Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không công khai giúp Doanh nghiệp giữ bí mật được các thông tin tranh chấp có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Tuy nhiên, để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì hai bên phải có thỏa thuận trọng tài và phải đáp ứng được các yêu cầu về hình thức cũng như nội dung. Thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng chỉ vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau quy định tại Điều 18 Luật trọng tài thương mại:
- “Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
- Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu.
- Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.”
(i) Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật trọng tài thương mại
Căn cứ dẫn đến thoả thuận trọng tài vô hiệu là trường hợp tranh chấp nằm ngoài thẩm quyền của trọng tài. Ở đây, thuật ngữ nằm ngoài “thẩm quyền của trọng tài” nói tới tranh chấp không thể giải quyết bằng trọng tài vì những tranh chấp này thuộc thẩm quyền riêng biệt của Toà án. Ví dụ, vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài liên quan đến tài sản là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam; Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam; hoặc Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam thuộc thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam (Điều 470.1 Bộ luật tố tụng dân sự).
Mỗi quốc gia sẽ quyết định xem những tranh chấp nào có thể giải quyết hay không giải quyết bằng trọng tài dựa trên chính sách kinh tế, xã hội và chính trị riêng của quốc gia đó. Thông thường, các vấn đề đó là: quan hệ gia đình, tội phạm hình sự, khiếu nại về lao động hay việc làm, phá sản,… Điều 2 Luật trọng tài thương mại quy định về Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài, theo đó, trọng tài có thể giải quyết tranh chấp ở một trong ba tình huống sau:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Nó bao gồm tất các các hoạt động mà luật định là hoạt động thương mại, nghĩa là hoạt động nhằm mục đích tạo ra lợi nhuận, bao gồm: mua bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác nhằm mục đích lợi nhuận (Điều 3.1 Luật thương mại).
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài
(ii) Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
Một người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi (1) không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc (2) là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp
Nếu người xác lập thoả thuận trọng tài không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền hợp pháp, thì theo Điều 3.2 Nghị quyết 01/2014 thoả thuận trọng tài đó về nguyên tắc là vô hiệu. Tuy nhiên, nếu trong quá trình xác lập, thực hiện thoả thuận trọng tài, hoặc trong tố tụng trọng tài, người có thẩm quyền ký kết đã công nhận thoả thuận trọng tài đó hoặc biết về thoả thuận đó mà không phản đối thì thoả thuận trọng tài đó không vô hiệu. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 142 Bộ luật dân sự 2015.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền
Trường hợp người xác lập thoả thuận trọng tài là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền cũng vậy, nếu trong quá trình xác lập, thực hiện thoả thuận trọng tài, hoặc trong tố tụng trọng tài, người có thẩm quyền ký kết đã công nhận thoả thuận trọng tài đó hoặc biết về thoả thuận đó mà không phản đối thì thoả thuận trọng tài đó không vô hiệu. Điều này phù hợp với quy định tại Điều 142 Bộ luật dân sự 2015.
Trong trường hợp liên quan đến nước ngoài theo Điều 663, Điều 664 Bộ luật dân sự 2015, luật Việt Nam không tự động áp dụng. Việc người ký không có thẩm quyền hay vượt quá thẩm quyền được xem xét theo pháp luật áp dụng và được xác định theo quy tắc xung đột luật được nêu trong Điều 673, 674, 676, 683 và các quy định cụ thể trong phần thứ năm Bộ luật dân sự 2015.
(iii) Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
Điều 459.1 Bộ luật tố tụng dân sự quy định rằng pháp luật áp dụng để xem xét năng lực ký kết của một bên là “pháp luật được áp dụng cho mỗi bên”. Hội đồng phải dựa vào luật áp dụng cho mỗi bên để quyết định xem người ký kết thoả thuận trọng tài đó có năng lực ký kết thoả thuận đó hay không. Do vậy, luật này không đương nhiên là luật Việt Nam.
Đối với cá nhân, Theo Điều 3.3 Nghị quyết 01/2014 thì người không có năng lực hành vi dân sự người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này thì Tòa án cần thu thập chứng cứ để chứng minh người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Đối với pháp nhân, Thẩm phán sẽ xem xét năng lực hành vi dân sự của đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền giao kết thoả thuận trọng tài.
(iv) Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định
Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
- Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
- Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
- Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
- Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
- Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
Trường hợp có nhiều thoả thuận trọng tài được xác lập đối với cùng một nội dung tranh chấp thì thoả thuận trọng tài được xác lập hợp pháp sau cùng theo thời gian có giá trị áp dụng.
Trong trường hợp vừa có điều khoản lựa chọn Toà án, vừa có điều khoản trọng tài được xác lập mà các bên không có thoả thuận lại hoặc thoả thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp, thì Toà án phải dựa vào Điều 2.4 Nghị quyết 01/2014 để quyết định như sau:
- Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật TTTM để từ chối thụ lý vụ việc trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện;
- Khi các tranh chấp được đưa ra trọng tài giải quyết, Toà án phải xem xét thụ lý và giải quyết tranh chấp theo thủ tục chung.
- Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
(v) Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
Hiệu lực của thoả thuận trọng tài phải được xem xét riêng rẽ so với hợp đồng. Bất kỳ khiếu nại nào cho rằng thoả thuận trọng tài là vô hiệu do một bên cho rằng mình bị lừa dối, đe doạ hoặc ép buộc trong quá trình giao kết thoả thuận trọng tài thì đều phải được xem xét theo quy định tại Điều 3 và Điều 127 Bộ luật dân sự.
Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
- Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
- Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
(vi) Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật
Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài những tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh. Như vậy, thỏa thuận trọng tài phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung, không được vi phạm điều cấm của pháp luật.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Trên đây là một số phân tích của công ty chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!