Thuế thu nhập doanh nghiệp là sắc thuế đánh vào thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải nộp đầy đủ và đúng hạn. Hàng tháng hoặc hàng quý, doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quy định. Trong bài viết này, Luật Hồng Bàng hướng dẫn bạn đọc kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quy định hiện hành.
1. Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính
Thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính là khoản tiền thuế doanh nghiệp tạm đóng hàng tháng, hàng quý căn cứ vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính được xác định như sau:
- Hàng quý, doanh nghiệp căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh quý để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính của quý đó. Cần chú ý thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu năm sau.
- Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm đó.
- Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thiếu so với số thuế tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền nộp chậm tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày liền kề sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp thuế còn thiếu thực tế.
2. Cách hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính
Hàng quý, sau khi xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo quy định của Luật thuế TNDN, kế toán phải phản ánh số thuế TNDN tạm tính, hạch toán như sau:
- Nợ TK 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành
- Có TK 3334 – Thuế TNDN.
Khi thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, kế toán ghi:
- Nợ TK 3334 – Thuế TNDN.
- Có TK: 111, 112,…
Cuối năm tài chính, dựa vào số thuế TNDN thực tế doanh nghiệp phải nộp theo Tờ khai quyết toán thuế hoặc số thuế do cơ quan thuế thông báo phải nộp:
Nếu số thuế TNDN thực tế phải nộp lớn hơn số thuế TNDN tạm nộp (tức nộp thiếu), kế toán hạch toán.
- Nợ TK 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành.
- Có TK 3334 – Thuế TNDN.
Khi đi nộp tiền thuế TNDN vào ngân sách nhà nước, hạch toán:
- Nợ TK 3334 – Thuế TNDN.
- Có TK 111,112,…
Trường hợp số thuế TNDN phải nộp thực tế nhỏ hơn số thuế TNDN tạm nộp (tức là nộp thừa), kế toán hạch toán:
- Nợ TK 3334 – Thuế TNDN.
- Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
Cuối kỳ kế toán, kế toán kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành:
Trường hợp TK 8211 có số dư bên Nợ lớn hơn số dư bên Có thì số chênh lệch ghi:
- Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
- Có TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
Trường hợp TK 8211 có số dư bên Nợ nhỏ hơn số dư bên Có thì hạch toán:
- Nợ TK 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
- Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh.
3. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính
Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất.
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định theo công thức sau:
Thuế TNDN phải nộp | = | Thu nhập tính thuế | X | Thuế suất thuế TNDN |
Trường hợp doanh nghiệp nếu có trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định như sau:
Thuế TNDN phải nộp | = | (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) | X | Thuế suất thuế TNDN |
- Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có): được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm.
- Thuế suất: Luật thuế TNDN sửa đổi đưa ra rất nhiều mức thuế suất: 20%, 22%… hoặc ưu đãi áp dụng cho từng doanh nghiệp khác nhau.
4. Cách ghi các chỉ tiêu trên tờ khai thuế TNDN tạm tính theo quý (Mẫu 01A/TNDN)
Mẫu 01A/TNDN là tờ khai thuế dành cho doanh nghiệp khai thuế theo thu nhập thực tế phát sinh. Dưới đây là hướng dẫn lập tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính trên phần mềm HTKK mới nhất theo Thông tư 156/2013/TT-BTC.
- [01] Kỳ tính thuế: Ghi rõ kỳ tính thuế trong năm là quý nào.
- [02] Lần đầu: Tích vào ô này khi thực hiện khai lần đầu hoặc khai thay đổi nội dung tờ khai lần đầu trong thời hạn nộp tờ khai.
- [03] Bổ sung lần thứ: Ghi lần khai bổ sung cho tờ khai chính thức.
- [04] Tên người nộp thuế: Ghi chính xác tên người nộp thuế như đã đăng ký trong tờ khai đăng ký thuế, không sử dụng tên viết tắt hay tên thương mại.
- [05] Mã số thuế: Ghi đầy đủ mã số thuế của NNT do cơ quan thuế cấp khi đăng ký thuế.
- [06] đến [08]: Ghi đúng địa chỉ, trụ sở của NNT như đã đăng ký với cơ quan thuế.
- [09] đến [11]: Ghi đầy đủ số điện thoại, số fax, địa chỉ email của NNT.
- [12] Tên đại lý thuế: Nếu NNT ký hợp đồng dịch vụ với Đại lý thuế để khai thuế thì ghi chính xác tên Đại lý thuế theo Hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế gửi cơ quan thuế.
- [13] Mã số thuế: Ghi đầy đủ mã số thuế của Đại lý thuế.
- [14] đến [16]: Ghi đúng địa chỉ, văn phòng trụ sở của Đại lý thuế theo Hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế gửi cho cơ quan thuế.
- [17] đến [19]: Ghi đầy đủ số điện thoại, số fax, địa chỉ email của Đại lý thuế theo Hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế gửi cơ quan thuế.
- [20] Hợp đồng đại lý thuế: Ghi số và ngày Hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế gửi cho cơ quan thuế.
- [21] Doanh thu phát sinh trong kỳ: Là doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ và các khoản thu nhập khác của doanh nghiệp phát sinh trong kỳ tính thuế.
