Quy định pháp luật về những hành vi xâm phạm đến quyền tác giả

Theo Điều 28, Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 quy định có 16 hành vi vi phạm quyền tác giả:

1. Trường hợp 1:

Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học:Chiếm đoạt quyền tác giả là cố ý chuyển dịch một cách trái phép quyền tác giả đang thuộc sự quản lý của tổ chức, cá nhân khác vào phạm vi sở hữu của mình.

2. Trường hợp 2:

Mạo danh tác giả được hiểu là người phạm tội đã sử dụng tên tác giả làm những việc có tính vụ lợi. Việc mạo danh tác giả sẽ ảnh hưởng đến uy tín và quyền lợi của tác giả.

3. Trường hợp 3:

Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả: Quyền công bố tác phẩm thuộc về quyền nhân thân, phân phối tác phẩm thuộc về quyền tài sản của tác giả. Tác giả có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức để công bố, phân phối tác phẩm. Tuy nhiên nếu không được sự đồng ý của tác giả mà cá nhân, tổ chức tự ý công bố hoặc phân phối tác phẩm sẽ thuộc hành vi xâm phạm đến quyền tác giả.

4. Trường hợp 4:

Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó: Các đồng tác giả là chủ sở hữu chung đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và được hưởng các quyền của tác giả tron đó có quyền công bố, phân phối tác phẩm. Tác phẩm có đồng tác giả thì việc cong bố, phân phối tác phẩm phải được sự thoả thuận của tất cả các đồng tác giả, nếu có đồng tác giả đã chết thì phải được sự thoả thuận của người thừa kế của đồng tác giả đó.

5. Trường hợp 5:

Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả: Thuộc về quyền nhân thân của tác giả và không thể chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác. Tác giả có quyền bảo vệ sư toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén, hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của mình.

6. Trường hợp 6:

Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả: Sao chép là việc tạo ra bản sao tác phẩm bằng bất kỳ hình thức hay phương tiện nào. Trường hợp tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân hoặc Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu không cần sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu.

7. Trường hợp 7:

Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh: Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Tổ chức, cá nhân không được phép làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị.

8. Trường hợp 8:

Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nhuận bút là khoản tiền mà bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả  hoặc chủ sở hữu quyền tác giả quyền tác giả của một tác phẩm bất kỳ mà không phân biệt loại hình, chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả có quyền hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày… Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả cho người khác xuất bản, tái bản, dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể thì tác giả cũng có các quyền về tài sản tương tự như quyền của chủ sở hữu quyền tác giả.

9. Trường hợp 9:

Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả: Để khai thác tính năng kinh tế của tác phẩm  thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận của các bên. Theo đó bên thuê tác phẩm phải trả tiền thuê cho chủ sỏ hữu theo thỏa thuận. Quyền cho người khác thuê bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm là độc quyền thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Trường hợp 10:

Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

11. Trường hợp 11:

Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả: Xuất bản phẩm là tác phẩm là việc tác phẩm được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức sách in, sách chữ nổi, tranh, ảnh, …

12. Trường hợp 12:

Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình: Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có các quyền tự bảo vệ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình như áp dụng biện pháp công nghệ; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; hoặc khởi kiện ra tòa, trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ịch hợp pháp của mình.

13. Trường hợp 13:

Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

14. Trường hợp 14:

Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

15. Trường hợp 15:

Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo: Ký tên lên tác phẩm là hình thức tác giả để tên hoặc bút danh của mình để xác định, khẳng định tác phẩm của chính tác giả. Vì vậy, hành vi giả mạo chữ ký của tác giả để ký tên trên tác phẩm là hành vi xâm phạm quyền nhân thân.

16. Trường hợp 16:

Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG