Khi các vấn đề về Sở hữu trí tuệ ngày càng được thắt chặt trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng thì việc tìm hiểu về kiểu dáng công nghiệp và cách thức bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cũng tăng lên như một xu hướng tất yếu. Bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng sẽ mang tới cho Quý Khách hàng cái nhìn tổng quan về vấn đề này.
1. Tổng quan về kiểu dáng công nghiệp
Nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư một lượng thời gian và nguồn lực đáng kể để cải thiện kiểu dáng sản phẩm của họ nhằm:
Làm cho sản phẩm phù hợp với các nhóm khách hàng cụ thể: Những sửa đổi nhỏ đối với kiểu dáng của sản phẩm (ví dụ: Đồng hồ) có thể làm cho chúng phù hợp với từng độ tuổi, nét văn hoá hoặc các nhóm khách hàng cụ thể. Trong khi chức năng chính của sản phẩm có thể không thay đổi nhưng các nhóm khách hàng khác nhau có thể ưa thích các kiểu dáng sản phẩm khác nhau.
Nhắm đến một thị trường, một nhóm khách hàng mới: Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, một công ty có thể phải tìm kiếm, tiếp cận thị trường mục tiêu mới bằng cách giới thiệu sản phẩm có kiểu dáng sáng tạo để phân biệt sản phẩm của công ty mình với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Điều này có thể được áp dụng cho cả các sản phẩm thông dụng hàng ngày như dụng cụ nhà bếp hoặc các sản phẩm có giá trị cao như xe ô tô, đồ trang sức, máy tính…
Nâng cao thương hiệu: Thay đổi, sáng tạo kiểu dáng thường được các công ty kết hợp với các nhãn hiệu có khả năng phân biệt cao để nâng cao thương hiệu của họ. Nhiều công ty đã thành công trong việc nâng cao hình ảnh thương hiệu của họ thông qua việc tập trung mạnh mẽ vào việc cải thiện kiểu dáng sản phẩm.
Trong ngôn ngữ hàng ngày, “kiểu dáng công nghiệp” nhìn chung đề cập đến hình dáng bên ngoài và chức năng tổng thể của một sản phẩm. Ví dụ, một chiếc ghế mây được coi là “có kiểu dáng đẹp” nếu ta thấy thoải mái khi ngồi vào và nhìn thấy bắt mắt. Do vậy, đối với doanh nghiệp, kiểu dáng sản phẩm nhìn chung hàm ý đến việc phát triển các đặc điểm mang tính chức năng và thẩm mỹ của sản phẩm, có lưu ý đến các vấn đề khác như khả năng tiếp cận thị trường và chi phí sản xuất sản phẩm hoặc sự thuận tiện trong việc vận chuyển, lưu giữ, sửa chữa và chuyển nhượng.
Theo tinh thần của pháp luật sở hữu trí tuệ, Luật mẫu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) định nghĩa “Kiểu dáng công nghiệp là bất kỳ kiểu dáng đường nét hoặc màu sắc của khối ba chiều tạo ra vẻ bề ngoài của sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp có thể dùng làm mẫu để sản xuất sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp”.
Theo đó, “kiểu dáng công nghiệp” chỉ đề cập đến các khía cạnh thẩm mỹ hoặc hình dáng bên ngoài của sản phẩm. Nói cách khác, nó chỉ đề cập đến hình dáng bên ngoài của một chiếc ghế hoặc một chiếc máy tính. Mặc dù kiểu dáng của sản phẩm có thể bao gồm các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng, thì kiểu dáng công nghiệp – với tư cách là một đối tượng sở hữu trí tuệ chỉ đề cập đến đặc điểm thẩm mỹ của sản phẩm hoàn chỉnh và do đó, khác với các đặc điểm kỹ thuật hoặc chức năng bất kỳ. Bên cạnh đó, theo quy tắc chung, kiểu dáng công nghiệp gồm các đặc điểm ba chiều, như hình dáng của sản phẩm, các đặc điểm hai chiều như các trang trí, hoạ tiết và đường nét hoặc màu sắc, hoặc sự kết hợp của hai hay nhiều yếu tố này.
Tại Việt Nam, theo khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019), kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Kiểu dáng công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nhiều loại sản phẩm được sản xuất hàng loạt cũng như các sản phẩm thủ công riêng lẻ: từ các dụng cụ kỹ thuật y tế đến các sản phẩm xa xỉ; từ các đồ dùng gia dụng, đồ chơi, đồ gỗ và thiết bị điện đến xe hơi, các tác phẩm kiến trúc; từ kiểu dáng hàng dệt may đến dụng cụ thể thao. Kiểu dáng công nghiệp cũng được áp dụng cho bao bì và hộp đựng sản phẩm.
2. Một số vấn đề về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
2.1. Tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Có nhiều lý do quan trọng để doanh nghiệp bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của họ, gồm:
Thứ nhất, kiểu dáng của một sản phẩm thường là yếu tố tạo ra sự hấp dẫn hoặc cuốn hút đối với khách hàng và sự hấp dẫn hữu hình là yếu tố chính trong việc quyết định lựa chọn sản phẩm này thay vì sản phẩm khác của khách hàng. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đặc biệt quan trọng đối với các chủng loại hàng hoá có cùng chức năng nhưng có đa dạng sản phẩm như bàn chải tóc, dao, đèn, xe ô tô, máy tính… Do tầm quan trọng về thương mại của kiểu dáng đối với sự thành công của sản phẩm trên thương trường, việc bảo hộ kiểu dáng khỏi hành vi sao chép và bắt chước của đối thủ cạnh tranh là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của nhà sản xuất hoặc đơn vị thiết kế sản phẩm.
Thứ hai, kiểu dáng công nghiệp đẹp chính là tài sản của doanh nghiệp, giúp tăng giá trị thương mại của công ty và sản phẩm của họ. Với tư cách là một tài sản của công ty, kiểu dáng công nghiệp phải được quản lý, kiểm soát và bảo hộ đầy đủ.
Thứ ba, kiểu dáng công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tiếp thị thành công một loạt sản phẩm, giúp xác định hình ảnh thương hiệu của công ty. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bảo đảm sự độc quyền đối với việc sử dụng chúng và là nhân tố chính trong chiến lược tiếp thị – kinh doanh của công ty.
Thứ tư, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có thể tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho các doanh nghiệp thông qua việc thu phí chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng) kiểu dáng cho người khác hoặc thông qua bán quyền của kiểu dáng đã được đăng ký bảo hộ.
2.2. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Ở hầu hết các quốc gia, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thông qua việc đăng ký. Cũng tương tự như sáng chế, nhiều nước đòi hỏi kiểu dáng công nghiệp phải có tính mới và phạm vi mà tính mới bị ảnh hưởng (quốc gia hay quốc tế). Tuy nhiên, tiêu chuẩn của tính mới cũng thay đổi hoặc theo tính mới trong nước hoặc theo tính mới thế giới.
Tại Việt Nam, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, gồm: Có tính mới; Có tính sáng tạo; và Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Trong đó, theo Điều 65 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, tính mới của kiểu dáng công nghiệp được hiểu là:
1) Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
2) Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
3) Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
4) Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;
b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng (theo Điều 66 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp (theo Điều 67 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
Khả năng áp dụng công nghiệp được xem là một đặc điểm then chốt trong việc đăng ký kiểu dáng. Một số nước coi sản phẩm thủ công – mỹ nghệ không thuộc phạm vi được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp và quy định các sản phẩm thủ công – mỹ nghệ được bảo hộ theo luật quyền tác giả. Nhưng cũng thuộc lĩnh vực trên, ở một số nước pháp luật lại quy định một sản phẩm có thể được bảo hộ theo cả quyền tác giả và kiểu dáng công nghiệp. Kiểu dáng được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp nếu nó được thể hiện theo hình dáng riêng của một sản phẩm mà hình dáng của nó là mới hoặc nguyên gốc.
Theo Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp, gồm:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra còn có các quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định chỉ công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh. Như vậy đối với những kiểu dáng công nghiệp trái với đạo đức; trái với thuần phong mỹ tục như cổ vũ phân biệt chủng tộc hay bạo lực, … sẽ không được bảo hộ sở hữu công nghiệp.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) là đầu mối tiếp nhận đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam. Cục Sở hữu trí tuệ chỉ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp duy nhất cho người nộp đơn sớm nhất trong số những người cùng nộp đơn và đối tượng đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ (nguyên tắc nộp đơn đầu tiên).
Việc đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được thực hiện theo Hiệp định Hague về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp năm 1925 do WIPO quản lý. Theo đó, việc đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có thể được thực hiện ở Văn phòng Quốc tế của WIPO hoặc trực tiếp hoặc thông qua trung gian là Văn phòng sở hữu công nghiệp quốc gia của nước thành viên là xuất xứ nếu pháp luật của nước đó quy định.
Khi kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thông qua đăng ký, chủ sở hữu được cấp độc quyền chống lại việc sao chép và bắt chước trái phép của bên thứ ba. Quyền này bao gồm quyền ngăn cấm tất cả những người khác sản xuất, chào bán, nhập khẩu, xuất khẩu và bán hàng hoá bất kỳ chứa hoặc sử dụng kiểu dáng đã được đăng ký. Pháp luật và thực tiễn của nước hoặc khu vực xác định phạm vi bảo hộ thực tế của quyền đối với kiểu dáng đã được đăng ký.
Những kiểu dáng “nhái lại một cách gian dối hay rõ ràng” kiểu dáng đã đăng ký thì đều bị coi là vi phạm. Hành vi bắt chước một cách rõ ràng được hiểu là việc bắt chước một kiểu dáng về những chi tiết không giống tuyệt đối nhưng là một bản sao lại rõ ràng kiểu dáng của người khác đã được pháp luật bảo hộ mà một người bình thường cũng có thể nhận biết được bằng mắt thường. Hành vi bắt chước một cách gian dối được hiểu là sự bắt chước được thực hiện trên cơ sở có sự tính toán, có chủ định của người bắt chước kiểu dáng công nghiệp của người khác đã được đăng ký và kiểu dáng được tạo thành do bắt chước mà có được cũng dễ dàng nhận ra bằng mắt thường.
Trong quá khứ, khả năng bảo hộ kiểu dáng đối với các sản phẩm được sản xuất công nghiệp liên quan đến các đối tượng như hình dáng của giày, kiểu dáng của vòng trang sức hoặc hoa văn của cốc uống nước. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, phạm vi bảo hộ đang dần được mở rộng ra nhiều sản phẩm hơn và nhiều kiểu dáng khác nhau. Những kiểu dáng ngày nay bao gồm các đối tượng như các biểu tượng trên màn hình điện tử được các mã máy tính tạo ra, các kiểu chữ nghệ thuật hoặc các hiển thị hình hoạ trên màn hình máy tính, các thiết bị điện tử gia dụng hoặc điện thoại di động.
Trên đây là bài viết chi tiết về Kiểu dáng công nghiệp và một số vấn đề về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam của Luật Hồng Bàng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.