- [22] Chi phí phát sinh trong kỳ: Là toàn bộ các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thực tế phát sinh liên quan đến doanh thu phát sinh trong kỳ tính thuế và có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- [23] Lợi nhuận phát sinh trong kỳ: Được xác định bằng doanh thu phát sinh trong kỳ trừ (-) chi phí phát sinh trong kỳ.
[23] = [21] – [22].
- [24] Điều chỉnh tăng lợi nhuận theo pháp luật thuế: chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ các điều chỉnh về doanh thu hoặc chi phí được ghi nhận theo chế độ kế toán, nhưng không phù hợp với quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, làm tăng tổng lợi nhuận phát sinh của cơ sở kinh doanh, ví dụ như: chi phí khấu hao tài sản cố định không đúng quy định. Chi phí lãi tiền vay vượt mức khống chế theo quy định, chi phí không có hoá đơn, chứng từ theo chế độ quy định, các khoản thuế bị truy thu và tiền phạt về vi phạm hành chính đã tính vào chi phí, chi phí không liên quan đến doanh thu, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp…
- [25] Điều chỉnh giảm lợi nhuận theo pháp luật thuế: Điều chỉnh giảm lợi nhuận theo pháp luật thuế phản ánh tổng số tiền của tất cả các khoản điều chỉnh dẫn đến giảm lợi nhuận phát sinh trong kỳ tính thuế như: lợi nhuận từ hoạt động không thuộc diện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm trừ các khoản doanh thu đã tính thuế quý trước, chi phí của phần doanh thu điều chỉnh tăng…
- [26] Thu nhập chịu thuế: Được xác định bằng lợi nhuận phát sinh trong kỳ cộng (+) điều chỉnh tăng lợi nhuận theo pháp luật thuế trừ (-) điều chỉnh giảm lợi nhuận theo pháp luật thuế.
[26] = [23] + [24] – [25].
- [27] Thu nhập miễn thuế: Là thu nhập được miễn trong kỳ tính thuế được xác định căn cứ vào điều kiện thực tế doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế.
- [28] Số lỗ chuyển kỳ này: Là số lỗ của kỳ trước và số lỗ của các năm trước chuyển sang theo quy định của pháp luật thuế.
- [29] Thu nhập tính thuế: Được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) thu nhập được miễn thuế trừ (-) số lỗ chuyển kỳ này.
[29] = [26] – [27] – [28].
- [30] Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp: Theo Nghị định số 92/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp có thu có tổng doanh thu năm < 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.
- [31] Thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến miễn, giảm: Là tổng hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến được miễn, giảm trong kỳ tính thuế được xác định căn cứ vào điều kiện thực tế doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế.
- [32] Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ: Được xác định bằng thu nhập tính thuế (x) nhân với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trừ (-) đi thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến miễn, giảm.
[32] = [29] x [30] – [31].
- [33]: Thu nhập tính thuế áp dụng thuế suất khác: Là thu nhập tính thuế đối với cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam.
- [33a]: Thuế suất khác: Là mức thuế suất TNDN áp dụng với các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam với mức 30% – 50%.
- [35]: Thuế TNDN dự kiến miễn, giảm: Là tổng số thuế TNDN dự kiến được miễn giảm trong kỳ tính thuế, gồm số thuế TNDN được miễn, giảm theo Luật thuế TNDN, theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và miễn, giảm khác nằm ngoài Luật thuế TNDN.
- [35a]: Số thuế TNDN được miễn, giảm theo Hiệp định
Là số thuế TNDN phát sinh trong kỳ tính thuế được miễn, giảm theo Hiệp định (nếu có). - [35b]: Là số thuế TNDN được miễn, giảm theo các quy định khác ngoài Luật Thuế TNDN phát sinh trong kỳ mà doanh nghiệp được hưởng (Nếu có).
5. Cách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính
Người nộp thuế thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước; cơ quan thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế; tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu thuế; ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật. Theo đó:
Người nộp thuế có thể nộp thuế bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Người nộp thuế phải ghi đầy đủ, chi tiết các thông tin trên chứng từ nộp tiền thuế do Bộ Tài chính quy định.
- Trường hợp người nộp thuế đến nộp tiền trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước phải xác nhận trên chứng từ nộp thuế về số thuế đã thu.
- Trường hợp người nộp thuế nộp bằng tiền mặt tại cơ quan thuế, ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu thuế: các tổ chức, cá nhân khi nhận tiền thuế phải cấp cho người nộp thuế chứng từ thu tiền thuế theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
- Trường hợp nộp thuế bằng chuyển khoản: Ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước phải xác nhận trên chứng từ nộp tiền thuế của người nộp thuế. Ngân hàng, tổ chức tín dụng phải phản ánh đầy đủ các nội dung của chứng từ nộp tiền thuế trên chứng từ phục hồi gửi Kho bạc Nhà nước nơi thu Ngân sách Nhà nước.
6. Cơ sở pháp lý
- Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14;
- Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014;
- Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và nghị định số 83/2013/NĐ-CP của chính phủ.
Trên đây là bài viết chi tiết Hướng dẫn kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính của Luật Hồng Bàng.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.