Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những quy định bắt buộc mà doanh nghiệp phải thực hiện khi kết thúc năm tài chính. Vậy hiểu như thế nào về việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp? Hồ sơ thủ tục như thế nào? Có những lưu ý gì khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp? Bài viết sau đây của Luật Hồng Bàng sẽ giúp quý khách làm sáng tỏ những vấn đề về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

1. Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Quyết toán thuế doanh nghiệp là một nghiệp vụ kế toán quan trọng và bắt buộc của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, nhân viên kế toán sẽ thực hiện kê khai doanh thu thu nhập từ các hoạt động kinh doanh, sản xuất các hàng hóa hoặc dịch vụ theo luật quy định để tiến hành nộp thuế cho nhà nước.

Căn cứ theo quy định tại Điều 12, Thông tư số 156/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm và khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động.

2. Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp?

Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ban hành ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:

2.1. Đối với tổ chức, doanh nghiệp xác định được thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Trường hợp 1. Đối với doanh nghiệp Việt Nam sản xuất kinh doanh ngành nghề nói chung

Doanh nghiệp Việt Nam sản xuất kinh doanh ngành nghề nói chung thì tiến hành thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ cụ thể như sau:

  1. Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo Mẫu số 03/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính;
  2. Báo cáo tài chính năm quyết toán, hoặc BCTC đến thời điểm có quyết định giải thể, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt hoạt động;
  3. Các phụ lục thuộc danh sách sau tùy thuộc vào tình hình cụ thể của doanh nghiệp:
  • Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh theo mẫu số 03-1A/TNDN (doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ), mẫu số 03-1B/TNDN (doanh nghiệp ngành ngân hàng, tín dụng), mẫu số 03-1C/TNDN (công ty chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán), tất cả những mẫu này được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục chuyển lỗ theo mẫu số 03-2/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
  • Mẫu số 03-3A/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở kinh doanh thành lập mới từ dự án đầu tư, cơ sở kinh doanh chuyển địa điểm, dự án đầu tư mới;
  • Mẫu số 03-3B/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư mở rộng;
  • Mẫu số 03-3C/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp sử dụng lao động dân tộc thiểu số, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng từ 10 đến 100 lao động nữ (số lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động có mặt, sử dụng thường xuyên) hoặc sử dụng trên 100 lao động nữ (số lao động nữ chiếm trên 30% số lao động có mặt thường xuyên).
  • Phụ lục số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp tại nước ngoài (đối với doanh nghiệp có phát sinh thu nhập ngoài nước) được trừ trong kỳ tính thuế theo Mẫu số 03-4/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo Mẫu số 03-5/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục báo cáo trích, sử dụng quỹ khoa học và công nghệ (nếu có) theo Mẫu số 03-6/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục thông tin về giao dịch liên kết theo Mẫu số 03-7/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Phụ lục tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp có đơn vị sản xuất hạch toán phụ thuộc có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khác với địa phương nơi đặt trụ sở chính theo Mẫu số 03-8/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại nước ngoài: cần bổ sung thêm các hồ sơ khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trường hợp 2. Đối với doanh nghiệp có hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên

Theo quy định của pháp luật hiện hành, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên cần chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm:

  1. Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dầu khí theo Mẫu số 02/TNDN-DK ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính;
  2. Phụ lục chi tiết nghĩa vụ thuế của các nhà thầu dầu khí theo Mẫu số 01/PL-DK ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính;
  3. Báo cáo tài chính năm hoặc Báo cáo tài chính đến thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí.

Trường hợp 3. Hồ sơ quyết toán thuế đối với nhà thầu nước ngoài

Trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư ở nước ngoài, ngoài các hồ sơ nêu trên, doanh nghiệp phải bổ sung các hồ sơ, tài liệu theo hướng dẫn tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:

  • Chứng nhận cư trú hợp pháp hóa lãnh sự năm quyết toán;
  • Xác nhận ký kết trong hợp đồng từ các bên liên quan;
  • Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo Mẫu số 03-TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Hồ sơ miễn giảm thuế theo pháp luật: Nếu không làm đủ hồ sơ phải giải trình theo mẫu 03/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.

2.2. Đối với tổ chức, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu

Đối với tổ chức, doanh nghiệp kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính, hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:

  • Doanh nghiệp, tổ chức thuộc trường hợp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ khi khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo năm sẽ theo Mẫu số 04/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính;
  • Doanh nghiệp, tổ chức thuộc trường hợp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không phát sinh thường xuyên hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ sẽ kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh theo Mẫu số 04/TNDN được ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính và không phải khai quyết toán năm.

3. Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế doanh nghiệp?

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế doanh nghiệp được pháp luật quy định cụ thể như sau:

  • Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập: nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp;
  • Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có đơn vị trực hạch toán phụ thuộc: khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc.

4. Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:

  • Doanh nghiệp có năm tài chính trùng năm dương lịch, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Cụ thể là ngày 31/3/2022;
  • Doanh nghiệp có năm tài chính khác năm dương lịch, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính;
  • Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày xảy ra sự kiện.

