quy định về tín hiệu xe khi chuyển làn cho các phương tiện đang di chuyển khác biết; các quy định về tốc độ; số lượng người chở quá quy định.

3. Thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ điều 38 đến Điều 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì:

  • Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.
  • Người có thẩm quyền xử phạt hành chính chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mà mình quản lý được quy định tại Điều 39 đến Điều 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 bao gồm: Thẩm quyền của Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm lâm; Cơ quan thuế; Quản lý thị trường; Thanh tra; Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa; Tòa án nhân dân; Cơ quan thi hành án dân sự; Cục quản lý lao động ngoài nước; Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự, Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
  • Giao quyền xử phạt theo quy định tại Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38; các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 39; các khoản 2, 3 và 4 Điều 40; các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 41; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 42; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 43; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 44; các khoản 2, 3 và 4 Điều 45; các khoản 2, 3 và 4 Điều 46; Điều 47; khoản 3 và khoản 4 Điều 48; các khoản 2, 4 và 5 Điều 49; Điều 50 và Điều 51 của Luật xử lý vi phạm hành chính có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó khi có văn bản ủy quyền của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mà pháp luật hành chính quy định giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền thì cấp phó dưới sự hướng dẫn, quản lý của cấp trên được quyền ra quyết định xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật.

Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền trong trường hợp vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm hành chính được quy định như sau:

  • Trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều người thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính là người thụ lý đầu tiên.
  • Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó.
  • Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.
  • Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

4. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính như sau:

  • Thông thường, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
  • Tuy nhiên, vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính

5. Thủ tục thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

5.1. Đối với xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản

Người có hành vi vi phạm hành chính phải thi hành quyết định xử hành chính theo quy định tại Điều 69 Luật xử lý vi phạm hành chính như sau:

Bước 1: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ:

  • Ngày, tháng, năm ra quyết định;
  • Họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm;
  • Hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm;
  • Chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm;
  • Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt;
  • Điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng.
  • Mức tiền phạt (đối với trường hợp phạt tiền).

Bước 2: Giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt 01 bản.

Trường hợp người chưa thành niên bị xử phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Bước 3: Thi hành quyết định xử phạt

Người có hành vi vi phạm phải thi hành quyết định xử phạt đã được người có thẩm quyền lập.

Đối với trường hợp phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ thì nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

5.2. Đối với xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản

Sau khi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, được chủ thể có thẩm quyền lập biên bản thì việc ra quyết định và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính như sau:

Bước 1: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 67 Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó:

  • Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.
  • Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức.
  • Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.

Bước 2: Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

Bước 3: Công bố công khai việc xử phạt đối chủ thể vi phạm hành chính

Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Bao gồm các vi phạm hành chính về: An toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.

Bước 4: Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì được tạm hoãn thi hành.


6. Cơ sở pháp lý

  • Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020;
  • Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
  • Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về vấn đề quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật hiện hành. Qua bài viết này, chúng tôi mong rằng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Trên đây là hướng dẫn của chúng tôi về vấn đề quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 

Nếu có bất cứ thắc mắc về vấn đề quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc cần tham vấn về các vấn đề khác thì hãy liên hệ ngay với công ty Luật Hồng Bàng để được tư vấn kịp thời.

Luật Hồng Bàng – Khởi tạo thành công luôn làm việc tận tâm và chu đáo, là đơn vị uy tín được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để đồng hành.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!