Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT (theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành).
Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng gồm phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra các quy định của pháp luật hiện hành về phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
Cơ sở pháp lý
- Luật thuế Giá trị gia tăng 2008;
- Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013;
- Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi 2016;
- Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng;
- Nghị định 100/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi;
- Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
- Thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 100/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế sửa đổi và sửa đổi các Thông tư về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;
- Thông tư 72/2014/TT-BTC về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Quy định chung của pháp luật về phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng
Theo quy định tại Điều 10 Luật thuế Giá trị gia tăng 2008 về phương pháp khấu trừ thuế, theo đó:
Thứ nhất, phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
- Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế bằng số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ;
- Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng;
- Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng Điều kiện quy định tại Điều 12 của Luật thuế Giá trị gia tăng 2008.
Thứ hai, phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
Theo quy định tại Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành về phương pháp khấu trừ thuế. Theo đó, phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:
- Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp (tại Điều 13 Thông tư này);
- Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp (tại Điều 13 Thông tư này);
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.
Tóm lại, tuỳ từng đối tượng cụ thể như (1) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên hay (2) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện hay (3) Tổ chức, cá nhân nước ngoài được bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay, pháp luật thuế Việt Nam có quy định cụ thể các trường hợp với những đối tượng này. Tuy nhiên, để được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì các đối tượng trên phải thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hoá đơn, chứng từ và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
Công thức xác định số thuế GTGT phải nộp
1. Căn cứ để tính thuế GTGT bao gồm:
Giá tính thuế | Thuế suất |
2. Công thức tính thuế GTGT phải nộp tổng quan như sau:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Số thuế GTGT đầu ra | – | Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ |
3. Công thức tính số thuế GTGT phải nộp trong kỳ (tháng hoặc quý):
Số thuế GTGT phải nộp trong kỳ | = | Số thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ | – | Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ phát sinh trong kỳ | – | Thuế GTGT còn được khấu trừ kỳ trước chuyển sang (nếu có) |
4. Cách tính thuế GTGT đầu ra
-
Công thức tính thuế GTGT đầu ra
Số thuế GTGT đầu ra | = | Giá tính thuế | x | Thuế suất |
Trong đó
- Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
- Thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ đó.
- Giá tính thuế: là giá bán chưa có thuế GTGT
- Thuế suất: có thể là 0%, 5%, 10% hoặc có những mặt hàng không chịu thuế tuỳ vào sản phẩm, hàng hoá dịch vụ hoặc nơi bán hàng mà bên bán hàng cung cấp để xác định mức thuế suất thuế GTGT cụ thể cho hoạt động bán hàng hóa cung cấp dịch vụ đó.
- Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế,…
- Thuế suất 5%: áp dụng đối với các sản phẩm dịch vụ liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, thiết bị, dụng cụ y tế bao gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế, nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt, giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập, hoạt động văn hóa, triển lãm, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim,…
- Thuế suất 10%: áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ thông thường còn lại.
Ví dụ: Công ty TNHH A bán sản phẩm máy đọc sách Kindle với giá chưa thuế là 7.000.000 VNĐ chịu thuế suất 10%
=> Thuế GTGT đầu ra là: 7.000.000 x 10% = 700.000 vnđ.
-
Căn cứ để xác định thuế GTGT đầu ra
Căn cứ để xác định thuế GTGT đầu ra là hoá đơn GTGT (tổng số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ bán ra ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng).
Cơ sở kinh doanh phải chấp hành chế độ kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý như sau:
Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ:
- Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất đã ghi trên hóa đơn;
- Nếu thuế suất thuế GTGT ghi trên hóa đơn thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo thuế suất thuế GTGT quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế GTGT (Theo Điều 12.5.a Thông tư 219/2013/TT-BTC).
Như vậy, hoá đơn GTGT là căn cứ rất quan trọng để xác định thuế GTGT đầu ra đối với hàng hoá, dịch vụ bán ra của cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, số thuế này cũng phải đáp ứng ở “mức sàn” theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
5. Cách tính thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
-
Công thức tính thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ | = | Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ phát sinh trong kỳ | + | Thuế GTGT còn được khấu trừ kỳ trước chuyển sang (nếu có) |
Thuế GTGT đầu vào bằng tổng:
- số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT,
- số thuế GTGT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc
- chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam (Theo Điều 12.5.b Thông tư 219/2013/TT-BTC).
Ngoài ra, cách xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ phát sinh trong kỳ được quy định theo công thức sau
Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ phát sinh trong kỳ | = | Tổng số thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ | + | Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ phát sinh trong kỳ |
Trong đó, theo quy định tại Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com hoặc lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!