Công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước

Công bố thông tin là một trong những nghĩa vụ của doanh nghiệp Nhà nước. Vậy vấn đề này hiện nay được pháp luật quy định như thế nào? Luật Hồng Bàng xin giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. MỤC ĐÍCH CÔNG BỐ THÔNG TIN

Mục đích của việc công bố thông tin nhằm đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nhờ đó, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà công chúng cũng có thể giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong khối này, qua đó có thể giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước, nỗ lực tối ưu hoá nguồn lực mà doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của quốc gia.

2. NGUYÊN TẮC CÔNG BỐ THÔNG TIN

Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện công bố thông tin dựa trên các nguyên tắc quy định tại Điều 20 Nghị định 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp:

Điều 20. Nguyên tắc thực hiện công bố thông tin.

1. Việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước phải đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp; bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và xã hội.

2. Việc công bố thông tin do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền công bố thông tin thực hiện. Trường hợp thực hiện công bố thông tin thông qua người được ủy quyền, doanh nghiệp phải gửi Giấy ủy quyền theo mẫu quy định tại Biểu số 1 Phụ lục II kèm theo Nghị định này đến cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời công khai nội dung này trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền công bố thông tin chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, trung thực và chính xác của thông tin được công bố.

3. Báo cáo công bố thông tin được xây dựng theo đúng mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này và được chuyển sang dữ liệu dưới dạng điện tử (định dạng file là PDF, Word, Exel). Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại báo cáo nêu tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này. Ngôn ngữ thực hiện công bố thông tin là tiếng Việt.

4. Báo cáo công bố thông tin qua mạng điện tử của doanh nghiệp có giá trị pháp lý như bản giấy, là cơ sở đối chiếu, so sánh, xác thực thông tin phục vụ cho công tác thu thập, tổng hợp thông tin; kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.

5. Báo cáo công bố thông tin phải được duy trì trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Cổng thông tin doanh nghiệp tối thiểu 05 năm. Doanh nghiệp công bố thông tin thực hiện việc bảo quản, lưu trữ thông tin đã báo cáo, công bố theo quy định của pháp luật.”

3. HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG TIỆN CÔNG BỐ THÔNG TIN

Hình thức và phương tiện công bố thông tin được quy định tại Điều 21 Nghị định 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp:

Hình thức công bố thông tin: Việc công bố thông tin được thực hiện bằng hình thức văn bản và dữ liệu điện tử. Dữ liệu điện tử có thể được hiểu là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

Phương tiện công bố thông tin bao gồm: Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; Cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu; Cổng thông tin doanh nghiệp. Việc công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khác phải do cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định.

4. CÁCH THỨC THỰC HIỆN

Doanh nghiệp thực hiện báo cáo và đăng tải các thông tin cần công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, Cổng thông tin doanh nghiệp đúng thời hạn; đồng thời gửi báo cáo tới cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đối với nội dung quan trọng, liên quan hoặc ảnh hưởng đến bí mật và an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh, doanh nghiệp báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định nội dung cần hạn chế công bố thông tin.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu đăng tải trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan các thông tin phải công bố định kỳ của doanh nghiệp trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu rà soát, đánh giá, quyết định việc hạn chế công bố thông tin các nội dung quan trọng, liên quan hoặc ảnh hưởng đến bí mật và an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát.

5. NỘI DUNG CÔNG BỐ THÔNG TIN

5.1. Đối với công bố thông tin định kỳ

Vấn đề công bố thông tin định kỳ được quy định tại Điều 109 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 23 Nghị định 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, cụ thể:

Điều 23. Các thông tin công bố định kỳ.

1. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải định kỳ công bố các thông tin sau đây:

a) Thông tin cơ bản về doanh nghiệp và Điều lệ công ty;

b) Mục tiêu tổng quát, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch kinh doanh hằng năm đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt theo nội dung quy định tại Biểu số 2 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 31 tháng 3 của năm thực hiện;

c) Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm theo nội dung quy định tại Biểu số 3 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện;

d) Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích được giao theo kế hoạch hoặc đấu thầu (nếu có) và trách nhiệm xã hội khác theo nội dung quy định tại Biểu số 4 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện;

đ) Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức 06 tháng của doanh nghiệp theo nội dung quy định tại Biểu số 5 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 31 tháng 7 hằng năm;

e) Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức hằng năm của doanh nghiệp theo nội dung quy định tại Biểu số 6 Phụ lục II kèm theo Nghị định này; thời hạn công bố trước ngày 30 tháng 6 của năm liền sau năm thực hiện;

g) Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có) theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp; thời hạn công bố trước ngày 31 tháng 7 hàng năm;

h) Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có) theo quy định pháp luật về kế toán doanh nghiệp; thời hạn công bố trong vòng 150 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thực hiện công bố thông tin theo quy định tại điểm a, c, đ, e, h khoản 1 Điều này.”

So với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã lược bỏ bớt một số thông tin phải thực hiện việc công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước không phải công bố thông tin về báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo, bản tự kiểm điểm, đánh giá hằng năm của họ trên cương vị là người quản lý công ty; thông tin về Đại hội công nhân, viên chức, số lượng lao động bình quân năm và tại thời điểm báo cáo, tiền lương và lợi ích khác bình quân năm trên người lao động. Đồng thời, bổ sung thông tin về hợp đồng được thiết lập giữa doanh nghiệp Nhà nước với người có liên quan là đối tượng phải công bố thông tin định kỳ (Điểm e Khoản 2 Điều 109 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Như vậy, với cách quy định tinh giảm lượng thông tin phải công bố định kỳ như trên là phù hợp bởi điều này không chỉ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp Nhà nước trong việc công bố thông tin định kỳ mà còn giúp doanh nghiệp Nhà nước tiết kiệm được thời gian, công sức trong vấn đề công bố thông tin. Ngoài ra, việc bổ sung thông tin về hợp đồng được thiết lập giữa Doanh nghiệp Nhà nước với người có liên quan cũng là đối tượng phải công bố thông tin định kỳ là điều cần thiết bởi hợp đồng tồn tại giữa doanh nghiệp Nhà nước với người có liên quan thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, cần phải có sự công bố thông tin định kỳ về các loại hợp đồng này để đảm bảo sự kiểm soát, giám sát của các bên liên quan trên cơ sở đảm bảo sự công khai, minh bạch, từ đó góp phần giảm thiểu những rủi ro và thiệt hại có thể xảy ra.

5.2. Đối với công bố thông tin bất thường

Doanh nghiệp phải công bố trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của công ty; Cổng thông tin doanh nghiệp và gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu về các thông tin bất thường trong thời hạn 36 giờ kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau:

Điều 110. Công bố thông tin bất thường

1. Công ty phải công bố trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của công ty về các thông tin bất thường trong thời hạn 36 giờ kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện sau đây

a) Tài khoản của công ty bị phong tỏa hoặc được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa;

b) Tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc giấy phép khác liên quan đến hoạt động của công ty;

c) Sửa đổi, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc giấy phép khác liên quan đến hoạt động của công ty;

d) Thay đổi thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng phòng tài chính kế toán, Trưởng Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên;

đ) Có quyết định kỷ luật, khởi tố, có bản án, quyết định của Tòa án đối với người quản lý doanh nghiệp;

e) Có kết luận của cơ quan thanh tra hoặc của cơ quan quản lý thuế về việc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp;

g) Có quyết định thay đổi tổ chức kiểm toán độc lập hoặc bị từ chối kiểm toán báo cáo tài chính;

h) Có quyết định thành lập, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện; quyết định đầu tư, giảm vốn hoặc thoái vốn đầu tư tại các công ty khác.”

6. TẠM HOÃN CÔNG BỐ THÔNG TIN

Trong trường hợp việc công bố thông tin không thể thực hiện đúng thời hạn vì lý do bất khả kháng như chiến tranh, đình công, nổi loạn, tội phạm, thiên tai, địch họa… theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc được sự chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với những nội dung cần hạn chế công bố, doanh nghiệp báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc tạm hoãn công bố thông tin.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định việc tạm hoãn công bố thông tin và thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Doanh nghiệp phải công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp việc tạm hoãn công bố thông tin, đồng thời phải thực hiện công bố thông tin ngay sau khi sự kiện bất khả kháng được khắc phục hoặc sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với các nội dung cần hạn chế công bố thông tin.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline (+84) 912356575, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng,

CÔNG TY LUẬT HỒNG BÀNG