Việc thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là một thủ tục bắt buộc do luật quy định. Vậy điều kiện để một nghị quyết được thông qua là gì? Pháp luật quy định và thực tiễn thực hiện ra sao? Luật Hồng Bàng xin làm rõ những vấn đề kể trên thông qua bài viết này.
Điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua được pháp luật quy định tại Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020. Có thể thấy, tùy vào mức độ quan trọng của từng vấn đề mà điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua là khác nhau.
1. TỶ LỆ BIỂU QUYẾT ĐỂ THÔNG QUA CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG TẠI CUỘC HỌP
Đối với các trường hợp biểu quyết tại cuộc họp, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định điều kiện thông qua nghị quyết như sau:
“Điều 148. Điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua
1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:
a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;
c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;
đ) Tổ chức lại, giải thể công ty;
e) Vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định.
2. Các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”
Như vậy, trong các trường hợp thông thường, việc một nghị quyết được thông qua hay không dựa vào tỷ lệ tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông thành viên dự họp Đại hội đồng cổ đông. Cụ thể:
– Đối với các vấn đề về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác; Tổ chức lại, giải thể công ty hoặc các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định cần số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên nghị quyết mới được thông qua. Sở dĩ pháp luật quy định một tỉ lệ 65% mà không áp dụng nguyên tắc quá bán vì những vấn đề kể trên đều là những vấn đề quan trọng liên quan đến sự tồn tại và định hướng phát triển của công ty trong tương lại. Theo đó, Điều lệ công ty có thể quy định một tỷ lệ cụ thể khác bằng hoặc cao hơn 65%.
– Đối với các vấn đề khác ngoài các vấn đề kể trên thì pháp luật áp dụng nguyên tắc quá bán, tức là nghị quyết thông qua chỉ cần được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành.
2. TỶ LỆ BIỂU QUYẾT ĐỂ THÔNG QUA CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG BẰNG VĂN BẢN
Điều kiện thông qua nghị quyết đối với hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, theo Khoản 4 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“4. Trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”
Như vậy, khi áp dụng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản để thông qua nghị quyết thì nghị quyết được thông qua khi đáp ứng số số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
Bên cạnh đó, theo Khoản 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“6. Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.”
Theo đó, nghị quyết đó sẽ chỉ được thông qua khi các cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó. Tức là, nếu các cổ đông ưu đãi hoàn lại được tham gia họp và biểu quyết thì Nghị quyết được thông qua nếu số cổ đông ưu đãi hoàn lại tán thành sở hữu 70% tổng số cổ phần ưu đãi hoàn lại. Tương tự, trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì các cổ đông cùng loại sở hữu 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó tán thành thì nghị quyết mới được thông qua.
Về việc thông báo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đến các cổ đông, theo quy định tại Khoản 5 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:
“5. Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua; trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi nghị quyết có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.”
Sau khi được thông qua, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua; trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi nghị quyết có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.
3. BIỂU QUYẾT BẦU THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ VÀ BAN KIỂM SOÁT
Áp dụng cách thức bầu dồn phiếu, tại Khoản 3 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“3. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy định tại quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.”
Cách thức bầu dồn phiếu khác với cách thức bầu thông thường ở chỗ kết quả trúng cử được lấy theo số phiếu bầu từ cao đến thấp, tức là người trúng cử không cần bắt buộc phải đạt một tỷ lệ trong giới hạn từ trên 50% đến 100% như thông thường.
Ví dụ, Đại hội đồng cổ đông cần bầu 03 người trong 07 ứng viên trở thành thành viên của Hội đồng quản trị. Cổ đông có 10 000 cổ phần tương đương với 10 000 phiếu bầu
Theo cách thức bầu thông thường, thì cổ đông sẽ bỏ phiếu cho một, một số hoặc cho tất cả 07 ứng viên, mỗi ứng viên 10 000 phiếu bầu. Ứng viên trúng cử phải đạt tỉ lệ phiếu bầu tối thiểu theo Điều lệ công ty quy định nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu 50% mà Luật Doanh nghiệp quy định.
Theo cách thức bầu dồn phiếu, thì cổ đông có 10 000 phiếu bầu có thể bầu theo một trong ba cách. Cách thứ nhất là dồn hết phiếu bầu cho 1 ứng viên. Cách thứ hai là chia phiếu bầu cho một số ứng viên khác với số phiếu bằng nhau. Cách thứ ba là chia đều số phiếu bầu cho tất cả các ứng viên. Ba ứng viên có tổng số phiếu bầu cao nhất sẽ trúng cử. Theo đó, cổ đông muốn ứng viên nào trúng cử có thể chỉ tập trung bầu dồn cho người đó.
Theo đó, cách thức bầu dồn phiếu là một quy định bảo vệ cổ đông hoặc nhóm cổ đông thiểu số chỉ nắm 10% hoặc ít hơn số phiếu bầu cũng có thể đưa được người đại diện của mình vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Tương tự Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng không bắt buộc Đại hội đồng cổ đông áp dụng phương thức bầu dồn phiếu để thông qua nghị quyết bầu thành viên Hội đồng quả trị và Ban kiểm soát công ty. Có thể thấy, quy định như vậy tuy trao thêm sự chủ động cho doanh nghiệp nhưng khó bảo vệ được cổ đông hoặc nhóm cổ đông thiểu số.
Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là văn bản thể hiện ý chí thống nhất của các cổ đông trong các vấn đề liên quan đến công ty. Theo đó, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có giá trị ràng buộc mọi cá nhân, cơ quan khác trong công ty. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của tất cả cổ đông, pháp luật quy định rất chi tiết điều kiện để thông qua nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG