Điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sẽ mang lại giá trị thương mại cao cho sản phẩm đó. Vậy những sản phẩm như thế nào thì đủ điều kiện bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam? Sau đây Luật Hồng Bàng sẽ trình bày về hai điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý như sau:

1. ĐIỀU KIỆN CHUNG ĐỐI VỚI CHỈ DẪN ĐỊA LÝ ĐƯỢC BẢO HỘ

Theo Điều 79 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 quy định:

“Điều 79. Điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;

2. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.”

a. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý.

+ Phải gắn với một khu vực, địa phương cụ thể hay nói cách khác tên gọi, biểu tượng hình ảnh đó phải có thực và chỉ thuộc về khu vực địa phương đó mà thôi. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định chính xác bằng từ ngữ và bản đồ. Khu vực địa lý có thể là một đơn vị hành chính Quốc gia, khu vực địa lý thuộc một hay nhiều đơn vị hành chính hoặc toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Trong trường hợp khu vực địa lý không thuộc toàn bộ đơn vị hoặc các đơn vị hành chính, bản đồ khu vực địa lý đó được lập theo khu vực sản xuất thực tế sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tương ứng, được cơ quan quản lý khu vực đó xác nhận.

+ Phải được dùng với mục đích duy nhất để chỉ rõ sai phạm hàng hóa có nguồn gốc được sản xuất từ khu vực địa phương đó chứ không phải là được gắn trên hàng hóa hay bao bì của hàng hóa nhằm mục đích trang trí cho đẹp hay vì bất kỳ mục đích nào khác.

Mối quan hệ giữa danh tiếng, chất lượng của sản phẩm với điều kiện địa lý: có mối quan hệ phụ thuộc giữa chất lượng đặc thù, danh tiếng của hàng hóa với môi trường địa lý được chỉ rõ trong chỉ dẫn địa lý đó. Hàng hóa, sản phẩm đó phải có ít nhất một tính chất đặc thù về chất lượng hoặc có danh tiếng liên quan đến điều kiện địa lý tự nhiên, con người của địa phương đó. Như vậy, yêu cầu tối thiểu là phải chỉ ra được bằng chứng về đặc tính của hàng hóa có sự liên quan phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó. Bên cạnh khái niệm “chỉ dẫn địa lý” còn có khái niệm “chỉ dẫn nguồn gốc” được đề cập đến trong công ước Paris. Theo đó, chỉ dẫn nguồn gốc là dấu hiệu chỉ ra tên địa lý của một Quốc gia, khu vực hay một vùng cụ thể nơi sản phẩm được tạo ra mà không cần dựa trên chất lượng, tính chất đặc thù của sản phẩm. Nó chỉ đơn giản là giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm đó sản xuất từ đâu.

b. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

+ Tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý được thể hiện bằng một hoặc một số yếu tố như chỉ tiêu điịnh tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia theo phương pháp thử xác định cụ thể từ trước;

+ Danh tiếng, uy tín của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được thể hiện thông qua sự biết đến sản phẩm đó một cách rộng rãi trong giới tiêu dùng sản phẩm liên quan trong quá trình tồn tại và phát triển của sản phẩm đó;

+ Tính đặc thù về điều kiện địa lý bao gồm hai yếu tố cơ bản hội tụ nên: Yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Chất lượng đặc thù của hàng hóa, bản chất của hàng hóa được quyết định hoàn toàn hoặc ở mức độ cơ bản và chủ yếu bởi các điều kiện chủ yếu về tự nhiên, con người của môi trường địa lý nơi chúng được sản xuất ra. Tính đặc thù về điều kiện tự nhiên trong khu vực địa phương mang chỉ dẫn địa lý được thể hiện thông qua các yếu tố độc đáo về khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điệu kiện tự nhiên khác.

2. ĐỐI TƯỢNG KHÔNG ĐƯỢC BẢO HỘ VỚI DANH NGHĨA CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Điều 80 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bởi Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều 2 Luật kinh doanh bảo hiệm, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2019 quy định:

“Điều 80. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý

1. Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam;

2. Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng;

3. Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa;”.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG