Giám đốc, Tổng giám đốc trong Doanh nghiệp Nhà nước có quyền và nghĩa vụ gì?

Giám đốc, Tổng giám đốc là chức vụ quản lý điều hành quen thuộc của mọi loại hình doanh nghiệp. Trong Doanh nghiệp Nhà nước, Giám đốc, Tổng giám đốc là người giữ vai trò hết sức quan trọng. Pháp luật không định nghĩa thế nào là Giám đốc, Tổng giám đốc nhưng đưa ra quy định về quyền hạn, nhiệm vụ và các vấn đề liên quan đến Giám đốc, Tổng giám đốc.

Giám đốc, Tổng giám đốc trong Doanh nghiệp Nhà nước là người quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng ngày của Doanh nghiệp Nhà nước, đại diện cho doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quy định bởi Điều lệ công ty, chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý, chủ sở hữu và pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê theo phương án nhân sự đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…) chấp thuận.

Theo Khoản 2 Điều 100 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Giám đốc, Tổng giám đốc trong Doanh nghiệp Nhà nước có các quyền, nghĩa vụ cơ bản sau:

Điều 100. Giám đốc, Tổng giám đốc và Phó giám đốc, Phó Tổng giám đốc

2. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nhiệm vụ điều hành các hoạt động hằng ngày của công ty và có quyền, nghĩa vụ sau đây:

a) Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, phương án kinh doanh, kế hoạch đầu tư của công ty;

b) Tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty;

c) Quyết định các công việc hằng ngày của công ty;

d) Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty đã được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chấp thuận;

đ) Bổ nhiệm, thuê, miễn nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người quản lý công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

e) Ký kết hợp đồng, giao dịch nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty;

g) Lập và trình Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện mục tiêu kế hoạch kinh doanh; báo cáo tài chính;

h) Kiến nghị phân bổ và sử dụng lợi nhuận sau thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;

i) Tuyển dụng lao động;

k) Kiến nghị phương án tổ chức lại công ty;

l) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.”

Như vậy, có thể chia quyền và nghĩa vụ của Giám đốc, Tổng giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước thành các nhóm sau:

1. TRIỂN KHAI CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ TRONG CÔNG TY VÀ CƠ QUAN ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU CÔNG TY.

Giám đốc, Tổng giám đốc là người tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, phương án kinh doanh, kế hoạch đầu tư của công ty. Đây là vai trò cơ bản và quan trọng nhất của Giám đốc, Tổng giám đốc. Hay nói cách khác, Giám đốc, Tổng giám đốc có vai trò đảm bảo doanh nghiệp đạt được lợi nhuận theo kế hoạch kinh doanh mà cơ quan quản lý điều hành đã đề ra. Vai trò của Giám đốc, Tổng giám đốc trong doanh nghiệp càng lớn thì khả năng doanh nghiệp có thể phát triển sản xuất, kinh doanh một cách ổn định, đảm bảo được hiệu quả càng cao và ngược lại, nếu vai trò này tỏ ra lỏng lẻo, hoặc chỉ mang tính hình thức, thì mục tiêu và kế hoạch mà cơ quan quản lý doanh nghiệp đã đề ra sẽ khó có khả năng đạt được.

Giám đốc, Tổng giám đốc là người tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty. Cơ quan quản lý, cơ quan đại diện chủ sở hữu công ty sẽ ban hành các văn bản mang tính chỉ thị liên quan tới những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp. Việc triển khai thực hiện các văn bản này sẽ do Giám đốc, Tổng giám đốc là đầu mối triển khai tổ chức và giám sát việc thực hiện.

Lập và trình Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo định kỳ hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện mục tiêu kế hoạch kinh doanh; báo cáo tài chính.

Kiến nghị phương án tổ chức lại công ty khi xét thấy cần thiết.

2. QUYẾT ĐỊNH CÁC CÔNG VIỆC HẰNG NGÀY CỦA CÔNG TY.

Đây là hoạt động chính của Giám đốc, Tổng giám đốc trong việc quản lý điều hành doanh nghiệp. Trước hết, trong phạm vi thẩm quyền được quy định trong Điều lệ phù hợp với quy định của pháp luật, Giám đốc, Tổng giám đốc được quyết định các vấn đề liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh hằng ngày của công ty. Điều này thể hiện thông qua hoạt động phê duyệt của Giám đốc, Tổng giám đốc tới việc thực hiện các công việc cụ thể phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý điều hành và cơ quan đại diện chủ sở hữu về quyết định của mình.

3. KÝ KẾT HỢP ĐỒNG, GIAO DỊCH NHÂN DANH CÔNG TY.

Đây là hoạt động thể hiện rõ nét tính đại diện của Giám đốc, Tổng giám đốc. Bởi theo quy định pháp luật thương mại, hợp đồng thương mại sẽ vô hiệu khi người ký hợp đồng không đúng thẩm quyền. Khi hợp đồng được ký bởi Giám đốc, Tổng giám đốc theo đúng thẩm quyền sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho công ty. Do đó hoạt động này có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động quản lý và điều hành công ty của Giám đốc, Tổng giám đốc. Tuy nhiên, hoạt động ký kết hợp đồng nhân danh công ty của Giám đốc, Tổng giám đốc vẫn có những phạm vi nhất định, căn cứ vào quy định của pháp luật và Điều lệ của công ty.

4. QUYẾT ĐỊNH CÁC CÔNG VIỆC NỘI BỘ, QUẢN LÝ NHÂN SỰ.

Giám đốc, Tổng giám đốc là người ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty đã được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chấp thuận. Điều này xuất phát từ thực tế Giám đốc, Tổng giám đốc là người thực hiện việc quản lý điều hành trực tiếp và sát sao, do đó, có đủ dữ liệu để đánh giá việc quy chế quản lý nội bộ hiện tại có hợp lý hay không và cần phải sửa đổi như thế nào để tạo điều kiện cho công ty có thể vận hành một cách khoa học và hiệu quả.

Bổ nhiệm, thuê, miễn nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người quản lý công ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.

Tuyển dụng lao động, phê duyệt các phương án bố trí, sử dụng lao động hợp lý phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp và năng lực của nhân sự.

5. HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH.

Trong Doanh nghiệp Nhà nước, Giám đốc, Tổng giám đốc là người kiến nghị phân bổ và sử dụng lợi nhuận sau thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty.

Ngoài những hoạt động cụ thể trên đây, Giám đốc, Tổng giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước còn có thể thực hiện những hoạt động khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG