Lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Theo quy định tại Điều 116 của Bộ luật dân sự 2015 “giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Từ quy định tại điều luật này có thể xác định rằng kết quả của việc xác lập giao dịch dân sự là làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Ngoài ra, để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp lý thì khi xác lập giao dịch phải tuân thủ những điều kiện do pháp luật quy định. Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định cụ thể về những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau: 

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu theo BLDS 2015 - Luật Nhân Dân

Như vậy, Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện như: người tham gia giao dịch dân sự có năng lực hành vi dân sự, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không được trái quy định pháp luật, trái với đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; hình thức giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật:

Thứ nhất, về điều kiện chủ thể. 

  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự:

(i) Về năng lực pháp luật dân sự

Theo quy định tại Điều 16 Bộ luật dân sự về năng lực pháp luật dân sự của cá nhân: 

“1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”.

Như vậy, theo quy định trên thì năng lực pháp luật dân sự của cá nhân xuất phát từ khi sinh ra, cá nhân đã có quyền và nghĩa vụ dân sự, là khả năng, là tiền đề, điều kiện cần thiết để công dân có quyền, có nghĩa vụ. Năng lực pháp luật dân sự là thành phần không thể thiếu được của cá nhân với tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế bởi bất cứ lý do nào (độ tuổi, địa vị xã hội, giới tính, tôn giáo, dân tộc…). Mọi cá nhân công dân đều có khả năng hưởng quyền như nhau và gánh chịu nghĩa vụ như nhau. 

Nhà nước không cho phép công dân tự hạn chế năng lực pháp luật của chính họ và của cá nhân khác. Năng lực pháp luật của cá nhân là thuộc tính nhân thân của chủ thể và không thể dịch chuyển cho chủ thể khác. Điều 18 BLDS quy định: “năng lực pháp luật của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”. Như vậy, năng lực pháp luật của cá nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật. 

(ii) Về năng lực hành vi dân sự của cá nhân 

Điều 19 Bộ luật dân sự cũng quy định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân như sau: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. 

Năng lực hành vi dân sự được hiểu là khả năng của chủ thể do pháp luật quy định, bằng hành vi và theo ý chí của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân sự của chủ thể bao gồm khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền dân sự và thực hiện nghĩa vụ dân sự cụ thể; khả năng tự chịu trách nhiệm bằng tài sản về hành vi của mình, bao gồm cả hành vi hợp pháp và hành vi bất hợp pháp.

Đối với năng lực pháp luật của cá nhân, từ khi sinh ra, cá nhân đã có quyền và nghĩa vụ dân sự. Nhưng khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự không phát sinh đồng thời với thời điểm cá nhân có được các quyền và nghĩa vụ dân sự đó. Để tự mình thực hiện được quyền và nghĩa vụ dân sự của bản thân, cá nhân phải có khả năng nhân thức và làm chủ được hành vi mà cá nhân xác lập trong các quan hệ pháp luật dân sự. Điều này sẽ bảo đảm được quyền lợi của chính cá nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự và cũng bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. 

Các quy định của Bộ Luật dân sự đưa ra cách suy đoán pháp lý về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của cá nhân về cơ bản dựa trên yếu tố độ tuổi, ngoài ra, trong một số trường hợp là dựa vào những yếu tố khác. Do đó sự phân biệt về khả năng nhận thức của mỗi cá nhân, năng lực hành vi dân sự của cá nhân được chia thành các mức độ khác nhau giữa các cá nhân khác nhau như sau:

    • Năng lực hành vi dân sự của người thành niên;

    • Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên;

    • Năng lực hành vi dân sự của người Mất năng lực hành vi dân sự;

    • Năng lực hành vi dân sự của Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện

Bản chất của giao dịch dân sự là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, cho nên “tự nguyện” bao gồm các yếu tố cấu thành là tự do ý chí và bày tỏ ý chí. Không có tự do ý chí và bày tỏ ý chí không thể có tự nguyện, nếu một trong hai yếu tố này không có hoặc không thống nhất cũng không thể có tự nguyện. Sự tự nguyện của một bên (hành vi pháp lý đơn phương) hoặc sự tự nguyện của các bên trong một quan hệ dân sự (hợp đồng) là một trong các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 BLDS 2015: Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Vi phạm sự tự nguyện của chủ thể là vi phạm pháp luật. Vì vậy, giao dịch dân sự thiếu sự tự nguyện không làm phát sinh hậu quả pháp lý. 

Bộ luật dân sự quy định một số trường hợp giao dịch dân sự xác lập không có sự tự nguyện sẽ bị vô hiệu. Đó là các trường hợp vô hiệu do giả tạo; do nhầm lẫn; do bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép; do xác lập tại thời điểm mà không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

Thứ hai, về điều kiện mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không được trái quy định pháp luật

Để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật là những quy định không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Chỉ những tài sản được phép giao dịch, những công việc được phép thực hiện không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của giao dịch dân sự. Những giao dịch xác lập nhằm trốn tránh pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội là những giao dịch dân sự có mục đích và nội dung không hợp pháp, không làm phát sinh hiệu lực pháp luật của giao dịch dân sự đó.

Thứ ba, về điều kiện hình thức giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật

Trong nội dung về hình thức giao dịch, tại quy định của Bộ luật dân sự 2015 số 91/2015/QH13 có yêu cầu cụ thể về hình thức giao dịch với quy định của pháp luật. Tại Điều 119 như sau:

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Như vậy, ta có thể thấy giao dịch dân sự cũng được quy định những hình thức riêng để giao dịch đó được hợp pháp hóa về hình thức như sau: Các giao dịch có thể thực hiện thông qua các hình thức như lời nói, văn bản hoặc cũng có thể được thực hiện bằng những hành vi, hành động cụ thể. Hiện nay, một số phương thức thông qua mạng điện tử cũng đã được công nhận là một trong những hình thức thực hiện giao dịch dân sự.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53  hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email:  lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!