Định giá Tài sản góp vốn

Trước khi chuyển quyền sở hữu tài sản, việc định giá tài sản có ý nghĩa hết sức quan trọng vì xác định giá tài sản đem góp vốn sẽ quyết định tỷ lệ phần vốn góp quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn. Việc định giá tài sản góp vốn được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cụ thể như sau:

1. LOẠI TÀI SẢN GÓP VỐN CẦN ĐỊNH GIÁ

Khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Điều 36. Định giá tài sản góp vốn

1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.”

Như vậy, các loại tài sản góp vốn cần phải định giá bao gồm: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Các tài sản phải định giá là những tài sản không có giá trị rõ ràng và không xác định được chính xác bằng tiền nếu không qua định giá.

2. ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN GÓP VỐN

Khoản 2 Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

Điều 36. Định giá tài sản góp vốn

2. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

3. Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.”

2.1. Thẩm quyền định giá tài sản góp vốn

Việc góp vốn vào doanh nghiệp diễn ra khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi doanh nghiệp trong quá trình hoạt động muốn tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên dù xảy ra ở giai đoạn nào thì việc tiến hành định giá tài sản góp vốn phải theo nguyên tắc nhất trí, cụ thể:

Trong giai đoạn góp vốn thành lập doanh nghiệp: Thời điểm này, công ty chưa được thành lập và mới chỉ ở giai đoạn thỏa thuận để xác lập cam kết góp vốn giữa các thành viên, cổ đông sáng lập, do đó không có nguyên tắc biểu quyết thông qua của Đại hội đồng cổ đông mà dựa trên nguyên tắc nhất trí, cùng đồng ý của các thành viên, cổ đông sáng lập. Nguyên tắc nhất trí này đòi hỏi tất cả các thành viên, cổ đông sáng lập phải có một tiếng nói chung về giá trị của tài sản góp vốn. Nguyên tắc này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tranh chấp có thể xảy ra về giá trị tài sản góp vốn giữa các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc trong trường hợp có xảy ra tranh chấp thì căn cứ vào kết quả định giá đã được nhất trí, cơ quan tài phán có cơ sở để đưa ra quyết định xử lý vụ tranh chấp một cách nhanh chóng, công bằng, hợp lý. Ngoài ra, nhằm đảm bảo cho kết quả định giá được khách quan, bên cạnh những chủ thể có thẩm quyền định giá tài sản góp vốn trên cơ sở tự thỏa thuận với nhau thì pháp luật còn cho phép doanh nghiệp thuê một tổ chức với tư cách là bên thứ ba đứng ra thực hiện hoạt động định giá đối với tài sản góp vốn vào doanh nghiệp. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trong giai đoạn góp vốn góp để tăng vốn điều lệ sau khi đã thành lập doanh nghiệp: Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá. Tương tự như trường hợp trên, doanh nghiệp có thể thuê một tổ chức thẩm định giá định giá. Tổ chức này có đầy đủ trình độ, kỹ năng chuyên môn để định giá tài sản. Tuy nhiên giá tài sản góp vốn sau khi được tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá vẫn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.

Trước đây, trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc thẩm định giá trị tài sản góp vốn được quy định chung chung là “đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận” hoặc “người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận”. Điều này tạo ra sự mập mờ và khó kiểm soát về mặt thực tiễn khi áp dụng quy định về tổ chức định giá tài sản góp vốn, có thể dẫn đến các tranh cãi, tranh chấp phát sinh trong nội bộ doanh nghiệp khi tiến hành định giá. Với quy định mới trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc tổ chức thẩm định giá sẽ được chấp thuận, thông qua theo quy tắc cụ thể, rõ ràng, tránh những tranh cãi không đáng có trong nội bộ doanh nghiệp.

2.2. Trách nhiệm của các chủ thể trong việc định giá tài sản góp vốn

Việc định giá tài sản góp vốn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thành viên, cổ đông góp vốn mà còn ảnh hưởng đến giá trị công ty, khả năng bảo đảm thu hồi nợ cho các chủ nợ. Do vậy, pháp luật đặt ra trách nhiệm ràng buộc đối với các chủ thể khi định giá tài sản góp vốn.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập (trong giai đoạn góp vốn thành lập doanh nghiệp) hoặc  người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần (trong giai đoạn góp vốn sau khi thành lập) cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế. Quy định này buộc các chủ thể có thẩm quyền định giá tài sản phải có trách nhiệm với công việc của mình. Việc định giá tài sản cao hơn giá trị thực sẽ tạo ra vốn điều lệ ảo, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của chủ nợ, các thành viên, cổ đông công ty.

Tổ chức thẩm định giá cũng là chủ thể thực hiện việc định giá tài sản, tuy nhiên pháp luật không đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với chủ thể này bởi đây là quan hệ pháp luật riêng giữa tổ chức thẩm định giá và các cổ đông. Đồng thời, giá tài sản sau khi được tổ chức này thẩm định đã được các chủ thể có thẩm quyền trong công ty đồng ý.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG