Hợp đồng BCC là hợp đồng hợp tác kinh doanh, là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia tài sản theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế. Vậy pháp luật có quy định như thế nào về chủ thể, hình thức cũng như nội dung của hình thức hợp đồng BCC?
Theo Điều 27 Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (sau đây gọi là Luật đầu tư năm 2020) quy định về hình thức đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC như sau:
“Điều 27. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật này.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.”
1. CHỦ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG BCC
Các bên của hợp đồng là các nhà đầu tư. Bởi hợp đồng hợp tác kinh doanh là một trong hình thức đầu tư được điều chỉnh bởi luật đầu tư 2020. Do đó, các chủ thể khi tham gia ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh đều được coi là các nhà đầu tư, không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.
Chủ thể của hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC là các nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài. Theo Khoản 19, 20 Luật đầu tư năm 2020 quy định về nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài như sau:
“19. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
20. Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”
Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài, thuộc sở hữu Nhà nước hay sở hữu tư nhân đều có thể trở thành chủ thể của hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC. Đây là điểm khác biệt so với các quy định về hình thức đầu tư theo hợp đồng này theo pháp luật về đầu tư trước đây.
2. HÌNH THỨC CỦA HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH BCC
Hợp đồng được xác lập dưới hình thức bằng văn bản. Mặc dù luật đầu tư năm 2020 không quy định rõ ràng hợp đồng hợp tác kinh doanh phải lập dưới hình thức văn bản. Tuy nhiên tại khoản 1 điều 27 luật đầu tư năm 2020 quy định rằng:
“Điều 27. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.”
Trong đó hợp đồng BCC là một hình thức của hợp đồng hợp tác trong bộ luật dân sự 2015. Theo quy định của hợp đồng hợp tác trong Khoản 2 Điều 504 Bộ luật dân sự 2015 có quy định rất rõ ràng hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản.
“Điều 504. Hợp đồng hợp tác
2. Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản.”
Theo quy định của luật đầu tư 2020, hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Đối với trường hợp hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau thì phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Để thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC cần tuân thủ theo các bước như sau:
Bước 1: Các nhà đầu tư ký kết hợp đồng BCC theo quy định của pháp luật Việt Nam
Bước 2: Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau thì tiến hành thủ tục xin cấp giấy chứng nhất đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư.
Bước 3: Các bên tham gia hợp đồng BCC Thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC.
3. NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG BCC
Theo Khoản 1 Điều 28 Luật đầu tư năm 2020 quy định nội dung của hợp đồng BCC bao gồm:
“Điều 28. Nội dung hợp đồng BCC
1. Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.”
Hợp đồng bao gồm các thỏa thuận về nội dung giữa các bên. Vì hình thức đầu tư này là dưới dạng hợp đồng nên chủ yếu là nội dung của hợp đồng là gồm các điều khoản. Bên cạnh các nội dung chủ yếu của quy định ở trên, các nhà đầu tư có thể bổ sung thêm các điều khoản khác nhưng không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng,
CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG