Do nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, rất nhiều sáng kiến xã hội đã được triển khai trên cơ sở sử dụng hoạt động kinh doanh như một công cụ nhằm đem lại các giải pháp xã hội bền vững hơn cho cộng đồng. Từ đó, doanh nghiệp xã hội đã ra đời. Tại Việt Nam, doanh nghiệp xã hội lần đầu tiên được công nhận về mặt pháp lý trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Luật Doanh nghiệp năm 2020 tiếp tục kế thừa. Cụ thể các quy định đó như sau:
1. TIÊU CHÍ CỦA DOANH NGHIỆP XÃ HỘI
Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:
“Điều 10. Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
1. Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;
b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;
c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.”
Như vậy, một doanh nghiệp là doanh nghiệp xã hội khi đáp ứng các tiêu chí sau đây:
(i) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Theo đó chủ doanh nghiệp xã hội sẽ lựa chọn một trong bốn loại hình doanh nghiệp như: Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân. Tiến hành lập hồ sơ theo đúng loại doanh nghiệp mong muốn lựa chọn, thực hiện các thủ tục pháp lý thông thường để thành lập một doanh nghiệp tạo cơ sở pháp lý tiến hành hoạt động kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội được quy định tại Điều 28 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ.
(ii) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.
Doanh nghiệp xã hội vẫn thực hiện hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận nhưng đây không phải mục tiêu trên hết của doanh nghiệp xã hội mà thay vào đó, doanh nghiệp xã hội đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu. Mục tiêu hoạt động của các doanh nghiệp xã hội không phải lấy lợi nhuận mà là phục vụ những yêu cầu xã hội, như xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng bị yếu thế, xử lý vấn đề môi trường, ô nhiễm môi trường, đào tạo cho những người khuyết tật… Đặc điểm này khiến cho doanh nghiệp xã hội dễ bị nhầm lẫn với các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện hay tổ chức phi chính phủ. Những tổ chức này sử dụng nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân khác để làm từ thiện hay hỗ trợ tài chính cho những đối tượng gặp khó khăn trong xã hội. Như vậy, hoạt động của các tổ chức trên chỉ thuần túy mang tính chất giúp đỡ, hỗ trợ về mặt tài chính cho một số đối tượng gặp khó khăn trong xã hội chứ không giải quyết được tận gốc các vấn đề xã hội đó, ví dụ: hỗ trợ tài chính cho người nghèo, người lao động bị thất nghiệp nhưng không hỗ trợ tìm kiến việc làm cho những đối tượng này… Trong khi đó, doanh nghiệp xã hội xác định nhóm đối tượng mà doanh nghiệp cần trợ giúp, sau đó tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho họ từ chính lợi nhuận của doanh nghiệp, theo đó góp phần giải quyết tận gốc các vấn đề của xã hội. Quy định này đã chỉ rõ và nhấn mạnh đặc điểm nổi bật nhất của doanh nghiệp xã hội, đặc điểm tạo nên tính xã hội của doanh nghiệp chính là mục tiêu xã hội.
(iii) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.
Với tư cách là một doanh nghiệp cũng thực hiện hoạt động kinh doanh và thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, tuy nhiên doanh nghiệp xã hội lại không thực hiện việc phân phối lợi nhuận như doanh nghiệp thông thường mà lại sử dụng lợi nhuận đó để tái đầu tư với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội mà doanh nghiệp theo đuổi. Điều đó có nghĩa là các doanh nhân khi đầu tư vào doanh nghiệp xã hội không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân mình mà hướng tới việc giúp đỡ cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, đói nghèo hay môi trường. Theo đó ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp sẽ được dùng để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký. Con số 51% là nhằm mục đích tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp xã hội vừa đảm bảo có nguồn vốn thực hiện mục tiêu xã hội, đồng thời huy động vốn kinh doanh từ các nhà đầu tư, thành viên, cổ đông khác bằng việc bảo đảm có phần cổ tức nhất định cho các nhà đầu tư này, qua đó góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp xã hội.
2. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA DOANH NGHIỆP XÃ HỘI
Ngoài quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp xã hội có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
2.1. Quyền của doanh nghiệp xã hội
– Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật.
– Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
2.2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
– Doanh nghiệp xã hội phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động.
– Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.
– Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
– Khi chấm dứt thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường hoặc không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư, doanh nghiệp xã hội phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền.
– Trừ trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết, doanh nghiệp xã hội phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà doanh nghiệp xã hội đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư. Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn và đối tượng có liên quan là cổ đông đối với công ty cổ phần, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng Giám đốc ở nhiệm kỳ hoặc thời gian có liên quan chịu trách nhiệm liên đới đối với các thiệt hại phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp xã hội vi phạm quy định này (Điều 3 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ).
3. NGUỒN VỐN CỦA DOANH NGHIỆP XÃ HỘI
Ngoài nguồn vốn được hình thành từ vốn góp, vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội còn nhận được nguồn vốn viện trợ, tài trợ. Doanh nghiệp xã hội được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Việc tiếp nhận viện trợ, tài trợ của doanh nghiệp xã hội được quy định cụ thể như sau:
“Điều 4. Tiếp nhận viện trợ, tài trợ.
1. Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
2. Doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam như sau:
a) Doanh nghiệp lập Văn bản tiếp nhận tài trợ gồm các nội dung: Thông tin về cá nhân, tổ chức tài trợ, loại tài sản, giá trị tài sản hoặc tiền tài trợ, thời điểm thực hiện tài trợ; yêu cầu đối với doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ và họ, tên và chữ ký của người đại diện của bên tài trợ (nếu có).
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tài trợ, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính về việc tiếp nhận tài trợ; kèm theo thông báo phải có bản sao Văn bản tiếp nhận tài trợ.”
4. GIẢI THỂ, TỔ CHỨC LẠI DOANH NGHIỆP XÃ HỘI
Về tổ chức lại, doanh nghiệp xã hội có thể thực hiện một trong cách thức sau: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập. Việc thực hiện chia, tách doanh nghiệp; hợp nhất, sáp nhập của doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp khác được thực hiện theo quy định đối với doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2020. Riêng về chuyển đổi doanh nghiệp xã hội, hiện nay các văn bản pháp luật hiện hành mới chỉ giải quyết vấn đề chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội của các tổ chức hội. Điều 5 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ quy định:
“Điều 5. Chuyển đổi cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội.
1. Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được dùng toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ để chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan đã cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
2. Doanh nghiệp xã hội sau khi chuyển đổi theo khoản 1 Điều này kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện chấm dứt hoạt động kể từ ngày doanh nghiệp xã hội được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi từ Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và quy định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.”
Về giải thể, doanh nghiệp xã hội giải thể khi thuộc các trường hợp quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp xã hội có thể nhận được viện trợ từ Nhà nước hoặc từ tổ chức trong và ngoài nước. Vì thế, khi doanh nghiệp xã hội dự định chấm dứt hoạt động, cách thức xử lý các khoản viện trợ nói riêng và tài sản của doanh nghiệp nói chung cần được quy định rõ ràng. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ:
“Điều 6. Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp xã hội.
2. Trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết và giải thể doanh nghiệp xã hội, số dư tài sản hoặc tài chính còn lại đối với nguồn tài sản, tài chính mà doanh nghiệp xã hội đã nhận phải trả lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ; chuyển cho các doanh nghiệp xã hội khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự hoặc chuyển giao cho Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Với mục tiêu cao cả và vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xã hội phát triển, bảo đảm phát triển bền vững, hiện nay Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội về mọi mặt từ hỗ trợ thành lập doanh nghiệp xã hội, chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước… Bằng chứng là trong vòng một thập niên trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đầy hứa hẹn của các doanh nghiệp xã hội. Từ năm 2015 đến tháng 5/2021, số doanh nghiệp xã hội đã tăng gấp 5 lần (từ 200 lên đến 1.000 doanh nghiệp) phân bố trong nhiều ngành, nghề đa dạng như: giáo dục, đào tạo, nông nghiệp, xây dựng, du lịch…
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG