Những giao dịch trong công ty cổ phần bị kiểm soát

Trong công ty cổ phần, một số hợp đồng, giao dịch bị kiểm soát bằng việc phải nhận được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị. Những giao dịch này còn được coi là giao dịch có khả năng tư lợi.

1. TÁC HẠI CỦA GIAO DỊCH CÓ KHẢ NĂNG TƯ LỢI TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN

Thứ nhất, giao dịch có khả năng tư lợi xâm phạm đến lợi ích của công ty. Khi giao dịch có khả năng tư lợi xảy ra, tài sản, nguồn vốn của công ty bị chảy dần vào túi của một cá nhân hay một nhóm người. Hơn thế nữa, nếu thực hiện giao dịch có khả năng tư lợi được một lần thì có cơ hội sẽ tái diễn và có xu hướng tìm đến đối tác đó để hợp tác trục lợi, do đó, công ty sẽ ít được tiếp cận với các đối tác, kênh đầu tư có hiệu quả khác nhau dẫn đến việc tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Khi một công ty xảy ra các giao dịch có khả năng tư lợi thì uy tín của công ty đó sẽ bị giảm sút do tài sản của công ty bị thất thoát, hoạt động kinh doanh của công ty không hiệu quả và phát triển, các thành viên đã đầu tư vào công ty mất lòng tin vào công ty và tìm cách rút lui khỏi công ty, các nhà đầu tư bên ngoài e ngại, không dám bỏ vốn đầu tư vào công ty, tước đi nhiều cơ hội để công ty được hợp tác và đầu tư của nhiều nhà đầu tư.

Thứ hai, giao dịch có khả năng tư lợi xâm phạm đến lợi ích chính đáng của các cổ đông của công ty. Các cổ đông trong công ty là chủ sở hữu công ty, vốn đầu tư và lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của công ty thực chất là của chính những cổ đông trong công ty. Nếu xảy ra giao dịch có khả năng tư lợi, chính những cổ đông trong công ty cổ phần là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Thứ ba, giao dịch có khả năng tư lợi xâm phạm đến lợi ích chính đáng của các chủ nợ. Khi công ty thiệt hại về lợi ích dẫn đến không còn đủ tài sản để thanh toán hết các khoản nợ cho các chủ nợ, từ đó xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của các chủ nợ.

Thứ tư, giao dịch có khả năng tư lợi tác động xấu về mặt kinh tế – xã hội. Giao dịch có khả năng tư lợi đi ngược lại với quy luật của thị trường và giá cả vì nó khuyến khích sự cạnh tranh trong hối lộ, tham nhũng và những giao dịch ngầm chứ không phải sự cạnh tranh trong chất lượng và giá cả hàng hóa, trong sự năng động, sáng tạo, năng lực cốt lõi của nhà kinh doanh. Điều đó tác động xấu đến văn hóa kinh doanh, dẫn đến tồn tại một nền kinh tế phi thị trường, tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh, tác động đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

2. NHỮNG GIAO DỊCH CÓ KHẢ NĂNG TƯ LỢI BỊ KIỂM SOÁT TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN

Sự tồn tại của những hợp đồng, giao dịch có khả năng tư lợi là một hiện tượng tất yếu khách quan trong mọi nền kinh tế. Pháp luật không cấm đoán triệt tiêu mọi giao dịch có khả năng tư lợi mà tiếp cận kiểm soát các giao dịch có khả năng tư lợi theo cách thức vẫn cho phép các giao dịch có khả năng tư lợi diễn ra những các giao dịch này phải được công khai, minh bạch và có sự kiểm soát chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác lập. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã căn cứ từ những yếu tố hình thành nên một giao dịch để xác định các loại giao dịch có khả năng tư lợi cần bị kiểm soát trong công ty cổ phầm gồm: Giao dịch có giá trị tài sản lớn và Giao dịch giữa công ty với người có liên quan.

2.1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với những người có liên quan

Khoản 1 Điều 167 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

Điều 167. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan

1. Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan sau đây:

a) Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ;

b) Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;”

Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 xác định nhóm các chủ thể tham gia giao dịch với công ty cổ phần thuộc diện giao dịch có khả năng tư lợi là những tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với công ty. Cụ thể là:

– Nhóm các chủ thể có quan hệ trực tiếp với công ty cổ phần gồm: Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty; Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

– Nhóm các chủ thể có quan hệ gián tiếp với công ty cổ phần bao gồm người liên quan của tất cả các chủ thể kể trên. Người liên quan được Luật Doanh nghiệp năm 2020 định nghĩa như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

23. Người có liên quan là cá nhân, tổ chức có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty mẹ, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của công ty mẹ;

b) Công ty con, người quản lý và người đại diện theo pháp luật của công ty con;

c) Cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của công ty;

d) Người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên;

đ) Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty, người đại diện theo pháp luật, Kiểm soát viên, thành viên và cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;

e) Cá nhân là người đại diện theo ủy quyền của công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này;

g) Doanh nghiệp trong đó cá nhân, công ty, tổ chức quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của công ty.”

Giao dịch, hợp đồng giữa công ty với những chủ thể này phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị.

2.2. Giao dịch có giá trị tài sản lớn

Nếu để cá nhân người quản lý công ty toàn quyền quyết định thì nguy cơ nảy sinh ý đồ tư lợi là rất lớn, do đó, độ rủi ro cho công ty, cho các chủ sở hữu và các bên thứ ba liên quan là rất cao. Những giao dịch tư lợi trong trường hợp này thường có giá trị chênh lệch lớn so với giá thị trường, hoặc giá trị bị đẩy lên rất cao hoặc giá trị bị đánh giá thấp xuống so với giá thị trường để qua đó cá nhân chiếm hưởng phần chênh lệch. Khoản 2, Khoản 3 Điều 167 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

Điều 167. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan

2. Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch theo quy định khoản 1 Điều này và có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty…

3. Đại hội đồng cổ đông chấp thuận hợp đồng, giao dịch sau đây:

a) Hợp đồng, giao dịch khác ngoài hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó.”

Như vậy những hợp đồng, giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty cần có sự chấp thuận của Hội đồng quản trị. Hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó cần có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

3. XỬ LÝ GIAO DỊCH CÓ KHẢ NĂNG TƯ LỢI

Theo khoản 5 Điều 167 Luật Doanh nghiệp, các vi phạm trong giao kết và thực hiện giao dịch có khả năng tư lợi sẽ có chế tài xử lý như sau:

Điều 167. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan

5. Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu theo quyết định của Tòa án và xử lý theo quy định của pháp luật khi được ký kết không đúng với quy định tại Điều này; người ký kết hợp đồng, giao dịch, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có liên quan phải liên đới bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.”

4. NGHĨA VỤ THÔNG BÁO, CÔNG KHAI GIAO DỊCH

Đối với giao dịch với người liên quan, Điểm c Khoản 1 Điều 167 Luật Doanh nghiệp năn 2020 quy định:

Điều 167. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan

c) Doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Luật này.”

Theo đó Thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai cho công ty về các lợi ích liên quan của mình, bao gồm:

– Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà họ làm chủ hoặc sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm làm chủ, sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó;

– Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ;

Đồng thời trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết.

Đối với giao dịch có giá trị lớn, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch. Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết; hợp đồng, giao dịch được chấp thuận khi có từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành, hoặc trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Bên cạnh đó theo Khoản 6 Điều 167 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Điều 167. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan

6. Công ty phải công khai hợp đồng, giao dịch có liên quan theo quy định của pháp luật có liên quan.”

Việc công khai này sẽ giúp công ty loại trừ các nguy cơ có thể bị một số đối tượng lợi dụng để tư lợi. Vì khi có thông báo công khai thì các cổ đông còn lại trong công ty sẽ phát hiện, giám sát và ngăn chặn kịp thời các ý đồ tư lợi trong các giao dịch đó. Nếu cổ đông nghi vấn hoặc phát hiện ra giao dịch có ý đồ tư lợi thì có quyền phản đối, không thông qua các giao dịch đó và về nguyên tắc thì tất cả các giao dịch này chỉ được giao kết sau khi có sự đồng ý của công ty thông qua các cơ quan có thẩm quyền của công ty.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG