Đầu tư vào các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số theo góc nhìn pháp luật

Đầu tiên, tiền ảo không do bất kỳ quốc gia nào phát hành và cũng không gắn liền với một loại tiền tệ cụ thể nào trên thế giới. Tiền ảo không được phát hành, không được bảo đảm của pháp luật của quốc gia nào. Các chức năng của tiền ảo được xác định trên đây chỉ được thực hiện theo ý chí thỏa thuận của các chủ thể trong cộng đồng, những người sử dụng tiền ảo trong giao dịch. Tức là, động lực tăng giá của tiền ảo là niềm tin của những người trong cộng đồng sử dụng và trao đổi tiền.

Trung Quốc đã ra lệnh cấm Bitcoin với đánh giá là loại tiền ảo này hàm chứa nhiều rủi ro. Tại Cộng hòa Liên bang Nga, Văn phòng Công tố Liên bang ban hành quy định, nghiêm cấm sử dụng tiền ảo Bitcoin cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác. Thái Lan cũng cấm lưu hành và sử dụng Bitcoin. Sau khi ngân hàng nước này xác định đây không phải là đơn vị tiền tệ có uy tín. Vì vậy, việc mua bán, gửi, thanh toán bằng Bitcoin từ bất kỳ chủ thể nào ngoài Thái Lan hoặc nhận từ các quốc gia khác đều bị nghiêm cấm.

Tại Việt Nam, hiện nay, theo Khoản 6,7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định như sau:

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”

Vì vậy tiền ảo không thuộc vào trường hợp trên và được coi là phương tiện thanh toán không hợp pháp.

Ngoài ra, theo công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo cũng không công nhận Bitcoin hay bất kỳ loại tiền mã hóa nào khác là một loại tiền tệ và có thể dùng được để thanh toán. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định nào điều chỉnh vấn đề này nếu coi đồng tiền mã hóa là một loại hàng hóa.

Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo có thể bị xử phạt hành chính và thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định tại Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50-100 triệu đồng.

Ngoài ra nếu gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Do đó, nhà đầu tư vẫn có thể đầu tư vào tiền ảo, miễn là không sử dụng nó với mục đích thanh toán và phải chấp nhận các rủi ro đối với hoạt động đầu tư này.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.