Lưu ý: Doanh nghiệp có thể được gia hạn ngày nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thời gian doanh nghiệp được gia hạn thêm tối đa là 60 ngày. Để gia hạn thời gian nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải làm đơn đề nghị gia hạn trước khi hết hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

5. Hướng dẫn làm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp?

Quy trình, thủ tục khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo trình tự sau đây:

Bước 1: Lập hồ sơ và gửi đến cơ quan thuế

Doanh nghiệp thuộc diện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cần lập hồ sơ và gửi đến cơ quan thuế trong thời hạn quy định. Về thời hạn cụ thể, Luật quản lý thuế năm 2019 có quy định về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp như chúng tôi đã đề cập ở trên.

Tuy nhiên, hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp có thể được gia hạn ngày nộp thêm tối đa là 60 ngày. Để gia hạn thời gian nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục như sau:

  • Doanh nghiệp cần làm đơn đề nghị gia hạn trước khi hết hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Trình bày rõ lý do đề nghị gia hạn, có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an xã, phường, thị trấn hoặc công an nơi phát sinh trường hợp được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp;
  • Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đề nghị, cơ quan thuế sẽ có văn bản trả lời cho người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Lưu ý: Trường hợp Báo cáo tài chính của tổ chức, doanh nghiệp mà pháp luật quy định phải có kiểm toán thì phải nộp báo cáo kiểm toán kèm theo hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp qua mạng.

Bước 2. Cơ quan thuế tiếp nhận

Đối với trường hợp sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế thì trình tự thủ tục được quy định như sau:

  • Sau khi nhận được hồ sơ quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp, công chức thuế tiến hành tiếp nhận, đóng dấu tiếp nhận hồ sơ;
  • Tiếp đó ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ;
  • Cuối cùng công chức thuế ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.

Đối với trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu chính thì trình tự thủ tục được quy định như sau:

  • Sau khi nhận được hồ sơ quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp, công chức thuế tiến hành đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ;
  • Tiếp theo đó công chức thuế ghi vào số văn thư của cơ quan thuế.

Đối với trường hợp hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử thì trình tự thủ tục được quy định như sau: Sau khi nhận được hồ sơ quyết toán thuế thu nhập của doanh nghiệp, cơ quan thuế thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

6. Lưu ý khi làm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp?

Một số lưu ý khi doanh nghiệp thực hiện kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

  • Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế trong một số trường hợp cụ thể như sau:
  • Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua;
  • Đối với hoạt động vận tải hàng không là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ vận chuyển cho người mua;
  • Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua.
  • Doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ và từ hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, không bao gồm các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác.
  • Khi thực hiện kê khai thuế  thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp lưu ý xác định, kê khai đủ thông tin tại tờ khai quyết toán thuế  thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số Mẫu 03/TNDN và các phụ lục kèm theo tờ khai quyết toán thuế  thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Doanh nghiệp cần lưu ý đến một số chỉ tiêu trên tờ khai Mẫu 03/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính để tránh kê khai sai sót.
  • Xác định, kê khai thông tin giao dịch liên kết: Doanh nghiệp lưu ý xác định chính xác đối tượng phải kê khai, thực hiện kiểm soát và kê khai đầy đủ thông tin giao dịch liên kết, xác định đúng chi phí lãi vay được trừ (mức khống chế 30%) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hạn chế sai sót.
  • Xác định, kê khai giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP như sau:
  • Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp có doanh thu trong kỳ tính thuế không quá 200 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh nghiệp phải đáp ứng ba điều kiện sau:

(i) Thứ nhất, tổng doanh thu làm căn cứ xác định được giảm thuế nêu trên bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định;

(ii) Thứ hai, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm tính trên số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, sau khi đã trừ đi số thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo quy định;

(iii) Thứ ba, số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được tính trên toàn bộ thu nhập trong năm đó của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản thu nhập quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

  • Khi lập hồ sơ khai thuế, doanh nghiệp kê khai số thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm trên hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và trên phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm ban hành kèm theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP.
  • Chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết thì tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ thì không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Phần chi phí lãi vay không được trừ này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo.
  • Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP.

Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có:

(i) Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện từ) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ;

(ii) Kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

  • Chi phí được trừ liên quan đến chi phí cách ly y tế, chi phí xét nghiệm Covid-19 được quy định tại Công văn 4110/TCT-DNNCN, bao gồm:

(i) Chi phí cách ly y tế do dịch Covid-19 ở trong nước và tại nước ngoài đối với trường hợp đi công tác tại nước ngoài (chi phí tiền ăn, tiền ở; chi phí xét nghiệm Covid-19; chi phí đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam hoặc từ nơi phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế; chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế; …) để thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

(ii) Các khoản chi phí xét nghiệm hoặc mua kit xét nghiệm Covid-19 cho người lao động, chi phí mua các thiết bị nhằm bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc;

(iii) Chi phí ăn, ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” thì các khoản chi phí này được tính vào chi phí được trừ khi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Lưu ý: Các khoản chi phí nêu trên phản ánh thực tế phát sinh và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định của pháp luật.

7. Cơ sở pháp lý

  • Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2020;
  • Luật quản lý thuế năm 2019 ban hành ngày 13/06/2019;
  • Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị Định số 12/2015/NĐ-CP ban hành vào ngày 12/02/2015 của Chính phủ, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC, Thông tư số 119/2014/TT-BTC, Thông tư số 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính;
  • Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn chế độ kế toán của doanh nghiệp của Bộ Tài chính.

Trên đây là bài viết chi tiết hướng dẫn vấn đề quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của Luật Hồng Bàng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!  

Công ty Luật Hồng Bàng./.