Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành công cụ để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt là các quyền sở hữu hữu công nghiệp. Vậy quyền sở hữu công nghiệp là gì và có các đặc điểm nào?.
1. KHÁI NIỆM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Khoa học kỹ thuật công nghệ không chỉ là sáng tạo đơn thuần của con người mà đã trở thành bộ phận cấu thành của lực lượng sản xuất có tính chất quyết định đến năng suất lao động. Tuy nhiên sản phẩm “khoa học kỹ thuật” mà con người tạo ra lại có những nét đặc thù không giống như các vật phẩm khác. Đó là những vật phẩm vô hình mà bản thân người tạo ra nó không thể chiếm hữu cho riêng mình, chúng rất dễ bị tước đoạt, chiếm dụng. Việc bảo vệ các thành quả của hoạt động sáng tạo được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong thời đại ngày nay, các hoạt động sở hữu công nghiệp đa dạng, phong phú không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi một Quốc gia mà mang tính toàn cầu được Nhà nước quy định về sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng nhằm bảo vệ quyền của người đang hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt có ý nghĩa xã hội và kinh tế quan trọng.
Theo Khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 quy định:
“4. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”
Quyền sở hữu công nghiệp được hiểu theo hai nghĩa sau:
+ Hiểu theo nghĩa khách quan: quyền sở hữu công nghiệp là pháp luật về sở hữu công nghiệp hay nói cách khác là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh sau khi con người sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ và được pháp luật coi là các đối tượng sở hữu công nghiệp. Với nghĩa này quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu đối với tài sản vô hình mặt khác quyền sở hữu công nghiệp còn bao gồm các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với ý nghĩa này, quyền sở hữu công nghiệp là quyền, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến việc sử dụng, chuyển dịch các đối tượng sở hữu công nghiệp. Các quyền chủ quan này phải phù hợp với pháp luật nói chung và pháp luật về sở hữu công nghiệp nói riêng; bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản của chủ sở hữu trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; quyền ngăn chặn các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh đối với các quyền của người sáng tạo hoặc người sử dụng hợp pháp các đối tượng đó.
+ Quyền sở hữu công nghiệp còn được hiệu dưới góc độ là quan hệ pháp luật với đầy đủ các yếu tố hội tụ như chủ thể, khách thể, nội dung. Quyền sở hữu công nghiệp chỉ được hình thành trên cơ sở sự tác động của các quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp đối với các kết quả của hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ. Như vậy, chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp là tất cả các cá nhân, tổ chức như tác giả hay chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc tổ chức cá nhân được chủ sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp. Khách thể của quyền sở hữu công nghiệp là các kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ được áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh. Nội dung của quyền sở hữu công nghiệp là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của các chủ đề quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật ghi nhận và bảo hộ
2. ĐẶC ĐIỂM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
a. Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp luôn gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh
Một trong những tiêu chí để phân chia kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ thành quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp chính là căn cứ vào tính hữu ích hay khả năng ứng dụng của chúng. Nếu các đối tượng của quyền tác giả chủ yếu được áp dụng trong hoạt động giải trí tinh thần thì các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp lại được áp dụng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại
Chính vì lẽ đó mà một trong những điều kiện để được bảo hộ của sáng chế kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí là chúng phải có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cho đời sống con người. Còn đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh phải chữa được các chỉ dẫn thương mại chúng được xem như chiếc cầu nối giữa nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ đối với người tiêu dung. Chủ thể nào nắm giữ được các đối tượng này sẽ có những lợi thế cạnh tranh hơn hẳn những chủ đề khác trong điều kiện của nền kinh tế thị trường với mức độ cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì việc quan tâm đầu tư và trở thành chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp là công việc thực sự cần thiết
b. Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Quyền sở hữu công nghiệp chỉ được Pháp luật bảo hộ khi chúng đã được cơ quan Nhà nước chính thức cấp văn bằng bảo hộ. Đăng ký văn bằng bảo hộ là cách thức để công khai hóa tình trạng của loại tài sản vô hình này đối với các chủ thể khác, là cách thức để thông báo tài sản này đã thuộc về chủ thể xác định, qua đó tránh tình trạng tài sản bị người khác chiếm đoạt mà không có căn cứ chứng minh để bảo vệ quyền của mình.
c. Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ theo thời hạn của Văn Bằng bảo hộ
Các loại tài sản hữu hình như vật, tiền, các giấy tờ có giá… các đối tượng sở hữu công nghiệp thường được bảo hộ trong khoảng thời gian xác định. Các đối tượng được bảo hộ theo thời hạn là các đối tượng xác định được tác giả sáng tạo ra đối tượng đó; những đối tượng sở hữu công nghiệp không xác định tác giả sáng tác được bảo hộ không thời hạn hoặc có thời hạn với những điều kiện nhất định. Có thể phân loại các đối tượng sở hữu công nghiệp thành các đối tượng có xác lập quyền tác giả hay không xác lập quyền tác giả.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG