NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CẦN LƯU Ý KHI GÓP VỐN BẰNG NHÃN HIỆU THEO LUẬT DOANH NGHIỆP 2020

Góp vốn bằng Nhãn hiệu là một trong những hình thức góp vốn được Luật doanh nghiệp 2020 cho phép góp vốn vào doanh nghiệp. Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp sẽ sử dụng Nhãn hiệu mà cá nhân tổ chức đó đang sở hữu để góp vốn vào tài sản của doanh nghiệp. Vậy điều kiện, trình tự thủ tục góp vốn bằng Nhãn hiệu theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Hồng Bàng xin tư vấn về Những vấn đề cơ bản cần lưu ý khi góp vốn bằng Nhãn hiệu vào doanh nghiệp để Quý Khách hàng có nhu cầu tham khảo:

1. Khái quát về nhãn hiệu và góp vốn bằng nhãn hiệu

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu gồm các loại: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Góp vốn bằng nhãn hiệu là sử dụng quyền sở hữu nhãn hiệu để góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2. Điều kiện để góp vốn bằng Nhãn hiệu

Các cá nhân, tổ chức khi góp vốn bằng Nhãn hiệu cần phải đảm bảo các điều kiện như sau:

Thứ nhất, Nhãn hiệu sẽ được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và được cấp văn bằng bảo hộ. Do đó, các cá nhân tổ chức khi tham gia góp vốn vào doanh nghiệp bằng nhãn hiệu cần phải xem xét Nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ chưa? Nếu chưa được cấp văn bằng bảo hộ thì cần phải làm thủ tục xin cấp văn bằng bảo hộ để chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu đó thuộc sở hữu của mình. Từ đó mới có thể góp vốn bằng Nhãn hiệu vào doanh nghiệp. Trong trường hợp Nhãn hiệu đã có văn bằng bảo hộ thì cần xem xét văn bằng bảo hộ đó còn thời hạn không? Nếu không còn thời hạn thì phải thực hiện thủ tục gia hạn văn bằng bảo hộ trước khi góp vốn theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, tài sản là Nhãn hiệu góp vốn vào doanh nghiệp phải do chủ sở hữu (người đứng tên trên văn bằng bảo hộ) góp vốn. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật. Do đó, chỉ chủ sở hữu Nhãn hiệu mới được dùng Nhãn hiệu để góp vốn vào doanh nghiệp.

Thứ ba, Nhãn hiệu phải phải được định giá và được thể hiện thành đồng Việt Nam trước khi tiến hành góp vốn. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, các tài sản không phải là Đồng Việt Nam thì phải tiến hành định giá. Do đó, Nhãn hiệu phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá.

Thứ tư, theo quy định tại Điều 139 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó. Do đó, các cá nhân tổ chức khi tham gia góp vốn bằng Nhãn hiệu cần phải đảm bảo được các điều kiện trên.

3. Trình tự thủ tục góp vốn bằng Nhãn hiệu

Nhãn hiệu sau khi đảm bảo được điều kiện góp vốn, khi góp vốn vào doanh nghiệp thì phải thực hiện các bước sau đây:

Bước 1: Định giá tài sản

Nhãn hiệu không phải là tài sản Đồng Việt Nam nên theo quy định của luật doanh nghiệp hiện hành cần phải thực hiện thủ tục định giá trước khi góp vốn.

Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận. Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Bước 2: Lập hợp đồng góp vốn (Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu)

Căn cứ vào Điều 87, Điều 138 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì Nhãn hiệu khi chuyển giao quyền sở hữu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Do đó, các cá nhân tổ chức muốn chuyển giao quyền sở hữu Nhãn hiệu cho doanh nghiệp thì cần phải thực hiện chuyển giao quyền sở hữu dưới hình thức hợp đồng lập bằng văn bản.

Trong hợp đồng góp vốn, cần phải thể hiện được đầy đủ các nội dung cơ bản của việc góp vốn như: Bên góp vốn, Bên nhận góp vốn (tên, địa chỉ, …); Nhãn hiệu ( Chủ giấy chứng nhận; số đơn; ngày nộp đơn; quyết định cấp; thời hạn bảo hộ,…); giá trị nhãn hiệu; thời hạn góp vốn; mục đích góp vốn; đăng ký góp vốn và nộp lệ phí; cam đoan của các bên,…

Việc lập hợp đồng chuyển giao nhãn hiệu không bắt buộc phải công chứng tại VPCC hay chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý cao hơn, các cá nhân tổ chức có thể công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.

Bước 3: Chuyển quyền sở hữu Nhãn hiệu sang cho doanh nghiệp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo quy định của Luật doanh nghiệp, tài sản là nhãn hiệu khi góp vốn phải chuyển quyền sở hữu Nhãn hiệu cho doanh nghiệp. Do đó, các cá nhân tổ chức chuyển quyền sở hữu Nhãn hiệu thông qua việc thay đổi chủ sở hữu đối với quyền sở Nhãn hiệu đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trên đây là bài viết chi tiết về NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN CẦN LƯU Ý KHI GÓP VỐN BẰNG NHÃN HIỆU THEO LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư: Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng! 

Công ty Luật Hồng Bàng./.