Cũng như một số nước khác và các quy định tại Luật trọng tài thương mại, Bộ luật tố tụng dân sự và những văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay đều theo hướng ủng hộ trọng tài thông qua việc hạn chế và xác định rõ ràng mức độ Toà án tham gia vào trọng tài thương mại quốc gia và quốc tế. Một trong các lĩnh vực mà Tòa án Việt Nam tham gia vào Trọng tài thương mại là việc thu thập chứng cứ. Để cung cấp thông tin về vấn đề này chúng tôi đưa ra những phân tích như sau:
Cơ sở pháp lý
- Điều 46 Luật trọng tài thương mại 2010
- Điều 11 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Quy định Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
- Điều 414.5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Quy định
Theo quy định tại Điều 414 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, quy định về những việc dân sự liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
“1. Chỉ định, thay đổi Trọng tài viên.
- Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
- Hủy phán quyết trọng tài.
- Giải quyết khiếu nại đối với quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.
- Thu thập chứng cứ.
- Triệu tập người làm chứng.
- Đăng ký phán quyết trọng tài.
- Các việc dân sự khác mà pháp luật về Trọng tài thương mại Việt Nam có quy định.”
Theo đó, một trong những lĩnh vực mà Tòa án Việt Nam được tham gia vào trọng tài thương mại Việt Nam là hoạt động thu thập chứng cứ.
Luật trọng tài thương mại (LTTTM) quy định hai nguyên tắc cơ bản trong thu thập chứng cứ. Một mặt, các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp các chứng cứ cho Hội đồng trọng tài để chứng minh tình tiết liên quan đến các vấn đề tranh chấp (Điều 46.1 LTTTM). Mặt khác, hội đồng trọng tài cũng có quyền:
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp (Điều 46.2 LTTTM)
- Hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản trong vụ tranh chấp để làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp. Phí giám định, định giá do bên yêu cầu giám định, định giá tạm ứng hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ (Điều 46.3 LTTTM)
- Hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên, có quyền tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Chi phí chuyên gia do bên yêu cầu tham vấn tạm ứng hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.
Trong trường hợp Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp cho toà án.
Theo quy định tại Điều 46.5 LTTTM và Điều 11.1 Nghị quyết 01/2014, các văn bản, tài liệu mà Hội đồng trọng tài cần gửi đến Toà án để Toà án thực hiện việc thu thập chứng cứ bao gồm:
Văn bản đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ phải có đầy đủ:
- Nội dung vụ việc đang giải quyết tại Trọng tài,
- Chứng cứ cần thu thập,
- Lý do không thu thập được,
- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cần thu thập đó.
Gửi kèm theo văn bản đề nghị là
- Thỏa thuận trọng tài,
- Đơn khởi kiện,
- Tài liệu khác có liên quan và
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh việc đã tiến hành thu thập chứng cứ nhưng vẫn không thể tự mình thu thập được.
Toà án có thẩm quyền xử lý yêu cầu thu thập chứng cứ theo quy trình sau:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, đơn yêu cầu thu thập chứng cứ, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết yêu cầu thu thập chứng cứ;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp chứng cứ cho Tòa án
- Đồng thời, Thẩm phán cũng phải gửi văn bản đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu (Điều 46.6 LTTTM và Điều 106.3 BLTTDS);
- Hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do ( Điều 106.3 BLTTDS);
- Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu thì Tòa án phải thông báo ngay cho Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu biết đồng thời có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (Điều 46.6 LTTTM)
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án (Điều Điều 106.3 BLTTDS và Điều 495.1 BLTTDS).
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, Tòa án phải thông báo cho Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu biết để tiến hành việc giao nhận chứng cứ (Điều 46.6 LTTTM).
Trên đây là một số phân tích của công ty chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!