Một số vấn đề lý luận về đương sự trong vụ án dân sự

Đương sự là một khái niệm pháp lý đặc thù của lĩnh vực tố tụng tại Tòa án, thể hiện mối quan hệ đặc biệt quan trọng đối với vụ án, bao gồm cả vụ án dân sự, hành chính, hình sự, lao động, kinh tế… Trong vụ án dân sự cũng vậy, đương sự được coi là chủ thể quan trọng, nếu thiếu chủ thể này thì vụ án dân sự không thể phát sinh.

Việc ra đời BLTTDS 2015 là một thành quả quan trọng, đã đánh dấu sự ra đời của hệ thống các chế định quy định về thủ tục TTDS tại Tòa án, trong đó có các quy phạm quy định rõ ràng về các vấn đề pháp lý của đương sự. Điều này nói lên ý nghĩa quan trọng của việc xác định thành phần, tư cách đương sự trong VADS, góp phần vào việc bảo vệ quyền và nghĩa vụ dân sự chính đáng của họ.

Đây cũng là cơ sở quan trọng cho quá trình giải quyết VADS một cách chính xác, khách quan. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này lại chưa được hiểu rõ đồng thời còn nhiều vướng mắc. Để làm rõ kiến thức pháp luật về vấn đề này, chúng tôi đưa ra một số tìm hiểu liên quan đến vấn đề lý luận về đương sự trong vụ án dân sự như sau:

1. Khái niệm, đặc điểm đương sự trong vụ án dân sự

1.1 Khái niệm đương sự trong vụ án dân sự
Theo từ điển Tiếng Việt,đương sự” được hiểu “là người, là đối tượng trong một sự việc nào đó được đưa ra giải quyết”. Theo BLTTDS 2015, đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan tổ chức bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan . Như vậy có thể hiểu đương sự trong VADS là những người tham gia vào giải quyết VADS nhằm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
1.2. Đặc điểm đương sự trong vụ án dân sự
Đương sự trong VADS là người tham gia TTDS, vậy nên đương sự có đầy đủ các đặc điểm của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, so với người tham gia TTDS, đương sự trong VADS còn có những đặc điểm riêng sau:

  • Thứ nhất, đương sự trong VADS là chủ thể của quan hệ pháp luật nội dung có quyền lợi ích bị xâm phạm hoặc cần được xác định trong VADS.
    • Sự liên quan về quyền, lợi ích của đương sự đối với quá trình giải quyết VADS có thể trực tiếp hoặc gián tiếp. Đương sự có thể mong muốn tham gia hoặc buộc phải tham gia vào hoạt động tố tụng do việc “khởi động” vụ án của nguyên đơn hoặc người yêu cầu và được tòa án thụ lý giải quyết.
  • Thứ hai, đương sự là chủ thể có quyền tự định đoạt việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Đây là cơ sở để phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quá trình giải quyết VADS.
    • Khác với các chủ thể khác, chỉ có đương sự mới có quyền tự định đoạt trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tố tụng.

2. Cơ sở xác định tư cách tham gia của tố tụng của đương sự
Xác định tư cách đương sự trong VADS sẽ giúp cho các đương sự có thể chủ động thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, giúp cho Tòa án có thể giải quyết vụ án nhanh chóng, khách quan, toàn diện. Hơn hết, khi đương sự hiểu được quy định pháp luật liên quan đến địa vị của mình thì họ có thể sử dụng quyền, nghĩa vụ của mình một cách triệt để.

2.1. Xác định tư cách của đương sự dựa vào quyền khởi kiện
Quyển khởi kiện là một trong những quyền tố tụng cơ bản không thể tách rời của con người, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Quyền khởi kiện là cơ sở làm phát sinh VADS do các cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước thuộc lĩnh vực cơ quan, tổ chức mình phụ trách. Dựa vào quyền khởi kiện, tư cách của đương sự được xác định bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2.2. Xác định tư cách của đương sự dựa vào sự liên quan về quyền, nghĩa vụ giữa các đương sự

Xác định tư cách của đương sự dựa vào sự liên quan về quyền, nghĩa vụ giữa các đương sự là việc căn cứ vào mối quan hệ tranh chấp giữa các bên liên quan trong VADS để chỉ ra địa vị tố tụng của họ trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Căn cứ vào sự liên quan về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự việc xác định tư cách đương sự được thực hiện như sau:

  • Nguyên đơn là người cho rằng có quyền và lợi ích bị xâm phạm.
  • Bị đơn là người tham gia tố tụng theo yêu cầu của nguyên đơn vị bị cho rằng có nghĩa vụ đối với nguyên đơn do xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
  • Người có quyền, nghĩa vụ liên quan là người, trong quá trình xem xét mối quan hệ tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn, Tòa án xét thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền và lợi ích của người thứ ba thì họ được đưa vào tham gia vào quá trình giải quyết vụ án với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng không độc lập.

2.3. Xác định tư cách của đương sự dựa vào thời điểm Tòa án thu lý giải quyết tranh chấp
Ngoài hai căn cứ nêu trên, thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp VADS cũng là cơ sở để xác định tư cách của đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp là một mốc thời gian mà kể từ điểm mốc đó Tòa án bắt đầu tiến hành giải quyết tranh chấp thông qua việc thụ lý đơn khởi kiện. Xác định tư cách đương sự dựa vào thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết là khái niệm được sử dụng trong quan hệ TTDS vì chỉ khi vụ án được xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng mới xét đến việc xác định tư cách đương sự dựa vào thời điểm giải quyết tranh chấp.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!