Trả lại đơn khởi kiện trong tố tụng dân sự là hành vi của Thẩm phán Tòa án nhân dân khi được Chánh án Tòa án phân công xem xét đơn khởi kiện.
Việc trả lại đơn khởi kiện không đúng quy định của Thẩm phán ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, hoạt động kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Viện kiểm sát nhân dân nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
1. Một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động trả lại đơn của Tòa án
Trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán vẫn còn một số vướng mắc trong quy định của pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung để hoạt động kiểm sát đạt kết quả cao hơn, cụ thể:
Thứ nhất, về thời hạn gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp”.
Nội dung điều luật đã quy định Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nhưng lại không quy định trong thời hạn bao lâu kể từ ngày có văn bản trả lại đơn khởi kiện thì Thẩm phán phải gửi cho Viện kiểm sát. Để Viện kiểm sát kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện có đúng quy định hay không để thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp khi đương sự có đơn khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán và gửi đến Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát mới nắm được Tòa án đã trả đơn khởi kiện cho đương sự.
Thứ hai, khó khăn, vướng mắc trong kiểm sát căn cứ trả lại đơn khởi kiện.
Cũng theo quy định tại khoản 2, Điều 192 BLTTDS quy định:
“…Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao chụp và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu”.
Như vậy, điều luật chỉ quy định Tòa án sao chụp và lưu tài liệu để làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị chứ không quy định phải gửi các tài liệu liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện cho Viện kiểm sát. Gây khó khăn cho việc kiểm sát căn cứ trả lại đơn khởi kiện.
Mặt khác, khoản 1, Điều 21 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì:
“Trường hợp Viện kiểm sát cần xem xét kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc sau khi nhận được thông báo mở phiên họp giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Viện kiểm sát gửi văn bản yêu cầu Tòa án cho sao chụp một số hoặc toàn bộ bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ”
Do đó chỉ trong trường hợp cần xem xét kiến nghị Viện kiểm sát mới có văn bản yêu cầu Tòa án cho sao chụp tài liệu chứ không phải trong mọi trường hợp trả lại đơn khởi kiện của Tòa án Viện kiểm sát đều có quyền yêu cầu sao chụp tài liệu, chứng cứ. Quy định này cũng gây rất nhiều khó khăn, cản trở cho quá trình kiểm sát căn cứ trả lại đơn khởi kiện.
Thứ ba, về sự có mặt của đại diện Viện kiểm sát trong phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại trả lại đơn khởi kiện. Theo khoản 3, Điều 194 BLTTDS thì phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại có sự tham gia của đương sự và đại diện Viện kiểm sát cùng cấp.
Tuy nhiên, tại Điều 26 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC quy định:
“Kiểm sát viên được phân công có nhiệm vụ tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát kiến nghị”.
Như vậy trong một số trường hợp do công việc đột xuất, không có Kiểm sát viên thay thế thì Viện kiểm sát không thực hiện được chức năng kiểm sát tại phiên họp xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của đương sự. Quy định này cũng làm giảm chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát trả lại đơn khởi kiện.
Thứ tư, việc tham gia phiên họp xét khiếu nại, kiến nghị trả lại đơn khởi kiện
BLTTDS và Thông tư liên tịch hướng dẫn mới chỉ dừng lại ở các quy định rất chung về trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp.
Trong khi một số nội dung khác như: Thành phần phiên họp có phải bao gồm cả Thư ký Tòa án? Bài phát biểu của VKS có phải gửi cho Tòa án như trong quá trình giải quyết vụ, việc dân sự đã thụ lý hay không? Trách nhiệm của Tòa án trong việc sao gửi tài liệu, chứng cứ để VKS nghiên cứu trước khi tham gia phiên họp giải quyết, khiếu nại, kiến nghị? Việc không quy định cụ thể sẽ gây khó khăn cho VKS trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án.
Thứ năm, khoản 5 Điều 194 BLTTDS năm 2015 quy định
“Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết”, tuy nhiên, lại không nói rõ VKS cấp nào được quyền kiến nghị.
Tương tự như vậy, đối với lần giải quyết khiếu nại lần sau của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao hoặc của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì cấp nào kiểm sát? Do không quy định nên trong thực tiễn hiện nay vẫn còn nhiều lúng túng.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả trong quá trình trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự
BLTTDS năm 2015 mở ra hành lang pháp lý để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Nhằm nâng cao hiệu quả trong kiểm soát trả lại đơn khởi kiện cần có những biện pháp như sau:
- Thứ nhất, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được giao nhiệm vụ phải kiểm sát chặt chẽ các thông báo trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án, nếu phát hiện Tòa án không ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện trong văn bản, cần yêu cầu Tòa án sửa chữa, khắc phục kịp thời.
- Thứ hai, lập sổ sách riêng để theo dõi việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án. Trong đó, lập cụ thể các cột mục như ngày, tháng, năm Tòa án nhận đơn khởi kiện; Số, ngày, tháng, năm Tòa án ra quyết định trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; Lý do trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; ngày, tháng, năm Viện kiểm sát nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án…
- Thứ ba, hàng tuần, hàng tháng phải tăng cường phối hợp với Tòa án trong việc đối chiếu sổ sách, chốt số liệu những vụ việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; khi phát hiện những trường hợp Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện nhưng chưa thông báo cho Viện kiểm sát phải yêu cầu Tòa án khắc phục kịp thời.
- Thứ tư, lãnh đạo đơn vị đề ra một số biện pháp quản lý, theo dõi chặt chẽ hơn hoạt động kiểm sát trả lại đơn khởi kiện của Tòa án như: Phân công Kiểm sát viên kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án; khi phát hiện có vi phạm thì kịp thời báo cáo đề xuất lãnh đạo có công văn rút hồ sơ lưu tại Tòa án để nghiên cứu, xem xét việc kiến nghị theo thẩm quyền. Toàn bộ hoạt động này phải được lập thành hồ sơ, đưa vào lưu trữ đúng quy định và cập nhật kết quả cụ thể vào sổ theo dõi.
- Thứ năm, lãnh đạo 2 ngành Tòa án, Viện kiểm sát tổ chức các buổi họp rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ án, đảm bảo thực hiện tốt Quy chế liên ngành.
- Thứ sáu, lãnh đạo đơn vị, kiểm sát viên thường xuyên cập nhật các thông báo, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành; không ngừng nghiên cứu, học tập để nâng cao kỹ năng kiểm sát, trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.
Thực tiễn luôn vận động không ngừng, các quan hệ pháp luật dân sự ngày càng phong phú, phức tạp, đòi hỏi sự tương thích của pháp luật để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; Những quy định về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cũng không ngoại lệ. Việc nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án góp phần bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này có thể truy cập vào Website: hongbanglawfirm.com, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!