Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận.Trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì yếu tố thỏa thuận đóng vai trò chủ đạo, là yếu tố quyết định sự tồn tại của trọng tài. Sẽ không có trọng tài nếu không có thỏa thuận trọng tài. Điều này đồng nghĩa với việc thỏa thuận trọng tài là điều kiện tiên quyết để tiến hành tố tụng trọng tài. Để giúp quý khách hàng có thông tin về vấn đề này, chúng tôi sẽ đưa ra các phân tích như sau đây:
Tính ràng buộc của thỏa thuận trọng tài
Việc tranh chấp của các bên có thể được giải quyết bằng trọng tài hay không là dựa trên cơ sở có một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực. Khi các bên đạt được một thỏa thuận trọng tài (thoả thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau tranh chấp), tranh chấp pháp lý được đề cập trong thỏa thuận trọng tài của họ phải được giải quyết bằng thiết chế trọng tài (Điều 5.1 Luật trọng tài thương mại). Điều này có nghĩa là khi các bên đã giao kết một thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ khi thỏa thuận trọng tài là vô hiệu hoặc không thể thực hiện được (Điều 6 Luật trọng tài thương mại).
Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài
Theo nguyên tắc về tính độc lập của thỏa thuận trọng tài thì một thỏa thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng chứa đựng thoả thuận trọng tài đó. Do vậy, việc sửa đổi, gia hạn hoặc đình chỉ hợp đồng hoặc hợp đồng vô hiệu hay không thể thực hiện được không làm thoả thuận trọng tài vô hiệu (Điều 19 Luật trọng tài thương mại).
Hình thức của thoả thuận trọng tài
Điều 16 Luật trọng tài thương mại quy định về hình thức của thoả thuận trọng tài:
“1. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận”.
Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định thỏa thuận trọng tài phải được xác lập dưới hình thức văn bản.
Nội dung của thoả thuận trọng tài
Nội dung thỏa thuận trọng tài nên đơn giản và chính xác, nên nêu rõ các nội dung sau:
- Hình thức trọng tài (trọng tài quy chế hay trọng tài vụ việc)
- Trung tâm trọng tài mà các bên chọn để đưa tranh chấp ra giải quyết.
- Số lượng trọng tài viên (1 hay 3)
- Địa điểm tiến hành tố tụng trọng tài
- Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp
- Ngôn ngữ trọng tài.
Luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài
Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, luật áp dụng cho thoả thuận trọng tài là luật Việt Nam, nghĩa là các quy định của Luật trọng tài thương mại và Nghị quyết 01/2014.
Đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, hội đồng trọng tài hoặc tòa án, trước hết cần xác định xem giá trị của thỏa thuận trọng tài phải được xem xét theo luật nào. Luật áp dụng cho thoả thuận trọng tài không đương nhiên, không tự động là luật điều chỉnh hợp đồng có chứa thoả thuận trọng tài hay thoả thuận trọng tài viện dẫn tới hợp đồng đó. Luật áp dụng cho thoả thuận trọng tài quốc tế phải do các bên lựa chọn. Trong trường hợp luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài chưa được lựa chọn bởi các bên, luật nơi có địa điểm giải quyết tranh chấp trọng tài – hay được gọi là lex arbitri sẽ được áp dụng.
Xem xét giá trị pháp lý của thoả thuận trọng tài
“Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết.” (Điều 43.1 Luật trọng tài thương mại).
Theo nguyên tắc Hội đồng trọng tài có thẩm quyền tự xem xét thẩm quyền của mình (Nguyên tắc thẩm quyền về thẩm quyền), nếu các bên đưa tranh chấp ra trọng tài và bị đơn yêu cầu bác bỏ hiệu lực của thoả thuận trọng tài, thì hội đồng trọng tài phải xem xét giá trị pháp lý của thoả thuận trọng tài. Trong trường hợp này, hiệu lực của thoả thuận trọng tài phải được Hội đồng trọng tài xem xét trước khi giải quyết nội dung của tranh chấp, tức là ngay khi bắt đầu tố tụng trọng tài (khoản 1 Điều 43 Luật trọng tài thương mại).
Quyết định về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài có thể bị Tòa án xem xét lại. Sau khi Hội đồng trọng tài quyết định về việc mình có thẩm quyền hay không, theo yêu cầu của một bên, Toà án xem xét lại quyết định về giá trị pháp lý của thoả thuận trọng tài mà Hội đồng trọng tài đã ban hành. Việc xem xét lại quyết định về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài nhằm mục tiêu:
- Nếu hội đồng trọng tài cho rằng thoả thuận trọng tài của các bên là vô hiệu và ban hành quyết định rằng mình không có thẩm quyền, thì theo yêu cầu của một trong các bên, Toà án xem xét lại quyết định này (Điều 44.1 Luật trọng tài thương mại).
- Nếu hội đồng trọng tài cho rằng thoả thuận trọng tài có hiệu lực và ban hành một phán quyết trọng tài, thì theo yêu cầu của một trong các bên, phán quyết trọng tài do Hội đồng trọng tài ban hành có thể bị huỷ nếu Toà án xem xét thấy không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu (Điều 68.2.a Luật trọng tài thương mại).
Trên đây là một số phân tích của công ty chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!