Pháp luật quy định bao nhiêu hình thức hợp đồng?

Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt nghĩa vụ dân sự. Hiệu lực của hợp đồng được xác định qua các điều kiện về chủ thể, nội dung, mục đích và hình thức. Trong đó, hình thức hợp đồng là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định hợp đồng vô hiệu hay hợp pháp.

Sau đây, Luật Hồng Bàng xin tư vấn về hình thức hợp đồng như sau:

1. Hình thức hợp đồng là gì?

Hợp đồng là một trong những giao dịch dân sự phổ biến và được lựa chọn là phương tiện ghi nhận việc giao dịch dân sự của các chủ thể.

Hợp đồng dân sự là giao kết của các bên làm phát sinh, chấm dứt hoặc thay đổi quyền và nghĩa vụ dân sự.

Thông qua hợp đồng, các bên thể hiện mong muốn và ý chí của mình.

Sự trùng hợp ý chí, hay nói cách khác sự thoả thuận của các bên được thể hiện bằng những hình thức khác nhau tuỳ thuộc vào ý chí của họ: bằng lời nói, bằng hành vi hoặc có thể bằng văn bản.

Các hình thức thể hiện ý chí đó được gọi là hình thức của hợp đồng.

Như vậy, hình thức hợp đồng là phương tiện để các bên thể hiện ý chí của mình.

Thông qua đó, các bên có thể thiết lập quyền và nghĩa vụ, biểu đạt những thỏa thuận của mình.

2. Hình thức hợp đồng có vai trò và ý nghĩa như thế nào?

Hình thức của hợp đồng ngoài chức năng là phương tiện thể hiện ý chí của các bên còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng khác.

Ví dụ như lời nói, văn bản, hành vi là phương tiện để các bên thỏa thuận, thống nhất quan điểm.

Hình thức hợp đồng bằng văn bản còn là bằng chứng tồn tại của hợp đồng; là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực và có giá trị đối kháng với người thứ ba.

Tuy nhiên, việc coi trọng chức năng nào trong ba chức năng trên nên tuỳ thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Đối với một số hợp đồng liên quan đến những tài sản có giá trị thì văn bản là hình thức bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực như: hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà,…

Hình thức hợp đồng có vai trò là một hình thức để ấn định những hành vi quan trọng mà các bên đã thỏa thuận.

Hợp đồng gần như là một bản kế hoạch, để mỗi bên biết mình phải làm gì theo một trình tự thời gian nhất định.

Ngoài ra, hình thức hợp đồng đóng vai trò như một dẫn chứng trước pháp luật khi hai bên xảy ra tranh chấp hay xuất hiện sự xung đột lợi ích với người thứ ba.

3. Các hình thức của hợp đồng

Hình thức hợp đồng được tuân theo quy định về hình thức của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“1.Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2.Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Như vậy, các chủ thể có thể lựa chọn các hình thức giao dịch dân sự phù hợp với giao dịch của mình để bảo đảm quyền và lợi ích cho các bên.

3.1 Hình thức hợp đồng thông qua lời nói (hợp đồng miệng)

Hợp đồng giao kết bằng miệng là việc các bên thỏa thuận với nhau bằng lời nói, thiết lập quyền và nghĩa vụ bằng lời nói.

Thông qua hình thức này, các bên chỉ cần thỏa thuận miệng với nhau về nội dung cơ bản của hợp đồng.

Hình thức này thường được áp dụng trong những trường hợp:

  • Các bên có sự tin tưởng lẫn nhau;
  • Hợp đồng mà ngay sau khi giao kết sẽ thực hiện và chấm dứt.

Ví dụ như hợp đồng vay tài sản thiết lập giữa bố mẹ và con. Đây là những đối tượng có quan hệ ruột thịt, thân quen và tin tưởng nhau nên có thể vay tài sản thông qua hình thức bằng lời nói.

Hay là việc mua một bó rau ngoài chợ, bên bán và bên mua thỏa thuận với nhau bằng lời nói; hợp đồng kết thúc ngay sau khi giao kết (ngay sau khi bên mua trả tiền bó rau cho bên bán).

Như vậy, hình thức hợp đồng bằng lời nói có thể được sử dụng trong những trường hợp:

  • Các chủ thể có sự tin tưởng lẫn nhau;
  • Các chủ thể là thành viên trong cùng một gia đình;
  • Những giao dịch được thực hiện trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, cũng không thể không kể đến những rủi ro lớn khi giao kết hợp đồng bằng lời nói.

Khi một bên trong hợp đồng phủ nhận sự tồn tại của thỏa thuận do muốn trốn tránh nghĩa vụ, bên còn lại khó có thể chứng minh được do hình thức hợp đồng đã lựa chọn không đảm bảo tính pháp lý cao.

3.2 Hình thức hợp đồng thông qua hành vi

Xã hội càng phát triển, con người được tiếp cận với nhiều hình thức giao kết hiện đại, hình thức hợp đồng bằng hành vi xuất hiện càng phổ biến.

Hợp đồng bằng hành vi được thiết lập thông qua hành động của các chủ thể đối với nhau.

Các chủ thể không cần trao đổi bằng lời nói mà chỉ cần thực hiện những hành vi giao dịch.

Hình thức mua bán qua siêu thị là biểu hiện rõ ràng nhất của việc giao kết hợp đồng bằng hành vi.

Người mua sẽ thực hiện lựa chọn hàng hóa theo ý muốn trong các gian hàng và đưa đến quầy thu ngân.

Hành động lựa chọn mặt hàng theo giá cả đã có sẵn chính là đề nghị giao kết hợp đồng mua bán. Hành động người bán thực hiện xong các thủ tục thanh toán chính là chấp nhận giao kết hợp đồng.

Sau khi thanh toán, hàng hóa thuộc sở hữu của người mua. Ngay tại thời điểm đó, hợp đồng chấm dứt.

3.3 Hình thức hợp đồng bằng văn bản

Để nâng cao tính xác thực của những nội dung đã cam kết các chủ thể của hợp đồng dân sự có thể lựa chọn hình thức ký kết bằng văn bản.

Trong văn bản các bên phải ghi đầy đủ các nội dung cơ bản trong các điều khoản mục như:

  • Đối tượng của hợp đồng;
  • Số lượng, chất lượng;
  • Phương thức, địa điểm, thời gian thực hiện hợp đồng;…

Hình thức bằng văn bản đảm bảo tính pháp lý cao đối với quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia.

Khi xảy ra tranh chấp văn bản giao kết là chứng cứ pháp lý chắc chắn hơn so với hình thức miệng.

Theo quy định về hình thức hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015 thì giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Như vậy những hợp đồng điện tử cũng chính là hợp đồng dân sự mang hình thức văn bản.

Điều 33 Luật giao dịch điện tử 2005 đã quy định:

“Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này.”

Vậy, thông qua hình thức điện tử các bên có thể sử dụng thông điệp giữ liệu để thỏa thuận ký kết hợp đồng.

Theo Khoản 1, Điều 36, Luật Giao dịch điện tử 2005 thì:

“Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng.”

Các bên tham gia có thể sử dụng thông điệp dữ liệu làm phương tiện để thể hiện ý chí và thực hiện giao kết hợp đồng.

Chính vì thế, thông điệp dữ liệu điện tử cũng là một hình thức hợp đồng và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay.

Trong thực tiễn, có rất nhiều ví dụ về giao kết hợp đồng bằng văn bản điện tử gần gũi với đời sống hiện đại.

Các hợp đồng thương mại, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng kinh tế được giao kết bằng văn bản điện tử rất phổ biến.

Những hành vi mua, bán, tặng cho có thể thiết lập thông qua các trang điện tử hay các ứng dụng điện tử chuyên dụng như: Shopee, Sen đỏ, Tiki, Lazada.

Trong đó, người mua chỉ cần thực hiện các thao tác thông qua ứng dụng như: chọn mặt hàng, ghi địa chỉ, chọn hình thức thanh toán,…

Cùng với đó người bán sẽ vận chuyển hàng hóa đến địa chỉ của người mua theo thông tin dữ liệu điện tử.

3.4 Hợp đồng có công chứng chứng thực

Đối với những hợp đồng có tính chất phức tạp, đối tượng hợp đồng là những tài sản mà Nhà nước cần phải quản lý, cần phải đăng ký quyền sử dụng và quyền sở hữu thì các bên giao dịch phải ký kết hợp đồng thông qua văn bản có công chứng, chứng thực.

Ví dụ như: hợp đồng liên quan đến bất động sản, hợp đồng liên quan đến tài sản phải đăng ký quyền sở hữu.

Vậy hợp đồng thuê nhà có phải công chứng không? Hợp đồng thuê đất có phải công chứng không?

Có thể thấy đất đai và nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai là những bất động sản bắt buộc phải đăng ký theo quy định của pháp luật dân sự.

Theo đó, những hợp đồng liên quan đến những bất động sản trên đều phải được công chứng, chứng thực để đảm bảo sự quản lý của Nhà nước.

Bộ luật dân sự 2015 cũng đã quy định về các loại hợp đồng phải được công chứng, chứng thực như: Hợp đồng tặng cho bất động sản, hợp đồng về quyền sử dụng đất,…

Có thể thấy rằng, hình thức công chứng, chứng thực hoặc đăng ký có giá trị chứng cứ cao nhất.

Tuy nhiên, đối với những hợp đồng pháp luật không yêu cầu phải lập theo hình thức này nhưng để quyền lợi giữa các bên được đảm bảo các bên vẫn có thể chọn hình thức này để giao kết.

4. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Luật Giao dịch điện tử 2005

Trên đây là toàn bộ quy định về hình thức hợp đồng theo luật dân sự mới nhất.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!  

Công ty Luật Hồng Bàng./.