Trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hợp đồng, giao dịch giữa công ty với những người có liên quan bao gồm các giao dịch có khả năng phát sinh tư lợi, là những giao dịch có khả năng thâu tóm hoặc chi phối các quyết định của công ty hay với những người có liên quan của họ. Để kiểm soát và ngăn chặn các giao dịch này dễ dàng, pháp luật doanh nghiệp đã xây dựng quy định cụ thể về vấn đề này tại Điều 86 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Hãy cùng Luật Hồng Bàng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. XÁC ĐỊNH CÁC GIAO DỊCH GIỮA CÔNG TY VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN
1.1. Trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức
Trong trường hợp chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức, các giao dịch giữa công ty với những người có liên quan được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
“Điều 86. Hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan
1. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, hợp đồng, giao dịch giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu với những người sau đây phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên chấp thuận:
a) Chủ sở hữu công ty và người có liên quan của chủ sở hữu công ty;
b) Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
c) Người có liên quan của người quy định tại điểm b khoản này;
d) Người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó;
đ) Người có liên quan của những người quy định tại điểm d khoản này.”
Người liên quan được Luật Doanh nghiệp năm 2020 định nghĩa như sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
23. Người có liên quan là cá nhân, tổ chức có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Công ty mẹ, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ;
b) Công ty con, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty con;
c) Cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty;
d) Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên;
đ) Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên, thành viên và cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;
e) Cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này;
g) Doanh nghiệp trong đó cá nhân, công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của công ty.”
Hợp đồng, giao dịch giữa các đối tượng này đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công ty, vì vậy cần có sự kiểm soát và thông qua bởi cơ quan quản lý, người quản lý doanh nghiệp. Theo đó, hợp đồng, giao dịch giữa Công ty với Chủ sở hữu công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên, Người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó, và người liên quan của tất cả các chủ thể trên, đều phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên chấp thuận. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp cũng để cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có quyền tự quyết định cơ chế kiểm soát các hợp đồng, giao dịch với người có liên quan này thông qua các quy định trong Điều lệ công ty. Khi Điều lệ công ty quy định rõ cách thức xác định, các hợp đồng, giao dịch này sẽ tuân theo quy định tại Điều lệ công ty.
1.2. Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân
Việc xác định các giao dịch giữa công ty với những người có liên quan trong trường hợp chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân được quy định tại Khoản 6 Điều 86 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
“Điều 86. Hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan
6. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu với chủ sở hữu công ty hoặc người có liên quan của chủ sở hữu công ty phải được ghi chép lại và lưu giữ thành hồ sơ riêng của công ty.”
Cơ cấu tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu đơn giản hơn nhiều so với khi tổ chức làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty là người có toàn quyền quyết định mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị nội bộ và các hoạt động khác của công ty và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ về tài chính của công ty, và bằng toàn bộ vốn điều lệ của công ty đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Vì vậy, hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan chỉ hướng đến giao dịch giữa công ty với chủ sở hữu công ty hoặc người có liên quan của chủ sở hữu công ty. Xác định người có liên quan của chủ sở hữu bao gồm các chủ thể theo quy định Khoản 23 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như đã trình bày ở trên.
2. VIỆC KIỂM SOÁT CÁC GIAO DỊCH GIỮA CÔNG TY VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN
2.1. Trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức
a. Trách nhiệm khi tham gia giao dịch
Việc kiểm soát các giao dịch giữa công ty với những người có liên quan được thực hiện theo các quy định sau đây:
“Điều 86. Hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan
2. Người nhân danh công ty ký kết hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan và lợi ích có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch đó.
3. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên phải quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết; người có liên quan đến các bên không có quyền biểu quyết.
Như vậy, người nhân danh công ty ký kết hợp đồng, giao dịch là chủ thể có trách nhiệm thông báo, gửi kèm dự thảo hợp đồng và nội dung chủ yếu của giao dịch tới các thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên. Quy định này xuất phát từ tính công khai, minh bạch trong tổ chức và quản lý công ty, giúp công khai các giao dịch nhạy cảm, kiểm soát chặt chẽ các giao dịch, hợp đồng đó. Nếu Điều lệ không có quy định khác, thời hạn để thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên đưa ra quyết định là 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Hội đồng thành viên làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo nguyên tắc đa số, đồng thời loại trừ quyền biểu quyết của người có lợi ích liên quan.
b. Điều kiện để giao dịch được chấp thuận
Khoản 4 Điều 86 Luật Doanh nghiệp năm 2020, các quy định về điều kiện hợp đồng, giao dịch giữa công ty và người có liên quan được chấp thuận cũng được quy định rõ. Các hợp đồng, giao dịch này chỉ được chấp thuận khi có đầy đủ các điều kiện sau:
– Các bên ký kết hợp đồng hoặc thực hiện giao dịch là những chủ thể pháp lý độc lập, có quyền, nghĩa vụ, tài sản và lợi ích riêng biệt. Đây là điều kiện cơ bản của việc giao kết hợp đồng bởi một chủ thể pháp lý độc lập mới có khả năng thực hiện hợp đồng và khả năng chịu trách nhiệm trước những rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng, giao dịch.
– Giá sử dụng trong hợp đồng hoặc giao dịch là giá thị trường tại thời điểm hợp đồng được ký kết hoặc giao dịch được thực hiện. Việc sử dụng giá thị trường tại thời điểm ký kết đảm bảo tính khách quan của giao dịch, lại hạn chế được việc thu lợi bất chính của các bên thông qua việc đẩy giá hay ép giá.
– Chủ sở hữu công ty tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê, hợp đồng, giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.
c. Xử lý giao dịch vi phạm quy định pháp luật
Nếu không ký kết giao dịch đúng với các quy định trên đây, hợp đồng, giao dịch đó sẽ bị vô hiệu theo quyết định của Tòa án và xử lý theo quy định của pháp luật. Người ký kết hợp đồng, giao dịch và người có liên quan là các bên của hợp đồng, giao dịch liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại phát sinh và hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.
2.2. Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân
Khoản 6 Điều 86 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:
“Điều 86. Hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan
6. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu với chủ sở hữu công ty hoặc người có liên quan của chủ sở hữu công ty phải được ghi chép lại và lưu giữ thành hồ sơ riêng của công ty.”
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là cá nhân được thành lập phục vụ lợi ích của chính chủ sở hữu. Do vậy, vấn đề tư lợi phát sinh từ các giao dịch của công ty cũng không phức tạp như đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là tổ chức. Do vậy, các giao dịch giữa công ty với những người có liên quan, cụ thể ở đây là những người liên quan của chủ sở hữu, chỉ cần ghi chép lại để làm cơ sở thực hiện giao dịch, xác định trách nhiệm khi xảy ra vi phạm và thực hiện các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG