Nhà đầu tư có quyền thực hiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thành lập tổ chức kinh tế khác hoặc đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu đáp ứng được quy định của pháp luật. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư năm 2020 quy định cụ thể các điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài được phép thực hiện khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thành lập tổ chức kinh tế khác hoặc đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu đáp ứng được quy định của pháp luật.
Theo Luật Đầu tư 2020 thì không còn quy định về thuật ngữ “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Thay vào đó, tại Khoản 22 Điều 3 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (sau đây gọi là Luật đầu tư năm 2020) quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
22. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.
Trong đó tại Khoản 21 Điều 3 Luật đầu tư năm 2020 cũng quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
21. Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.”
Như vậy, có thể hiểu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài cũng được quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật đầu tư 2020 như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
19. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”
Theo Khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư năm 2020 thì các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành lập khi đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư, theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau:
“Điều 23. Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.”
Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một nhóm nhà đầu tư – bên cạnh nhóm “nhà đầu tư trong nước” và nhóm “nhà đầu tư nước ngoài”. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện, để xác định được áp dụng quy chế pháp lý đối với “nhà đầu tư nước ngoài” hay “nhà đầu tư trong nước”.
Các điều kiện này phụ thuộc phần lớn vào tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế. Luật Đầu tư năm 2020 sửa đổi nội dung này theo hướng: thay đổi tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đău tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế.
+ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải áp dụng quy chế pháp lý theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi: các điều kiện liên quan đến tỷ lệ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đều đạt trên 50%;
+ Tổ chức kinh tế được áp dụng quy chế pháp lý đối với nhà đầu tư trong nước khi: các điều kiện liên quan đến tỷ lệ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đạt từ 50% trở xuống.
Quy định mới này tại Luật Đầu tư năm 2020 sẽ thắt chặt hơn các hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài. Việc thay đổi tỷ lệ này đã mở rộng các đối tượng là tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ của nhà đầu tư nước ngoài.
Điều kiện thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
+ Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, cần xem xét đến các ngành nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. (Điều 9 Luật đầu tư năm 2020)
+ Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Khoản 2 Điều 23 Luật đầu tư 2020)
Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG