Dịch vụ tư vấn mua bán doanh nghiệp theo hình thức mua bán tài sản

Có nhiều hình thức cho các bên có thể áp dụng trong một thương vụ mua bán doanh nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật Hồng Bàng xin được giới thiệu việc mua bán doanh nghiệp theo hình thức mua bán tài sản. Thông thường việc thâu tóm này được thể hiện thông qua hai hình thức thâu tóm bất động sản và thâu tóm bộ phận kinh doanh:

Đại dịch COVID-19, 'kỳ đà cản mũi' các thương vụ M&A trên toàn cầu?

Thâu tóm bất động sản

Có ba hình thức thâu tóm bất động sản gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đó là:

  • Bất động sản của một doanh nghiệp là tài sản được hình thành không phải từ dự án đầu tư do Nhà nước phê duyệt mà từ nguồn sở hữu cá nhân (ví dụ như tài sản góp vốn của các cổ đông/thành viên góp vốn cá nhân) thì các bên tiến hành chuyển nhượng theo các thủ tục về chuyển nhượng bất động sản áp dụng đối với quyền sở hữu riêng của tổ chức, cá nhân; 
  • Bất động sản được hình thành từ dự án đầu tư do Nhà nước cho thuê đất hoặc giao đất theo dự án, các bên thường sử dụng hình thức chuyển nhượng dự án để nhận tài sản gắn liền với đất cũng như quyền sử dụng đất theo các quy định của Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở; 
  • Trong trường hợp dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, các bên thường lựa chọn hình thức mua bán vốn điều lệ của doanh nghiệp là chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư có liên quan đến bất động sản. Vì đối tượng của giao dịch là bất động sản nên thay vì thẩm định quá trình thành lập, hoạt động, quản lý doanh nghiệp, bên mua sẽ tập trung xem xét kỹ các khía cạnh pháp lý của dự án và bất động sản dự định mua.

Thâu tóm bộ phận kinh doanh

Việc thâu tóm bộ phận kinh doanh thường được thực hiện thông qua một trong hai hình thức: Mua vốn điều lệ; hoặc mua tài sản là động sản – mua tài sản hữu hình (như dây chuyền sản xuất, máy móc) hoặc vô hình (như thương hiệu, bản quyền, đội ngũ nhân sự, kênh phân phối). Trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện việc thâu tóm bộ phận kinh doanh, việc thâu tóm này cũng tương tự như mua bán tài sản thông qua hình thức sở hữu vốn điều lệ thì doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm sau:

  • Thẩm định lao động: Việc thẩm định cần bao gồm những vấn đề sau:
    • Lao động chủ chốt (key personnel): Trong quá trình thẩm định về lao động, bên mua cần xác định và lập danh sách lao động chủ chốt bao gồm: Chức vụ, thời gian làm việc, kinh nghiệm công tác, chuyên môn nghiệp vụ, loại hợp đồng lao động đang ký kết, v.v.. Việc yêu cầu các lao động chủ chốt cam kết tiếp tục làm việc tại bộ phận kinh doanh và giao kết hợp đồng lao động mới với bên mua là một trong các điều kiện tiên quyết mà bên mua thường yêu cầu bên bán phải bảo đảm trong giao dịch. 
    • Phương án xử lý khi chuyển giao lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động: Xác định khả năng chuyển giao lao động, xác định phương thức chuyển giao, các chế độ phải chi trả cho người lao động, hậu quả pháp lý trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
    • Đội ngũ nhân sự quyết định việc vận hành và kinh doanh thành công một bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là bộ phận kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Do vậy, bên cạnh việc đánh giá mức độ ổn định của nhân sự làm việc tại bộ phận kinh doanh, bên bán cũng cần thiết phải xem xét việc đào tạo nhân viên như tài liệu đào tạo nhân viên được áp dụng, quy trình đào tạo, v.v.. 
  • Thẩm định hợp đồng:

Những câu hỏi cụ thể mà bên mua cần đặt ra là: Hợp đồng đang được thực hiện là hợp đồng vãng lai hay hợp đồng thường xuyên? Doanh thu thu được từ các hợp đồng, khả năng ký kết/chuyển giao hợp đồng sau khi mua lại, mối quan hệ mà bên bán đã thiết lập được với khách hàng, v.v.. Trên cơ sở đó, bên mua sẽ xác định những hợp đồng cần tiếp tục được duy trì như là một điều kiện tiên quyết của giao dịch mua bán.

  • Thẩm định tài chính

Một vấn đề quan trọng trong quá trình thẩm định mua bộ phận kinh doanh là tình trạng kinh doanh (lỗ, lãi) của bộ phận này. Để có thể xem xét và đánh giá vấn đề tài chính của bộ phận kinh doanh, bên mua cần phân tích báo cáo tài chính của bên bán, đặc biệt phải tách bạch hoạt động kinh doanh của bộ phận kinh doanh với các hoạt động kinh doanh khác của bên bán.

  • Thẩm định tài sản

Thông thường, bộ phận kinh doanh được mua bán hoạt động một cách độc lập với doanh nghiệp bán. Địa điểm để triển khai hoạt động của bộ phận kinh doanh có thể do bên bán thuê của một bên thứ ba hoặc thuộc quyền sử dụng của bên bán. Vì thế, khi thẩm định tài sản của bộ phận kinh doanh, bên mua cũng cần rà soát và đánh giá hợp đồng thuê địa điểm đã được bên bán xác lập với bên thứ ba hoặc các tài liệu chứng minh địa điểm đó thuộc quyền sở hữu/quyền sử dụng của bên bán, từ đó xác định phươngán xử lý và chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

  • Chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ

Đối với các tài sản là quyền sở hữu trí tuệ như quyền khai thác thương mại đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, quyền tác giả đối với tác phẩm, khi chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, bên mua và bên bán cần thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ bao gồm chuyển nhượng quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và chuyển quyền sử dụng các đối tượng này. 

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53  hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email:  lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!