Đương sự là một khái niệm pháp lý đặc thù của lĩnh vực tố tụng tài Tòa án, thể hiện mối quan hệ đặc biệt quan trọng đối với vụ án, bao gồm cả vụ án dân sự, hành chính, hình sự, lao động, kinh tế… Trong vụ án dân sự cũng vậy, đương sự được coi là chủ thể quan trọng, nếu thiếu chủ thể này thì vụ án dân sự không thể phát sinh.
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
1.1 Khái niệm đương sự trong vụ án dân sự
Theo từ điển Tiếng Việt, “đương sự” được hiểu “là người, là đối tượng trong một sự việc nào đó được đưa ra giải quyết”. Theo BLTTDS 2015, đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan tổ chức bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan . Như vậy có thể hiểu đương sự trong VADS là những người tham gia vào giải quyết VADS nhằm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, lợi íc công cộng và lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
1.2. Đặc điểm đương sự trong vụ án dân sự
Đương sự trong VADS là người tham gia TTDS, vậy nên đương sự có đầy đủ các đặc điểm của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, so với người tham gia TTDS, đương sự trong VADS còn có những đặc điểm riêng sau:
- Thứ nhất, đương sự trong VADS là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung có quyền lợi ích bị xâm phạm hoặc cần được xác định trong VADS. Sự liên quan về quyền, lợi ích của đương sự đối với quá trình giải quyết VADS có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Đương sự có thể mong muốn tham gia hoặc buộc phải tham gia vào hoạt động tố tụng do việc “khởi động” vụ án của nguyên đơn hoặc người yêu cầu và được tòa án thụ lý giải quyết.
- Thứ hai, đương sự là chủ thể có quyền tự định đoạt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Đây là cơ sở để phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quá trình giải quyết VADS. Khác với các chủ thể khác, chỉ có đương sự mới có quyền tự định đoạt trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tố tụng.
1.3. Cơ sở xác định tư cách tham gia của tố tụng của đương sự
Xác định tư cách đương sự trong VADS sẽ giúp cho các đương sự có thể chủ động thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, giúp cho Tòa án có thể giải quyết vụ án nhanh chóng, khách quan, toàn diện.
1.3.1. Xác định tư cách của đương sự dựa vào quyền khởi kiện
Quyển khởi kiện là một trong những quyền tố tụng cơ bản không thể tách rời của con người, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền khởi kiện là cơ sở làm phát sinh VADS do các cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước thuộc lĩnh vực cơ quan, tổ chức mình phụ trách. Dựa vào quyền khởi kiện, tư cách của đương sự được xác định bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
1.3.2. Xác định tư cách của đương sự dựa vào sự liên quan về quyền, nghĩa vụ giữa các đương sự
Xác định tư cách của đương sự dựa vào sự liên quan về quyền, nghĩa vụ giữa các đương sự là việc căn cứ vào mối quan hệ tranh chấp giữa các bên liên quan trong VADS để chỉ ra địa vị tố tụng của họ trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Căn cứ vào sự liên quan về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự việc xác định tư cách đương sự được thực hiện như sau:
– Nguyên đơn là người cho rằng có quyền và lợi ích bị xâm phạm.
– Bị đơn là người tham gia tố tụng theo yêu cầu của nguyên đơn vị bị cho rằng có nghĩa vụ đối với nguyên đơn do xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
– Người có quyền, nghĩa vụ liên quan là người, trong quá trình xem xét mối quan hệ tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn, Tòa án xét thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền và lợi ích của người thứ ba thì họ được đưa vào tham gia vào quá trình giải quyết vụ án với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng không độc lập.
1.3.3. Xác định tư cách của đương sự dựa vào thời điểm Tòa án thu lý giải quyết tranh chấp
Ngoài hai căn cứ nêu trên, thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp VADS cũng là cơ sở để xác định tư cách của đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp là một mốc thời gian mà kể từ điểm mốc đó Tòa án bắt đầu tiến hành giải quyết tranh chấp thông qua việc thụ lý đơn khởi kiện. Xác định tư cách đương sự dựa vào thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết là khái niệm được sử dụng trong quan hệ TTDS vì chỉ khi vụ án được xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng mới xét đến việc xác định tư cách đương sự dựa vào thời điểm giải quyết tranh chấp.
II. QUY ĐỊNH VỀ XÁC ĐỊNH TƯ CÁCH CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ THEO PHÁP LUẬT VỀ TỐ TỤNG VIỆT NAM
2.1. Xác định tư cách nguyên đơn
Theo quy định TTDS, nguyên đơn trong VADS là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết VADS khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện VADS để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
Để xác định tư cách nguyên đơn trong VADS cần dựa trên điều kiện sau:
- Thứ nhất, được giả thiết hoặc cho rằng có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Điều này cho thấy việc nguyên đơn tham gia tố tụng mang tính chủ động, khi nhận thấy quyền lợi của bản thân bị xâm hại, chủ thể tự mình yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi bản án, quyết định của tòa án chưa có hiệu lực pháp luật khẳng định vấn đề đó, thì quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn mới chỉ dừng lại là giả thiết bị xâm phạm. Về nguyên tắc, quyền lợi chỉ có thể có được hoặc bị xâm phạm khi khi các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật nội dung (quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình…) mà nguyên đơn là một bên chủ thể.
- Thứ hai, tự mình khởi kiện hoặc được người khác khởi kiện thay. Trường hợp tự mình khởi kiện thì người khởi kiện là nguyên đơn còn trường hợp đươc người khác khởi kiện thay thì người được khởi kiện mới là nguyên đơn.
- Thứ ba, cá nhân, cơ quan, tổ chức có tư cách nguyên đơn khi họ thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước do mình phụ trách hoặc được người khác khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho họ.
2.2. Quy định về xác định tư cách bị đơn
Theo quy định tố tụng hiện hành, bị đơn trong VADS là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết VADS khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm .
Một cá nhân, cơ quan, tổ chức được xác định là bị đơn trong VADS khi:
- Thứ nhất, là người bị nguyên đơn hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của BLTTDS khởi kiện.
- Thứ hai, bị đơn là người được giả thiết là có tranh chấp hay xâm phạm đến quyền lợi của nguyên đơn. Việc xác định tư cách bị đơn trong các VADS được dựa trên các quan hệ cụ thể trong từng vụ án. Chẳng hạn, việc xác định tư cách bị đơn trong trường hợp chuyển nghĩa vụ, nghĩa vụ liên đới. Điều 370 BLDS 2015 quy định trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ thì: “Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu bên có quyền đồng ý”. Theo đó trường hợp vì lý do nào đó bên có nghĩa vụ chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ mà được người có quyền đồng ý thì người thế nghĩa vụ sẽ trở thành bên có nghĩa vụ và bên có quyền chỉ có thể khởi kiện bên thế nghĩa vụ. Lúc này người thế nghĩa vụ sẽ tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn dân sự.
Trường hợp nguyên đơn khởi kiện nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức trong cùng một vụ án về một hoặc nhiều quan hệ pháp luật liên quan đến nhau thì cá nhân, cơ quan, tổ chức đó được xác định là nhiều bị đơn trong VADS .
2.3. Quy định về xác định tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan
Căn cứ BLTTDS 2015, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến VADS là người tham gia tố tụng vào VADS đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn. Họ tham gia vào VADS để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Họ có thể tham gia tố tụng độc lập hoặc không độc lập, yêu cầu của họ có thể chống lại nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc có thể chống lại cả hai bên. Những chủ thể này không đi kiện hoặc bị khởi kiện như nguyên đơn hay bị đơn, nhưng vẫn có thể nhận biết được khi thấy họ có quyền lợi hoặc nghĩa vụ phát sinh từ tranh chấp .
Như vậy để xác định chủ thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vào VADS thì chủ thể đó phải thỏa mãn hai điều kiện sau:
Thứ nhất, chủ thể này có thể không đi kiện, không bị kiện nhưng phải có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến VADS mà Tòa án đang giải quyết.
Thứ hai, họ tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, hoặc Tòa án xét thấy cần phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi không có ai đề nghị.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm có hai loại là: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng không độc lập.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập với nguyên đơn và bị đơn. Trong VADS, lợi ích pháp lý của họ luôn độc lập với lợi ích pháp lý của của nguyên đơn và bị đơn, cho nên yêu cầu của họ có thể chống lại cả nguyên đơn, bị đơn. Thông thường người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập có đủ điều khởi kiện VADS, nhưng do VADS đã xuất hiện giữa nguyên đơn, bị đơn nên họ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng không độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng phụ thuộc vào nguyên đơn hoặc bị đơn. Do lợi ích pháp lý của họ gắn liền với lợi ích pháp lý của nguyên đơn, bị đơn nên việc tham gia tố tụng của họ bị phụ thuộc vào nguyên đơn, họ không thể khởi kiện để Toà án giải quyết quyền lợi cho riêng họ.
Như vậy, việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng phụ thuộc vào việc bên nguyên đơn hoặc bị đơn có yêu cầu hoặc phụ thuộc vào Tòa án. Chỉ được xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu trong việc giải quyết vụ án, họ được quyền lợi hoặc họ phải thực hiện nghĩa vụ.
2.4. Quy định về xác định tư cách đương sự trong trường hợp thay đổi tư cách đương sự trong vụ án dân sự
Trong TTDS, các chủ thể tham gia vào VADS bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, khi có sự thay đổi về yêu cầu tố tụng thì tư cách tố tụng của các đương sự có thể bị thay đổi và Tòa án phải xác định lại địa vị tố tụng cho các đương sự.
Xét về bản chất, mặc dù yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan làm phát sinh một quan hệ pháp luật mới khác với quan hệ pháp luật mà nguyên đơn yêu cầu, tuy nhiên, việc tiến hành giải quyết các yêu cầu của bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nêu trên đều giống như việc giải quyết yêu cầu của nguyên đơn. Do đó, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng thể hiện quyền tự định đoạt của mình thông qua việc bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập mà mình đã đưa ra trước đó trong từng giải đoạn theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, việc thay đổi địa vị tố tụng của đương sự được quy định tại Điều 245 BLTTDS 2015. Mặc dù không quy định về địa vị tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn) nhưng về mặt lý luận họ có thể sẽ trở thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì trước đó có liên quan đến việc giải quyết vụ án .
Ngoài ra, theo tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015, trong trường hợp vụ án đã có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy án để xét xử lại, quá trình giải quyết lại sơ thẩm, nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt nhưng họ không đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Tòa án phải hỏi ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc có đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án hay không, có yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan không và tùy từng trường hợp tư cách đương sự được thay đổi như sau:
– Nếu bị đơn không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan thì Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, xác định lại tư cách bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.
– Nếu bị đơn đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án, yêu cầu giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan, yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn, đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có), người có quyền, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị người có quyền lợi,nghĩa vụ liên quan yêu cầu Tòa án giải quyết thì trở thành bị đơn. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Có thể thấy, xác định đúng tư cách đương sự trong vụ án dân sự giúp cho quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án được diễn ra theo đúng thủ tục, tiết kiệm thời gian, công sức của các bên đương sự cũng như Tòa án. Tuy nhiên, việc xác định tư cách đương sự trong vụ án dân sự rất phức tạp, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng tại Tòa án phải đáp ứng được các yêu cầu về trình độ, chuyên môn và kinh nghiệm cũng như pháp luật phải có quy định rõ ràng để việc áp dụng dễ hiểu và có hiệu quả trên thực tế.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!