Quy định của pháp luật về đầu tư tiền ảo

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mà các hoạt động sinh lời từ internet, dịch vụ mạng cũng vì đó mà tăng một cách chóng mặt. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đặc biệt, Việt Nam còn rất đa dạng về các loại hình đầu tư kinh doanh liên quan đến công nghệ. Trong đó, đầu tư kinh doanh tiền ảo cũng có sức hút vô cùng lớn. Tuy nhiên, việc nắm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư tiền ảo chưa bao giờ là dễ dàng với các nhà đầu tư.

Hiểu được điều đó, Luật Hồng Bàng xin gửi tới các bạn bài viết chi tiết nhất về Quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư tiền ảo.

1. Tiền ảo là gì? Tiền ảo có phải tài sản không?

1.1 Tiền ảo là gì?

Để nắm được các quy định pháp luật trước tiên phải hiểu được khái niệm của tiền ảo.

Theo cách hiểu thông thường, Tiền ảo (cryptocurrency) là một tài sản kỹ thuật số được thiết kế để làm việc như là một trung gian trao đổi mà sử dụng mật mã để đảm bảo các giao dịch của nó, để kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản.

Tiền ảo được phân loại như là một tập con của các loại tiền kỹ thuật số và cũng được phân loại là một tập con của các loại tiền tệ thay thế và các loại tiền ảo.

Các loại tiền ảo thông dụng hiện nay: Đồng Bitcoin, Ethereum, Litecoin, Ripple, IOTA,..

Về phương diện pháp lý, hiện nay pháp luật cũng chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về khái niệm của tiền ảo.

1.2 Tiền ảo có phải là tài sản không?

Theo Điều 105, Bộ luật dân sự 2015 thì tài sản được quy định như sau:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Mà theo Điều 16, Luật Ngân hàng nhà nước 2010, thì đơn vị của tiền được quy định như sau:

Đơn vị tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Đồng”, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”, một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.

Như vậy, dựa theo những quy định trên, có thể thấy Tiền ảo hoàn toàn không phù hợp với đơn vị tiền tệ hiện hành, cũng như không là Tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Tiền ảo và đầu tư tiền ảo có hợp pháp tại Việt Nam không?

2.1 Tiền ảo có hợp pháp tại Việt Nam không?

Theo Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, thì:

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này.”

Như vậy, tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng là phương thức thanh toán không hợp pháp ở Việt Nam.

Trả lời cho giải đáp thắc mắc xoay quanh việc sử dụng tiền ảo để giao dịch có hợp pháp hay không?

Ngày 21/7/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn số 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề Bitcoin, Litecoin với nội dung xác định các loại tiền ảo như trên không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định chung của pháp luật Việt Nam.

“Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.”

2.2 Đầu tư tiền ảo có hợp pháp tại Việt Nam?

Theo Khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư 2020, các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh như sau:

a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Thực tiễn áp dụng pháp luật tại Việt Nam, các cá nhân, pháp nhân được thực hiện kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Mà ngành nghề kinh doanh tiền ảo không nằm trong danh mục bị cấm kinh doanh.

Như vậy, một dấu hỏi lớn được đặt ra, có thể kinh doanh được không?

Quy định pháp luật hiện hành về đầu tư tiền ảo mới nhất

Tuy nhiên, dựa trên cơ sở tại Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Các phương thức thanh toán hợp pháp hiện nay là:

  • Séc;
  • Lệnh chi;
  • Ủy nhiệm chi;
  • Nhờ thu;
  • Ủy nhiệm thu;
  • Thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Các phương thức thanh toán khác là không hợp pháp tại Việt Nam.

Việc kinh doanh tiền ảo không nằm trong danh mục bị cấm đầu tư kinh doanh.

Hiện nay, Nhà nước chưa công nhận giao dịch bằng tiền ảo trên mạng Internet nên khi có tranh chấp thì có thể xem đây là giao dịch vô hiệu.

Nói cách khác tại Việt Nam, việc kinh doanh tiền ảo đang ở mức “không cấm cũng không cho”.

Việc sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật, còn đầu tư bitcoin thì vẫn chưa có quy định điều chỉnh.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo khác không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam.

Bitcoin và một số loại tiền ảo khác là loại tài sản ảo, tiền số được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp.

Do đó, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay chức năng như đồng tiền là vi phạm pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo.

3. Khoảng trống pháp lý về vấn đề quản lý đầu tư tiền ảo

Như đã đề cập ở trên, chúng ta chưa có một văn bản pháp luật cụ thể nào quy định về Tiền ảo.

Điều đó tạo ra một khoảng cách giữa có hợp pháp hay không có hợp pháp về việc sử dụng tiền ảo.

Pháp luật chỉ quy định về việc dùng tiền ảo để giao dịch, phương thức thanh toán này là bất hợp pháp.

Do đó, sẽ không bất hợp pháp nếu việc kinh doanh tiền ảo không nhằm mục đích tạo gia đồng tiền để giao dịch, thanh toán.

Việc này cũng tạo ra rất nhiều biến tướng, những vụ việc gây tổn thất nghiêm trọng đến ngân sách quốc gia, những tội phạm đánh bạc qua Internet thất thoát hàng nghìn tỉ đồng.

Thiết nghĩ, nên tạo ra một Luật hoặc có thể một văn bản pháp luật quy định trực tiếp tính pháp lý của Tiền ảo.

Hoặc có thể quy định rõ ràng hơn về giá trị pháp lý của Tiền ảo trong một điều khoản nào đó của pháp luật hiện hành.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG