Cơ sở pháp lý
- Luật giao dịch điện tử 2005
- Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử
- Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử
- Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số
Nội dung
Một hợp đồng thường phải có chữ ký của các bên nhằm khẳng định sự thỏa thuận của các bên đối với các điều khoản trong hợp đồng. Chữ ký trong hợp đồng trước hết phải là biểu tượng thể hiện mong muốn của các bên. Xét về mặt pháp lý, một chữ ký trong hợp đồng chính là cơ sở để xác định mong muốn đó. Ngoài việc thể hiện mong muốn của các chủ thể, chữ ký còn thể hiện hai mục tiêu khác: thứ nhất, nó có thể được sử dụng để xác định người ký; thứ hai, chữ ký có thể được sử dụng làm bằng chứng cho tính toàn vẹn của một văn bản (chẳng hạn, trong một văn bản dài, chữ ký không chỉ xuất hiện ở trang cuối mà còn xuất hiện trong từng trang, điều này có ý nghĩa bảo đảm hợp đồng là một thể thống nhất, chống lại sự thay đổi ở bất cứ phần nào trong hợp đồng, qua đó bảo đảm tính toàn vẹn của văn bản).
Đối với hợp đồng điện tử, việc tạo lập một chữ ký hay đóng dấu sẽ không thể thực hiện được như đối với hợp đồng bằng văn bản, mà sẽ được ký bằng chữ ký điện tử. Nếu hợp đồng bằng văn bản thường nhất thiết phải gắn liền với chữ ký tay, thì hợp đồng điện tử lại gắn với chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử (electronic signature) là chữ ký được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký (khoản 1 Điều 21 Luật Giao dịch điện tử năm 2005).
Trong giao kết hợp đồng điện tử, chức năng xác thực và bảo đảm sự toàn vẹn là rất quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh các giao dịch điện tử được tự động hoá và hệ thống kỹ thuật, công nghệ về giao dịch điện tử dễ bị sửa đổi, thì nhu cầu có một cách thức đảm bảo nhận dạng bên đề nghị và bên được đề nghị giao kết hợp đồng điện tử, cũng như sự toàn vẹn của thông điệp dữ liệu là rất cần thiết. Chữ ký điện tử có nhiều loại khác nhau, có thể là một cái tên đặt cuối thông điệp dữ liệu, một ảnh chụp chữ ký viết tay gắn với thông điệp dữ liệu, một mã số bí mật có khả năng xác định người gửi thông điệp dữ liệu… trong số đó, có chữ ký điện tử an toàn do một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử tin cậy phát hành hoặc có loại chữ ký điện tử không đảm bảo độ an toàn do các bên giao dịch tự tạo ra. Dưới góc độ pháp lý, những chữ ký điện tử như vậy phải được thừa nhận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao kết hợp đồng điện tử. Vấn đề là ở chỗ, pháp luật phải đưa ra các tiêu chí để xác định và bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử.
Câu hỏi đặt ra là chữ ký điện tử nào đảm bảo chức năng tương đương với chữ ký truyền thống đồng thời ngăn ngừa việc giả mạo chữ ký, xác thực người ký thông điệp dữ liệu và bảo đảm tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu sau khi đã ký. Khác với chữ ký tay, việc sử dụng chữ ký điện tử đặt ra vấn đề cần phải đảm bảo các yêu cầu về mặt công nghệ và về mặt pháp lý, tức là đảm bảo việc chữ ký điện tử được sử dụng an toàn và thể hiện ý chí rõ ràng của các bên về thông tin trong thông điệp dữ liệu. Vậy làm thế nào để nhận dạng chữ ký điện tử, hay nói cách khác, cần có biện pháp nào để các bên có thể xác định được chữ ký điện tử của đối tác. Về vấn đề này, cần có một cách thức nào đó mang tính kỹ thuật hoặc một tổ chức trung gian nhằm chứng thực tính xác thực và đảm bảo độ tin cậy của chữ ký điện tử. Đây là một vấn đề không xảy ra khi giao kết hợp đồng theo phương thức truyền thống, nhưng lại rất cần được quan tâm khi giao kết hợp đồng điện tử nhằm đảm bảo sự an toàn.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com hoặc lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!