Doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp được Nhà nước bảo đảm như thế nào?

Bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp được quy định tại Điều 5 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Đây có thể được coi là nguyên tắc trong quá trình ban hành và thực thi pháp luật từ phía Nhà nước. Vậy doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp được Nhà nước bảo đảm như thế nào? Luật Hồng Bàng xin giải đáp vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. DOANH NGHIỆP VÀ CHỦ SỞ HỮU DOANH NGHIỆP

Theo quy định tại Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”.

Đồng thời, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì Chủ sở hữu là chủ thể có các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với một tài sản, một khối tài sản được pháp luật thừa nhận. Như vậy, chủ sở hữu doanh nghiệp cũng được hiểu là chủ thể có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với doanh nghiệp đó, tài sản trong doanh nghiệp đó.

2. BẢO ĐẢM CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ CHỦ SỞ HỮU DOANH NGHIỆP

Điều 5 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

Điều 5. Bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp

1. Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật này; bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; công nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh.

2. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp.

3. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp thật cần thiết, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của doanh nghiệp thì được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc thanh toán, bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.”

Thứ nhất, nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật này; bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; công nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh.

Nhà nước công nhận có 05 loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp này khi thành lập cần đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Đây là thủ tục ghi nhận sự ra đời của doanh nghiệp về mặt pháp lý của Nhà nước. Sau khi hoàn tất thủ tục này, doanh nghiệp được Nhà nước bảo vệ, công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của mình.

Trong quá trình hoạt động của mình, doanh nghiệp sẽ tham gia vào các quan hệ trao đổi, mua bán trên thị trường. Các quan hệ này nảy sinh không chỉ giữa các doanh nghiệp trong cùng một thành phần kinh tế, cùng hình thức sở hữu mà cả giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, hình thức sở hữu khác nhau. Các quan hệ đó có tính chất vừa hợp tác với nhau, vừa cạnh tranh lẫn nhau. Sự hợp tác và cạnh tranh đó chỉ có thể phát triển một cách lành mạnh trong điều kiện các doanh nghiệp đều bình đẳng với nhau trước pháp luật. Quyền bình đẳng trước pháp luật được hiểu là các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế, trong cùng điều kiện, hoàn cảnh như nhau, có quyền và nghĩa vụ như nhau. Là một quyền chủ thể của doanh nghiệp, quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp đòi hỏi bình đẳng trong suốt thời gian tồn tại của nó, từ khi thành lập, đi vào hoạt động kinh doanh và khi giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Sự bình đẳng trước pháp luật trước hết thể hiện trong việc đăng ký doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp muốn thành lập doanh nghiệp đều phải tuân theo những điều kiện chung, những thủ tục pháp luật quy định về việc thành lập và đăng ký doanh nghiệp. Quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh là bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, trong ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng thương mại, trong cạnh tranh và giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp, trong thực hiện các nghĩa vụ thuế, đền bù thiệt hại và thực hiện trách nhiệm xã hội. Bình đẳng trong giải thể, phá sản doanh nghiệp là mọi doanh nghiệp, không phân biệt sở hữu hay hình thức tổ chức đều có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản khi đủ điều kiện, hay đăng ký giải thể doanh nghiệp một cách tự nguyện hoặc đều bị buộc phải thực hiện giải thể, phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Để mọi doanh nghiệp có quyền bình đẳng trong giải thể, phá sản, pháp luật quy định thống nhất về điều kiện giải thể, phá sản, thủ tục giải quyết yêu cầu giải thể, phá sản, thủ tục phân chia tài sản và các vấn đề liên quan khác.

Mục đích của doanh nghiệp là kinh doanh. Kinh doanh là hoạt động được thực hiện nhằm mục đích sinh lợi. Sinh lợi được hiểu là hoạt động kinh doanh nhằm tạo ra lợi nhuận và những lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội khác theo hướng tích cực. Trên cơ sở điều kiện vật chất – kỹ thuật sẵn có của mình, các doanh nghiệp luôn tìm mọi biện pháp thích hợp để thu được mức lợi nhuận tối đa. Tuy nhiên, mọi hoạt động sinh lợi của doanh nghiệp phải đảm bảo hợp pháp. Nếu kinh doanh trái pháp luật, thu lợi bất chính, chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý nặng nề.

Thứ hai, nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp.

Điều 32 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác” và “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Điều 5 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định: “Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp, nhà đầu tư”.

Thứ ba, tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp thật cần thiết, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của doanh nghiệp thì được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc thanh toán, bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

Quốc hữu hóa là quá trình chuyển từ hình thức sở hữu tư nhân về tài sản, doanh nghiệp sang hình thức sở hữu nhà nước hay sở hữu công cộng. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

Nhà nước chỉ được trưng mua, trưng dụng tài sản của doanh nghiệp trong các trường hợp được quy định tại Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008:

Điều 5. Điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản

Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;

2. Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia;

3. Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia;

4. Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.”

Việc thanh toán, bồi thường cho doanh nghiệp khi trưng mua, trưng thu cũng được thực hiện theo quy định từ Điều 34 đến Điều 40 của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Việc thanh toán, bồi thường phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG