Một trong những cải cách quan trọng của Luật Đầu tư 2020 nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, giải pháp đối thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị là sự xuất hiện của nhóm quy định mới liên quan đến điều kiện tiếp cận thị trường của Nhà đầu tư nước ngoài theo hướng tiếp cận chọn – bỏ. Cụ thể:
Theo Khoản 10 Điều 3 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 quy định về khái niệm điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
10. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này.”
Đối với hoạt động đầu tư vốn nước ngoài vào Việt Nam, một trong những vấn đề nổi bật là việc Việt Nam đã thay đổi cách tư duy trong việc quy định điều kiện của nhà đầu tư. Cụ thể, Việt Nam đã lựa chọn phương pháp “chọn – bỏ”, tức là cam kết theo dạng “được làm tất cả những gì không bị hành chế”, thay vì phương pháp “chọn – cho”, tức là cam kết theo dạng “chỉ được làm những gì được phép làm”.
Điều này thể hiện rõ ràng theo cách quy định tại Điều 9 Luật đầu tư năm 2020:
“Điều 9. Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
1. Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
a) Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
b) Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
3. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
a) Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
b) Hình thức đầu tư;
c) Phạm vi hoạt động đầu tư;
d) Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
đ) Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Để có được quy định như này trong Luật đầu tư 2020 là sự quyết tâm rất cao của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường. Bởi lẽ, như trước đây, nhà đầu tư sẽ chỉ được thực hiện các hoạt động đầu tư đối với các ngành nghề mà Việt Nam đã có cam kết mở cửa thị trường cụ thể hoặc pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng cho phép thực hiện. Giờ đây, theo quy định của luật đầu tư nhà đầu tư sẽ được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Việc áp dụng phương pháp “chọn – bỏ” sẽ giúp cho việc tiếp cận thị trường được minh bạch hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp cho nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam hơn. Ngược lại, việc áp dụng phương thức “chọn – cho” sẽ tạo ra áp lực cho chính phủ Việt Nam phải luôn kịp thời cập nhật, tổng hợp các quy định của mình sao cho phù hợp với các cam kết quốc tế nhưng cũng không làm thiệt hại đến các doanh nghiệp trong nước trước sự gia nhập của các doanh nghiệp nước ngoài.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG