Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua dưới hình thức nào?

Việc thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là một thủ tục bắt buộc do luật quy định. Vậy nghị quyết được thông qua như thế nào? Pháp luật quy định và thực tiễn thực hiện ra sao? Luật Hồng Bàng xin làm rõ những vấn đề kể trên thông qua bài viết này.

Các hình thức thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là việc các cổ đông đưa ra ý kiến của mình để thông qua một văn bản quyết định quản lý công ty. Theo đó, pháp luật quy định hình thức thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông tại Khoản 1 Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2020:

“Điều 147. Hình thức thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông

1. Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.”

Có hai hình thức thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là biểu quyết tại cuộc họp và lấy ý kiến bằng văn bản. Như vậy, Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần không được tự do lựa chọn hình thức thông qua nghị quyết như Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định các trường hợp Đại hội đồng cổ đông phải thông qua nghị quyết bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:

“2. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông:

a) Sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ công ty;

b) Định hướng phát triển công ty;

c) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

d) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;

đ) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;

e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

g) Tổ chức lại, giải thể công ty.”

Như vậy, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì Đại hội đồng cổ đông buộc phải biểu quyết tại cuộc họp để thông qua nghị quyết của các nhóm vấn đề sau:

– Nhóm vấn đề về quản trị, điều hành công ty: Sửa đổi, bổ sung nội dung của Điều lệ công ty; Định hướng phát triển công ty; Tổ chức lại, giải thể công ty

– Nhóm vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế của công ty: Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác; Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;

– Nhóm vấn đề về nhân sự quản lý cấp cao trong công ty: Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;

Có thể thấy, đối với những vấn đề quan trọng liên quan đến sự tồn tại và phát triển của công ty thì các thành viên Đại hội đồng cổ đông phải biểu quyết ý kiến tại cuộc họp. Sở dĩ pháp luật quy định như vậy để các cổ đông có thể có cơ hội được trực tiếp thể hiện, bày tỏ rõ ràn quan điểm của mình về các vấn đề cấp thiết.

Ngoài những vấn đề kể trên, Đại hôi đồng cổ đông có thể linh hoạt lựa chọn giữa hình thức biểu quyết tại cuộc họp hay lấy ý kiến bằng văn bản để thông qua nghị quyết.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG