Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong Luật sở hữu trí tuệ

1. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

Theo Điều 1, Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (sau đây gọi là Luật sở hữu trí tuệ năm 2005) quy định về phạm vi điều chỉnh luật sở hữu trí tuệ như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật Sở hữu trí tuệ quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó.”

Với quy định pháp luật như trên cho thấy phạm vi điều chỉnh pháp luật đã phân thành từng nhóm đối tượng cụ thể để dễ dàng hơn trong quá trình nghiên cứu và sử dụng luật. Cụ thể,

Theo Điều 1, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định cụ thể về các đối tượng sở hữu trí tuệ như sau:

+ Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá;

+ Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý;

+ Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là giống cây trồng và vật liệu nhân giống.

Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam điều chỉnh các quan hệ xã hội trong việc tạo ra, sử dụng và chuyển giao các sản phẩm sáng tạo trí tuệ phát sinh giữa các chủ thể. Bao gồm các quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

2. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Theo Điều 2, luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về đối tượng áp dụng Luật sở hữu trí tuệ như sau:

“Điều 2. Phạm vi áp dụng

Luật sở hữu trí tuệ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật sở hữu trí tuệ và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.’’

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân có quyền đối với tài sản trí tuệ do mình tạo ra hoặc được chủ sở hữu giao quyền sở hữu, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

a. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

+ Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học;

+ Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học;

+ Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả.

b. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan bao gồm:

+ Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật (sau đây gọi chung là người biểu diễn);

+  Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu cuộc biểu diễn quy sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc biểu diễn là chủ sở hữu đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên liên quan;

+ Tổ chức, cá nhân định hình lần đầu âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (sau đây gọi là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình);

+ Tổ chức khởi xướng và thực hiện việc phát sóng (sau đây gọi là tổ chức phát sóng).

c. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp gồm: tổ chức, cá nhân có quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

d. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng gồm: tổ chức, cá nhân có quyền đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Như vậy, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã quy định chi tiết và đầy đủ về phạm vi điều chỉnh và phạm vi áp dụng của Luật sở hữu trí tuệ.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG